Thứ sáu, 25/11/2011, 14h11

Khảo sát FCE: Cơ hội để giáo viên nâng cao năng lực ngoại ngữ

Một tiết học tiếng Anh tăng cường tại Trường TH Nguyễn Ngọc Hân (Q.1)

Còn khoảng một tháng nữa, giáo viên (GV) THCS, THPT bước vào đợt khảo sát First Certificate in English (FCE) nhằm đánh giá năng lực ngoại ngữ. Đợt khảo sát do Trường ĐH Cambridge (Cambridge ESOL) đứng ra đánh giá bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết: GV THCS phải đạt FCE Grade B&C (60-79 điểm), GV THPT phải đạt FCE Grade A (80-100 điểm).
Cập nhật kiến thức để bồi dưỡng, nâng cao
Cô B.T.T.M - GV tiếng Anh Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) - cho biết: “Kỳ thi khá gấp gáp, chỉ hai tháng chuẩn bị thì GV gặp áp lực không nhỏ. Bởi lẽ hàng ngày ngoài việc lên lớp, GV phải lo kinh tế bằng nhiều việc khác nhau, khiến sự chuẩn bị không được kỹ lưỡng. Trong khi đó, việc đạt trình độ FCE không dễ, đòi hỏi GV phải có một lượng kiến thức toàn diện”.
Cùng đưa ra những vấn đề khó khăn mà GV gặp phải, thầy P.H - GV tiếng Anh Trường THPT Marie Curie (Q.3) cho rằng: “Khó khăn nhất là đối với GV lớn tuổi. So với lớp trẻ, khả năng phản xạ của họ không bằng. Chỉ cần không đạt một kỹ năng, đồng nghiệp, học sinh có thể nhìn họ với một suy nghĩ khác vì thế khó có thể tránh khỏi áp lực tâm lý nặng nề”.
Trước những băn khoăn này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Khảo sát FCE không nhằm mục đích loại bỏ ai. Mục đích của việc khảo sát nhằm tạo điều kiện giúp GV đánh giá năng lực của mình đến đâu, từ đó có định hướng ôn tập, cập nhật kiến thức và tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ và năng lực cho mình, đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế”.
Để giúp thầy cô bước vào kỳ khảo sát với sự tự tin, vừa qua Phòng GD-ĐT Q.1 đã tổ chức nhiều buổi cho GV khảo sát thử FCE như những buổi chính thức. GV tham gia khảo sát cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết dưới sự đánh giá của các GV bản ngữ tại Hội đồng Anh. Ông Trần Minh Thành - Chuyên viên tiếng Anh Phòng GD-ĐT Q.1 cho biết: “Rất cần thiết những buổi tập dượt như thế này. Buổi khảo sát tạo cảm giác cho thầy cô như đang thi một kỳ thi thật, không có gì khó khăn và áp lực”. Đồng thời với việc đưa ra những giải pháp, cô Lê Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) đóng góp: “Từ việc khảo sát lần này, chúng ta cần đưa ra một lộ trình thời gian cụ thể rõ ràng. Có thể 5 năm khảo sát một lần. Điều kiện này giúp GV luôn chủ động, ý thức việc tự bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ của mình để kiến thức không bị mai một”.
Trình độ thạc sĩ cũng cần khảo sát
Theo như yêu cầu của Sở GD-ĐT đưa ra thì những GV nam sinh năm 1955 và GV nữ sinh năm 1960 trở về trước được miễn khảo sát. Còn đối với những GV đạt trình độ thạc sĩ thì bắt buộc tham gia khảo sát bình thường. Song có không ít GV cho rằng: Khi GV đã đạt được trình độ thạc sĩ có nghĩa GV đã đạt đến yêu cầu bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, cao hơn chứng chỉ FCE nên không nhất thiết phải tham dự khảo sát FCE. Cô Hạnh chia sẻ: “Đạt được trình độ thạc sĩ không hề đơn giản, GV bỏ ra không ít thời gian để trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực. Việc khảo sát FCE phần nào không công nhận năng lực, trình độ của họ, thiết nghĩ những thầy cô đã đạt thì nên miễn khảo sát cho họ”.
Nhưng cũng không ít thầy, cô thì cho rằng việc khảo sát FCE cho GV đang giảng dạy tiếng Anh (kể cả GV có bằng thạc sĩ) là điều cần thiết. Thầy Trần Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie cho rằng: “Khảo sát FCE nhằm đánh giá cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo tiêu chí quốc tế. Đối với người đạt trình độ thạc sĩ cũng có thể chỉ nghiêng về một vài kỹ năng như kỹ năng dịch thuật, kỹ năng phiên dịch… Trong khi đó, đổi mới phương pháp giảng dạy đòi hỏi GV phải đạt cả bốn kỹ năng thật tốt để truyền đạt cho các em. Việc khảo sát hoàn toàn thiết thực”.
Theo kết quả đánh giá của tổ chức quốc tế như Hội đồng Anh, Trung tâm Giáo dục Apollo về trình độ Anh văn quốc tế thì HS Việt Nam xếp thứ 8/20 nước khả năng đọc viết, nhưng lại xếp thứ 18-19/20 khả năng nghe và nói (nguồn: Sở GD-ĐT trong việc triển khai Đề án ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 tháng 10-2011). Điều này cho thấy việc giảng hai kỹ năng nghe và nói còn ít nhiều chưa đạt. Việc tổ chức khảo sát FCE được đánh giá theo tiêu chí quốc tế, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang thay đổi dần cách dạy cho HS học ngoại ngữ bằng việc dạy cho HS cách sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp. Vì lẽ đó, việc khảo sát không những là cơ hội để GV nắm bắt năng lực, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ của mình hơn nữa mà còn tiếp cận các phương pháp giảng dạy khác nhau. Nhấn mạnh thêm điều này, ông Nguyễn Hoài Chương nói: “Nếu GV giỏi thì năng lực của họ được ghi nhận. Nếu GV chưa đạt thì cố gắng phấn đấu củng cố, tự bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu giảng dạy cũng như đi kịp với thời kỳ hội nhập”.
Bải, ảnh: Trinh Ngọc