Thứ hai, 28/11/2011, 18h11

Sử dụng đồ dùng dạy học thế nào đạt hiệu quả?: Bài 2: Đau đầu vì chất lượng

Bộ dụng cụ thiết bị môn âm học lớp 7 đã hai năm nay không dùng đến vì trang bị dư thừa tại một trường THCS ở quận Bình Thạnh

Giáo viên (GV) bộ môn không chỉ là “linh hồn” trên lớp mà còn là “nhà thông thái” trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, không phải GV nào cũng thành công khi mà chất lượng trang thiết bị, đồ dùng dạy học luôn “có vấn đề”. 
Theo đánh giá của nhiều GV, dạy tiết thực hành không chỉ vất vả trong khâu chuẩn bị, khâu soạn bài mà còn “nhiêu khê” hơn trong khâu tổ chức và điều hành.
Những sự cố trong phòng thí nghiệm
Nếu như trong giờ học lý thuyết, học sinh (HS) ngồi nghe thầy cô giảng bài nghiêm túc, thì trong giờ thực hành các em cảm thấy thoải mái và tự do hơn. Một số HS vào phòng thí nghiệm không chỉ để thực hành (sau khi đã học qua lý thuyết) mà còn là dịp để đùa giỡn, nói chuyện riêng. Chỉ cần GV lơ là, không biết cách tổ chức, điều khiển thì có thể xảy ra sự cố, cho ra kết quả sai. Tuy nhiên, sự cố “đau lòng” mà nhiều GV bộ môn hay gặp nhất là các đồ dùng - thiết bị đưa ra thí nghiệm không đảm bảo chất lượng. Ví dụ: trong bộ môn sinh học bậc THCS có rất nhiều mô hình như chuỗi ADN, trùng roi, tế bào, bộ xương, não bộ… do làm bằng thạch cao nên rất mau hỏng, chỉ dùng từ 1 đến 2 năm là bị sứt và gãy. Một đồ dùng khác cũng hay bị trục trặc sự cố là các loại nhiệt kế. Khi thực hành đo nhiệt độ sôi của hơi nước thì kết quả luôn luôn khác nhau. Không chỉ GV bộ môn kêu ca mà cán bộ quản lý phòng thí nghiệm cũng than phiền vì “để xài cũng khó mà bỏ đi thì không được phép”. Một cán bộ phòng thí nghiệm Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết đa số các loại nhiệt kế, ampe kế có xuất xứ từ Trung Quốc nên tuổi thọ thấp, chỉ dùng ít năm là hỏng. Một lần đến Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Bình Thạnh), chúng tôi thấy một GV dạy sinh học xuống phòng thí nghiệm mượn mẫu vật con cào cào để phục vụ cho bài dạy trên lớp. Khi cô cầm con vật bằng nhựa lên thì các bộ phận của con cào cào đều rời ra và rất khó khăn cô mới ghép lại được để đưa vào lớp. Tuy nhiên, gian nan nhất vẫn là các thầy cô dạy bộ môn hóa học. Do hóa chất được mua từ nhiều năm trước nên có nhiều loại đã hết hạn sử dụng, khi đưa ra thí nghiệm thì kết quả không được như ý muốn, khác xa với lý thuyết. Do đó, GV chỉ biết “chữa cháy” bằng câu nói: “Bài học hôm nay không thành công, kết quả không được như ý muốn là do trục trặc từ khâu kỹ thuật. Khi nào có hóa chất mới thì chúng ta lại thí nghiệm lần hai”(?).
Đó là nói về nguyên nhân khách quan, còn trên thực tế có những sai lầm khác do nguyên nhân chủ quan từ phía GV bộ môn. Cô Hà Thị Phương - GV Trung tâm GDTX quận Thủ Đức - đưa ra lời khuyên: “Trước khi tiến hành thí nghiệm các loại chai lọ cần phải chùi rửa sạch sẽ. Nếu có điều kiện thì phải khử trùng và sấy khô. Có như vậy kết quả cho ra mới chính xác”. Theo cô Phương, chỉ cần trong ống thủy tinh còn nước lã thì có những phản ứng hóa học sẽ cho ra kết quả bất thường. Điều đó có nghĩa là những kết luận trong tiết thực hành sẽ không hoàn toàn chính xác như những gì đã dạy trong bài học lý thuyết. Bên cạnh đó, GV chủ quan không có sự hợp tác chặt chẽ với cán bộ phòng thí nghiệm thì cũng có những sự cố ngoài ý muốn xảy ra như: thiếu hóa chất cần sử dụng, giờ thực hành “đụng” nhau, không có dụng cụ, người phục vụ theo đúng yêu cầu...
Đâu là nguyên nhân?  
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra trước thực trạng chất lượng đồ dùng - thiết bị dạy học luôn “có vấn đề”. Câu trả lời từ các nhà quản lý (ban giám hiệu) là do khâu phân phối, cung cấp đồ dùng - thiết bị dạy học trong một thời gian dài tồn tại theo cơ chế xin - cho. Theo đó, hàng năm danh mục đồ dùng - thiết bị dạy học đều do Công ty Sách và Trang thiết bị trường học cung cấp cho các trường theo từng bộ môn cụ thể. Tuy nhiên, “nhà cung cấp hàng không phải là người sử dụng” nên họ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm. Theo cơ chế đó, nhà cung cấp phân phối gì thì trường học phải nhận thứ đó, không trường nào dám từ chối dù biết chất lượng chưa đạt yêu cầu, bởi tâm lý: “Thà có còn hơn không”. Vì thế có nhiều đồ dùng - thiết bị chỉ xài vài lần đã hỏng, thậm chí một số bị hư hao dọc đường do khâu vận chuyển. Việc cung cấp đồ dùng - thiết bị thường mỗi năm chỉ có một lần, có trường hợp lâu hơn trong khi hạn sử dụng của sản phẩm chỉ cho phép trong một thời gian nhất định. Cụ thể, nhiều hóa chất để lâu ngày nên quá đát, không dùng thì cho ra kết quả sai lệch như trong bộ môn hóa học.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có một nghịch lý làm đau đầu các nhà quản lý, đó là có những đồ dùng - thiết bị nhà trường rất cần nhưng không được cung cấp; trong khi đó nhiều sản phẩm được cung cấp thì nhà trường không có nhu cầu sử dụng phải xếp vào kho, bỏ vào tủ. Cô N. - một GV dạy nhạc ở Trường THCS Trương Văn Ngư (Q.Thủ Đức) - từng than rằng: “Nhà trường chỉ có một cây đàn organ nên không đủ cho GV bộ môn dạy cho tất cả khối lớp, trong lúc đó ba cây đàn guitar được cung cấp thì để trong kho không ai sử dụng nên rất lãng phí”.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Có không ít thầy cô “giao khoán” tất cả cho HS trong giờ thực hành - không quan tâm và hướng dẫn HS - nên có thí nghiệm các em phải làm đi làm lại 2, 3 lần mới cho ra kết quả như ý muốn. Hậu quả là không chỉ mất thời gian mà còn hao tốn hóa chất.