Thứ ba, 26/6/2012, 20h06

Chữa kiết lỵ bằng phương thuốc dân gian

Theo dân gian, rau sam chữa bệnh kiết lỵ rất hiệu quả. Ảnh: M.H

Từ xưa tới nay, trong dân gian có nhiều phương thuốc chữa bệnh ít tốn kém, đem lại niềm vui, sức khỏe cho con người.
Rau sam chữa được kiết lỵ
 Mùa hè, dịch bệnh tiêu chảy, kiết lỵ thường có cơ hội “manh nha” phát triển, nhất là ở trẻ nhỏ. Bệnh kiết lỵ thường gây triệu chứng đi cầu nhiều lần trong một ngày và có một đặc điểm rất khác với đi vệ sinh bình thường là mót rặn. BS. Lê Hoàng Kầm (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết: “Mót rặn thường gây nỗi khổ cho người bệnh vì phân đã ra xong nhưng vẫn có cảm giác muốn đi cầu. Nhưng có một nghịch lý là dù mót rặn nhưng vẫn không đi cầu được nên lúc nào cũng gây cảm giác tưng tức, khó chịu ở bụng dưới cho con người. Nếu bệnh nặng thì khi đi cầu phân có lẫn đàm hoặc máu. Do mót rặn nên luôn đau rát hậu môn và kèm theo nhu cầu đại tiện một cách cấp thiết. Muốn phòng ngừa bệnh kiết lỵ, trước tiên chúng ta phải giữ gìn vệ sinh thật sạch sẽ. Đặc biệt là ăn chín uống sôi. Tập thói quen cho mọi người trong gia đình rửa tay sau khi đi vệ sinh cũng như trước khi ăn. Thức ăn phải được cất giữ cẩn thận tránh ruồi nhặng, gián. Rửa sạch các loại rau sống bằng nước muối để tránh vi trùng xâm nhập trực tiếp vào cơ thể. Chú ý những nơi sống tập thể như các chung cư, trường học bán trú người phục vụ ăn uống, bảo mẫu cấp dưỡng phải vệ sinh sạch sẽ tránh lây lan”.
Tuy nhiên, trong dân gian cũng có nhiều loại thuốc để chữa trị căn bệnh này. Theo y học cổ truyền, rau sam có vị chua tính hàn trị được kiết lỵ, trừ giun sán, chữa mụn nhọt. Có thể phòng ngừa bệnh tiêu chảy, kiết lỵ bằng cách hằng ngày ăn rau sam luộc hoặc nấu cháo. Khi có triệu chứng đau bụng thì hái rau sam cùng với cây cỏ sữa tươi sắc thành nước để uống. Nếu đi cầu ra máu thì sắc thêm với rau má, cây nhọ nồi cũng có tác dụng tốt. Ở Nam bộ trái sabôchê (còn gọi là trái lồng mứt) mà miền Bắc gọi là quả hồng xiêm cũng có tác dụng chữa tiêu chảy, kiết lỵ. Cách chế biến vô cùng đơn giản: Cắt trái sabôchê xanh thành nhiều lát mỏng sau đó phơi khô, sao vàng để dùng dần. Khi người nhà bị tiêu chảy, lấy khoảng 10 lát sắc với nước uống mỗi ngày 2 lần bệnh sẽ thuyên giảm.
Và nhiều cách khác…
Đặc biệt trong dân gian, lá mơ lông (miền Trung và Nam bộ gọi là lá thúi địt) được coi là vị thuốc hữu hiệu để chữa bệnh tiêu chảy và kiết lỵ. Theo y học cổ truyền lá mơ lông có vị đắng chát, tính mát, tiêu thực sát khuẩn. Bài thuốc phổ biến nhất là hái một nắm lá mơ lông rửa sạch, thái nhỏ trộn với một quả trứng gà ta nướng trên chảo có lót lá chuối hoặc hấp cách thủy. Lưu ý là không được chiên với dầu mỡ vì kiết lỵ kỵ với chất béo chất dầu. Có thể ăn một ngày 2-3 lần liên tục trong 3-4 ngày sẽ khỏi. Hiện nay, tại các nhà hàng ở Hà Nội, đây là món đặc sản có nhiều thực khách ưa thích. Nếu người nào hợp khẩu vị hoặc chịu được mùi của lá mơ lông thì sắc nước uống trực tiếp cũng rất tốt. Nói về các loại cây lá chữa bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, BS. Lê Hoàng Kầm cũng cho biết là đừng nên bỏ qua lá ổi, nụ hoa sim vì đây là những giống “cây nhà lá vườn” sẵn có khắp nơi có thể tận dụng làm thuốc bất kỳ lúc nào cũng được. 
Ngoài ra, uống nước lá diếp cá cũng chữa được bệnh tiêu chảy, kiết lỵ. Cách làm cũng giống như sắc các loại lá ổi, lá mơ lông với nước rồi uống mỗi ngày từ 2-3 lần.
Ngọc Quang