Thứ sáu, 30/8/2013, 10h08

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học: Bài cuối: Tiết dạy là công trình tập thể

Một tiết học có GV dự giờ
Hướng đến người học nên sinh hoạt chuyên môn (SHCM) theo nghiên cứu bài học không đặt nặng việc quan tâm giờ dạy của giáo viên (GV) như trước đây mà khuyến khích người dự giờ hướng đến đối tượng học sinh (HS) để làm sao giúp đỡ các em có một bài học hoàn chỉnh, chất lượng gây được hứng thú và niềm say mê học tập…
SHCM theo nghiên cứu bài học cũng là SHCM nhưng ở đó GV tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến người học chứ không ai khác. Phải xem thử HS học như thế nào, lớp dạy đang gặp khó khăn gì? Nội dung và phương pháp giảng dạy có phù hợp và gây hứng thú cho HS không? Kết quả cuối cùng có được cải thiện hay không? Nếu cần điều chỉnh thì điều chỉnh gì và điều chỉnh như thế nào?...
Phá bỏ khuôn thước trong dự giờ
SHCM theo nghiên cứu bài học không tập trung vào đánh giá giờ học, xếp loại giờ dạy như trước đây mà hướng đến khuyến khích GV tìm ra nguyên nhân tại sao HS chưa đạt kết quả như mong muốn và kịp thời có biện pháp khắc phục. Không chỉ tạo cơ hội cho mọi cá thể được tham gia vào quá trình học tập mà cách làm này còn giúp GV chủ động điều chỉnh cách dạy “hợp gu” với đối tượng HS lớp mình, trường mình hơn. Thay vì chỉ biết “chĩa” vào người dạy, người dự giờ tập trung cao vào mọi hoạt động học tập của HS, từ đó phát hiện những khó khăn mà các em gặp phải để có cách tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, sau tiết dạy không đánh giá xếp loại khá, giỏi hay trung bình theo các tiêu chí đã được bắt buộc định sẵn như trước đây mà chỉ đánh giá khả năng lĩnh hội tri thức của HS trong lớp mà thôi.
Ông Trần Tiến Thành - Chuyên viên môn ngữ văn Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM) - cho biết bài dạy minh họa là công trình lớn của tập thể do cả nhóm GV thiết kế trên tinh thần linh hoạt, chủ động và sáng tạo chứ không phải của riêng một cá nhân GV. Mọi người lúc này có quyền và mạnh dạn điều chỉnh mục tiêu, nội dung và thời lượng bài học sao cho sát với thực tế. Kỹ thuật, phương pháp dạy học cũng không còn đi theo lối mòn mà có sự lựa chọn phù hợp nhất là dạy ở những vùng miền đặc trưng và địa phương nhiều HS dân tộc thiểu số. Có như vậy mọi người mới dám dứt bỏ sự lệ thuộc máy móc vào khuôn mẫu từ sách giáo khoa hay chương trình. Quan trọng hơn, các hoạt động dù chỉ mới nằm trong giáo án nhưng ở “thì tương lai” sẽ tạo được cơ hội tốt nhất cho mọi đối tượng tham gia vào xây dựng bài học mới. Mục đích đó tạo ra lối đi mới cho GV là người dạy minh họa sẽ thay mặt nhóm thiết kế thực hiện các ý tưởng đã được vạch sẵn theo lộ trình. Có thể nói người dạy mẫu chỉ là cái-loa-phát-ngôn, là người đại diện cho nhóm thiết kế giáo án. Bên cạnh đó, nhằm kiểm định những giả thiết về nội dung, phương pháp nên GV “có sao làm vậy” không cần dạy trước, luyện tập trước cho HS theo kiểu đối phó.
Cô Đoàn Thị Hải Lý - GV Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - trao đổi: “Nét khác biệt ở người dự giờ là không chỉ ngồi một chỗ cố định ở cuối lớp như trước mà có thể “định vị” bất kỳ chỗ nào nếu thấy thuận lợi cho việc quan sát HS. Thầy cô có thể đứng hai bên hoặc phía trước để quan sát, quay phim, vẽ sơ đồ một cách tự nhiên thoải mái. Những khuôn mẫu gò bó không cần thiết sẽ được phá bỏ. Như vậy người dự giờ mới có “cơ hội vàng” để quan sát kỹ các cung bậc cảm xúc, thái độ, hành vi trong các tình huống cụ thể nhất”.
Không chỉ là trách nhiệm của người dạy
Trong buổi thảo luận giờ dạy minh họa, các thành viên đưa ra ý kiến nhận xét góp ý trên tinh thần xây dựng chứ không “vạch lá tìm sâu” hay “bới lông tìm vết” để tìm lỗi. Vì nếu có sai sót là sai sót của cả tổ, trách nhiệm là trách nhiệm chung mỗi người phải chịu một phần trong đó. Hơn thế nữa, các ý kiến phải được hướng về đối tượng người học xem thử các em học tập như thế nào, có hứng thú và đạt kết quả cao hay không? Suy nghĩ của cả nhóm là bằng mọi cách phải tìm ra được nguyên nhân vì sao HS chưa tích cực tham gia vào hoạt động học và học chưa đạt kết quả như ý muốn… Trên cơ sở đó cùng đưa ra biện pháp hữu hiệu có thể chỉnh sửa cách dạy, xén gọt bớt nội dung sao cho phù hợp với từng con người riêng lẻ. Nếu chưa đạt như mong muốn thì không đổ lỗi cho người dạy mà coi đó là bài học chung để mọi người tự rút ra kinh nghiệm bổ ích. Dù có khi chưa thỏa mãn nhưng tâm lý người dạy cũng thoải mái và nhẹ nhàng hơn nhiều.
Đối với người quản lý, khi dự giờ phải đặt hiệu quả bài học lên hàng đầu, biết đánh giá cao sự sáng tạo, linh hoạt của từng thầy cô. Lắng nghe thấu hiểu những khó khăn trong giảng dạy của GV chứ không áp đặt hay quy chụp. Sau khi chia sẻ phải tạo điều kiện thuận lợi hơn về thời gian, cơ sở vật chất, điều kiện để cải thiện chất lượng học tập. Đồng nghiệp, tổ bộ môn biết cảm thông, gắn bó và đồng thuận trong mọi hoạt động để khắc phục khó khăn và nâng cao hiệu quả giáo dục.
Tuy nhiên, cần phải tránh một số quan niệm sai lầm về nghiên cứu bài học như cho rằng: Nghiên cứu bài học là lập kế hoạch cho một bài học theo kịch bản cứng nhắc và đưa ra một giáo án tốt nhất. Vì bài học chỉ là một phần nhỏ trong nghiên cứu bài học và không có giáo án nào gọi là mẫu hay chuẩn trong đó. Hơn thế nữa, nghiên cứu bài học luôn nằm trong quá trình làm việc nhóm chứ không phải được thực hiện riêng lẻ, đơn độc bởi từng GV nên mang tính tập thể cao.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Cần phải tránh một số quan niệm sai lầm về nghiên cứu bài học như cho rằng: Nghiên cứu bài học là lập kế hoạch cho một bài học theo kịch bản cứng nhắc và đưa ra một giáo án tốt nhất. Vì bài học chỉ là một phần nhỏ trong nghiên cứu bài học và không có giáo án nào gọi là mẫu hay chuẩn trong đó.