Thứ hai, 18/8/2008, 14h26

Bệnh đau mắt đỏ: Dấu hiệu của bệnh ĐMĐ

Khi bị bệnh, trẻ thường có những dấu hiệu như chói mắt, chảy dịch ghèn và đỏ mắt. Nặng hơn thì phù mí, kết mạc và có phản ứng hột ở kết mạc mi dưới, có thể nổi hạch trước tai. Sáng ngủ dậy, khó mở mắt, 2 mắt dính chặt do ghèn tiết ra rất nhiều.

Thời gian đầu, chỉ đỏ một mắt, 2- 3 ngày sau đỏ tiếp mắt thứ 2 và thường nhẹ hơn mắt đau trước. Ngoài ra, khi bị ĐMĐ trẻ có thể kèm theo nóng sốt, đau họng, đau đầu…

ĐMĐ không phải là bệnh nặng, có thể tự khỏi trong thời gian 10 – 15 ngày. Bệnh không làm giảm thị lực.

Chữa trị bệnh ĐMĐ

Khi bị ĐMĐ, 1 – 2 ngày đầu, phụ huynh có thể dùng nước mắt nhân tạo, kháng viêm, kháng sinh nhỏ vào mắt cho trẻ để giảm triệu chứng khó chịu cũng như giúp trẻ mau lành bệnh. Đến ngày thứ 3 nếu bệnh không thuyên giảm thì phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện. Bởi trên thực tế, bệnh ĐMĐ có những triệu chứng chung với những bệnh về mắt nên phải đưa trẻ tới bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ trở nặng và dễ gây biến chứng…

Tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid (dexa) để nhỏ cho trẻ. Và cũng không nên đắp các loại lá lên mắt bệnh nhân vì rất dễ gây nhiễm trùng.

Phòng bệnh ĐMĐ

ĐMĐ là một bệnh rất dễ lây lan, càng những nơi đông người (như trường học) thì nguy cơ lây lan càng cao.

Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp như nhìn vào mắt người bệnh; gián tiếp như dùng chung khăn, mền, gối, tắm cùng hồ bơi với người bệnh. Khi bị bệnh, trẻ thường có thói quen lấy tay giụi mắt, chùi mắt rồi chạm tay vào các đồ vật như đồ chơi, bàn ghế trong lớp học. Trẻ lành bệnh lại chạm tay vào những đồ vật này, sau đó đưa lên mắt thế là lây bệnh.

Vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh là giữ gìn vệ sinh mắt, vệ sinh môi trường và rửa tay thường xuyên. Cần cách ly trẻ bị ĐMĐ với trẻ lành bằng cách cho nghỉ học…

BS Phạm Thị Chi Lan (BV Mắt TP.HCM)