Thứ tư, 18/5/2011, 08h05

Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em: Cần sớm vào cuộc

7.300 trẻ em tử vong/năm vì tai nạn thương tích
Xây dựng chương trình phòng chống từ gia đình, trường học

Trẻ em bị chết đuối khi tắm trên kênh, rạch, sông suối, ao hồ rất thường xuyên xảy ra, nhất là vào dịp hè. Ảnh: B.Chi
Trong 2 ngày 16 và 17-5, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB-XH kết hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo chương trình Phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em giai đoạn 2011-2015.
Những cái chết được… báo trước
Thời gian vừa qua, rất nhiều thông tin liên quan đến tai nạn thương tích của trẻ em được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt vào những tháng hè thì tai nạn về đuối nước, giao thông… lại tăng lên.
Chiều 15-5-2011, sáu em học sinh Trường cấp 2 - 3 Sơn Thành (huyện Tây Hòa, Phú Yên) rủ nhau chèo thuyền trên sông Ba. Trong lúc thuyền đi qua đoạn thuộc thôn Lạc Mỹ bất ngờ hai em nữ rơi xuống nước sâu chảy xiết. Hai nam sinh nhảy xuống cứu, nhưng cuối cùng tất cả đều thiệt mạng. Thầy Châu Lợt - Hiệu trưởng Trường cấp 2 - 3 Sơn Thành cho biết: Các học sinh xấu số gồm Võ Thị Mỹ Hạnh (lớp 12C), Phạm Minh Hiếu (lớp 12E) và Trần Biện Pháp (lớp 12E) đều là học sinh của trường. Người thứ tư là em Nguyễn Thị Huệ là học sinh cũ, hiện đã thôi học. Sáng 16-5-2011, UBND xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi cho biết trong khi chèo thuyền ra sông đánh cá, hai học sinh của Trường THCS Hành Thịnh  và Trường Tiểu học Hành Thịnh không may bị nước cuốn trôi và chết đuối. Trước đó, tại Bình Định cũng có một học sinh tiểu học bị đuối nước…
Theo thông báo của UNICEF, trong 5 năm qua, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 2.000 trẻ tử vong do TNTT. Còn tại Việt Nam, trong 6 năm (2004 - 2010), theo báo cáo của Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 7.300 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi chết vì TNTT (tương đương mỗi ngày có 20 em chết vì TNTT). Trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong, nguyên nhân hàng đầu là tai nạn giao thông (31,3%), song đối với nhóm trẻ từ 0-15 tuổi thì đuối nước mới là nguyên nhân chính chiếm tới 50%. Hầu hết trẻ bị TNTT do sự bất cẩn của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Ngoài ra còn do môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng chưa có biện pháp can thiệp… Địa điểm xảy ra TNTT trẻ em chủ yếu diễn ra tại nhà, cộng đồng và trường học. TNTT để lại hậu quả rất lớn, làm mất đi quyền sinh tồn và phát triển của trẻ, để lại nỗi đau khôn nguôi về tinh thần cho các gia đình. Nhiều em bị tàn tật suốt đời, sẽ là gánh nặng của gia đình và xã hội. Chi phí do TNTT gây ra khoảng 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2005-2007, trong đó, chi phí cho TNTT trẻ em là 11.000 tỷ đồng.
Xây dựng trường học đạt chuẩn “an toàn”
Góp ý cho dự thảo, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng để thực hiện phòng chống TNTT trẻ em cần quy trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành liên quan và huy động sức mạnh tổng hợp bằng cách kết hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới để xây dựng môi trường vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ em.
Các đại biểu nước ngoài tham gia hội thảo đã đánh giá cao việc Việt Nam tiến hành một chính sách quốc gia để phòng chống TNTT trẻ em. Ông Craig Burgess, đại diện UNICEF, nói: “Tôi rất ấn tượng với cam kết lâu dài của Việt Nam trong việc phòng chống TNTT trẻ em. Hiện tại, chúng ta đang có nhiều ưu tiên nhưng nguồn lực lại có hạn, chính vì thế chúng ta phải xác định được trọng điểm để đưa ra mục tiêu cụ thể. Chúng ta cần có được hệ thống các số liệu thống kê mới nhất, tình hình thực tiễn triển khai dự án ở địa phương để từ đó đo lường hiệu quả công việc”.
Bên cạnh đó, trong dự thảo cũng đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể như giảm được 20% số vụ TNTT và giảm tử vong do TNTT của trẻ xuống dưới 25/100.000; ít nhất 30% các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”; 25% số xã đạt chuẩn “Cộng đồng an toàn”… Trước đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống TNTT trong cơ sở giáo dục mầm non có hiệu lực từ ngày 1-6-2010. Đây là công cụ để các cơ sở giáo dục mầm non tự đánh giá, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho trẻ, đồng thời là cơ sở để cơ quan quản lý đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục mầm non đạt tiêu chuẩn quy định về xây dựng trường học an toàn. Để được công nhận là trường học an toàn, mỗi cơ sở giáo dục mầm non phải bảo đảm bốn tiêu chuẩn: có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công tác y tế trường học, được tập huấn để thực hiện tốt các hoạt động sơ cứu, cấp cứu tai nạn; môi trường xung quanh an toàn; giảm được các yếu tố nguy cơ gây thương tích cho trẻ trong nhà trường; không có trẻ bị tử vong hay bị thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong trường.
Nghiêm Huê