Thứ sáu, 3/8/2012, 14h08

Khó khăn khi điều trị thuyên tắc ối

BS đang khám cho một thai phụ chuẩn bị sinh. Ảnh: T.L

Gần đây, tại một số tỉnh thành, ngành y tế đã đồng loạt yêu cầu các bệnh viện cơ sở tăng cường kiểm tra công tác sản khoa với mục đích làm giảm nguy cơ tử vong ở thai phụ và trẻ sơ sinh.
Bệnh không biết trước
Lý do mà ngành y tế quan tâm hơn tới công tác này là vì thời gian vừa qua, tại một số bệnh viện ở Bạc Liêu, Phú Yên, Hóc Môn đã xảy ra tình trạng sản phụ tử vong do thuyên tắc ối.
Triệu chứng bệnh thuyên tắc ối được ghi nhận thường xảy ra trong quá trình đỡ đẻ và sau khi sinh nửa tiếng đồng hồ. Điều đáng nói là trước đó sản phụ rất khỏe mạnh, không có biểu hiện gì bất thường nên rất khó chẩn đoán và tiên liệu. Sản phụ gặp nguy cơ này là lúc nước ối trong dạ con đã xâm nhập vào mạch máu người mẹ, các chất trong nước ối như phân su, nước dịch có cơ hội để gây cản trở và tắc nghẽn mạch phổi. Các phản ứng choáng váng xuất hiện dẫn đến tử vong cả mẹ và con.
BS. Vũ Thị Oanh - Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) giải thích: “Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch trong nước ối, các tế bào thai nhi hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn máu của người mẹ thông qua nhau thai, sau đó gây ra một phản ứng dị ứng. Chính phản ứng nguy hiểm này đã làm cho người mẹ suy hô hấp nặng và tuần hoàn cấp tính. Ba điều kiện làm nên thuyên tắc ối là: Vỡ màng ối sau đó vỡ tĩnh mạch tử cung hay cổ tử cung và cuối cùng là áp lực buồng tử cung này đã cao hơn áp lực bình thường của tĩnh mạch. Điều làm cho các BS khó chẩn đoán ra bệnh là thuyên tắc ối thường xảy ra bất thường và đột ngột ở giai đoạn cuối của cuộc chuyển dạ. Nhưng chính vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này thì đột ngột khó thở, co giật và ngưng tim do hạ huyết áp. Vì tỷ lệ hiếm gặp nên trong quá trình hành nghề, các BS sản khoa rất ít khi phải đối diện và đự đoán được trước căn bệnh bất thường này. Đây cũng là lý do người nhà bệnh nhân vin vào để đổ thừa cho sự tắc trách của các thầy thuốc”.
Chưa có cách điều trị đặc hiệu
Kinh nghiệm tại các bệnh viện cho thấy diễn biến của dịch nước ối và các tế bào thai “chảy ngược” vào tuần hoàn phổi vào máu mẹ sẽ xảy ra 2 giai đoạn rõ rệt: Giai đoạn 1 (sản phụ khó thở kèm theo cao huyết áp. Quá trình này xảy ra mau lẹ và làm cho tim phổi ngưng hoạt động. Sản phụ sẽ rơi vào trạng thái hôn mê. Ở giai đoạn này tỷ lệ tử vong chiếm 60%); giai đoạn 2 (sản phụ có triệu chứng chảy nhiều máu cùng với những biểu hiện đặc biệt như rét run người, ho khục khặc, nôn ói và khó chịu trong đường miệng. Do chảy máu quá mức mà không kìm hãm được nên dẫn đến rối loạn đông máu và suy thai cấp).
Theo BS. Vũ Thị Oanh thì một khó khăn nữa trong việc can thiệp bệnh thuyên tắc ối là chỉ có thể điều trị hỗ trợ như hồi sinh tim phổi, ngăn chặn rối loạn đông máu và cuối cùng là phẫu thuật (dân gian còn gọi là mổ bắt con) chứ không có cách điều trị đặc hiệu như các bệnh khác trong sản phụ khoa. Điều này đòi hỏi BS chuyên khoa phải thật sự nhạy bén trong chẩn đoán bệnh, theo dõi kịp thời những diễn biến bất thường đồng thời xử lý tỉnh táo mới hy vọng giành giật được sự sống cho người mẹ và cả thai nhi. Một BS làm việc tắc trách, quan liêu thì khó mà “đỡ” kịp các ca phức tạp như thuyên tắc ối. Nếu có biến cố xảy ra ngoài ý muốn thì cán bộ y tế phải giải thích hợp tình hợp lý và tốt nhất là động viên, hỗ trợ tinh thần với thân nhân trước những mất mát quá lớn lao của gia đình. Bên cạnh đó, thân nhân cũng cần phải có sự thông cảm, chia sẻ khi các thầy thuốc đã làm hết khả năng và trách nhiệm của mình.
Hương Thủy