Thứ hai, 19/3/2012, 17h03

Văn hóa giao tiếp trong nhà trường: Rèn kỹ năng ứng xử

Cổ nhân đã dạy “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Quả thật đúng như vậy, để thực hiện được giao tiếp và giao tiếp một cách lịch sự, chúng ta cần dùng ngôn xưng sao cho phù hợp với đối tượng và môi trường tiếp xúc…
1. Tôi đã từng chứng kiến nhiều thầy cô giáo trong giờ giải lao ngồi trao đổi với nhau. Và, từ chỗ này, các thầy cô đã vô tình dùng khẩu ngữ để trao đổi một cách rất thân mật bằng những từ “mày - tao - mi - tớ…” mà không có một chút biểu hiện gì về việc tế nhị trước mặt học sinh. Chẳng hạn, một thầy đã nói với đồng nghiệp: “Mày đã hứa với mấy đứa kia rồi nhé, cuối tuần là họp mặt đông đủ đó”. Như vậy, vô hình trung các thầy cô đã làm gương “mờ” để các em học theo. Tôi nói điều này là hoàn toàn có cơ sở, vì sau hôm đó các em học sinh cũng đã trao đổi với nhau bằng những từ ngữ như các thầy đã trao đổi. Điều này làm tôi cảm thấy không vui vì chính các thầy cô đã không chú ý trong quá trình giao tiếp của mình, và đã để các em học sinh học theo. Các em luôn nghĩ “Thầy cô nói được thì mình nói được!”. Đó là việc làm không thể gọi là mang tính giáo dục. Giáo dục không chỉ ở trên lớp học, không chỉ gói gọn trong các tiết dạy mà còn ở những nơi công cộng và ngoài giờ học.
Như vậy, các thầy cô giáo cần phải là tấm gương sáng về cách ứng xử, cách giao tiếp để các em học sinh được học hỏi và có cơ hội phát triển thành người tốt. Văn hóa ứng xử trong giao tiếp của các thầy cô giáo cần phải chuẩn mực, trau chuốt, nhất là trong môi trường sư phạm - nơi có học sinh của mình. Có như vậy, chính các thầy cô giáo sẽ giúp học sinh phát triển về phong cách ứng xử giữa những người bạn đồng trang lứa.
2. Ngoài việc giao tiếp ứng xử giữa thầy với thầy trong môi trường sư phạm để giúp cho học sinh lắng nghe và học theo thì giáo viên cần phải giúp các em có cơ hội thực hành điều này qua hoạt động giao tiếp chung với chính các thầy cô qua những trò chơi gọi tên, trò chơi đối thoại để các em được trau dồi vốn từ ứng xử trong giao tiếp sao cho lịch sự và có văn hóa. Việc làm này tuy nhỏ nhưng ích lợi của nó rất lớn, vì nó rèn cho học sinh thói quen ứng xử, giao tiếp tốt với người đối diện bằng văn hóa đẹp của việc sử dụng ngôn phong đúng mực. Một thực tế mà tôi được chứng kiến ở các em học sinh của trường song ngữ hay trường quốc tế - nơi các em được học tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh bằng nhau về thời lượng. Nhưng, đối với các thầy cô giáo nước ngoài, các em vẫn dùng tiếng Anh để giao tiếp, kèm thêm một hành động là khoanh tay chào khi tạm biệt. Nhưng đối với các thầy cô giáo tiếng Việt, các em lại rất lịch sự chào hỏi lễ phép và thưa gửi đầu câu rất có văn hóa. Như vậy, việc rèn luyện để các em hình thành thói quen sử dụng ngôn từ giao tiếp trong ứng xử là điều cần thiết và phải làm thường xuyên, phải được coi trọng để từ đó hình thành cho các em những hành vi ứng xử có văn hóa khác mà các em sẽ được học khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Duy Minh (Q.3)