Thứ hai, 1/4/2013, 13h04

Phòng thí nghiệm “lên tiếng”: Kỳ 2: Thấy gì từ bậc phổ thông?

Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn trong phòng thí nghiệm

Ngay từ bậc phổ thông, hóa chất đã được đưa vào sử dụng trong các phòng thí nghiệm (TN). Tuy nhiên, do tính chất của bậc học nên các TN chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản với những hóa chất thông dụng, vừa đủ. Vì thế, khâu bảo quản dường như chưa được các trường phổ thông tại TP.HCM thực sự chú trọng.
Hóa chất chứa trong kho
Bài Tính chất của halogen và hợp chất lưu huỳnh của học sinh khối 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được học ngay trong phòng TN. Với số lượng 2 phòng TN hóa học (nhiều nhất so với các trường THPT) nên cách học hóa “học đến đâu thực hành ngay đến đó” đã được nhà trường áp dụng từ lâu. Tuy vậy, hóa chất cũng chỉ được chứa trong kho ở điều kiện nhiệt độ, ánh sáng bình thường. Cô Hồ Thị Mỹ Duyên - giáo viên phụ trách phòng TN hóa của nhà trường chia sẻ: “Phần lớn là hóa chất đơn giản, mức độ độc hại nhẹ, với axít thì được pha loãng ra rồi nên khâu bảo quản cũng không đòi hỏi cao. Số lượng hóa chất cũng không nhiều, chỉ vừa đủ để thực hiện TN…”.
Cô Trần Anh Thư - giáo viên phụ trách cơ sở vật chất và thiết bị Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Phòng TN hóa của nhà trường có nhiều loại axít với nồng độ rất thấp được chứa trong kho, những TN độc hại thì sẽ bị loại bỏ ngay. Nhà trường có một tủ hút, chủ yếu chỉ được dùng để giáo viên pha loãng hóa chất…”.
Trường THPT Tenlơman lại chọn cách mua hóa chất theo từng đợt, dùng hết đến đâu mua bổ sung đến đó để thích nghi với mẫu số chung trên. Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Văn Thành nói: “Nhà trường chỉ tính toán vừa đủ theo từng học kỳ, không mua dư nên thường thì hóa chất trong mỗi năm học lại được bổ sung làm hai đợt. Lượng hóa chất ít nên được trữ trong các tủ chứa đặt tại phòng TN”.
Vốn đã có tiếng từ lâu trong khối THPT về sự hiện đại, đầu tư của phòng TN, dù vẫn được lưu trữ trong kho nhưng Trường THPT Trưng Vương là trường duy nhất có sử dụng quạt hút để bảo quản hóa chất. Tại phòng TN được trang bị bình chữa cháy, các kệ để inox để vận chuyển hóa chất. Đồng thời, cách đây hơn một năm, nhà trường cũng đầu tư tủ hút thực hiện những TN tạo khí. Thầy Nguyễn Huỳnh Long - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phòng TN của trường được chuyển đổi lên từ lớp học, vì thế có diện tích hạn chế. Tuy nhiên, khi giáo viên yêu cầu TN thế nào, hóa chất ra làm sao thì phòng TN vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ”.
Hướng đi bằng TN mẫu
Vì hạn chế những hóa chất có độc tố cao nên đối với các TN bắt buộc có sử dụng dung môi, axít đặc, Trường THPT Lê Quý Đôn thường chọn một nhóm học sinh có khả năng để thực hiện TN mẫu, sau đó quay phim từng bước tiến hành để chiếu lại cho cả lớp xem. Với Trường THPT Trưng Vương thì giáo viên phụ trách sẽ thực hiện mẫu những TN đó, học sinh có thể quay phim lại để tìm hiểu. Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong thì được nghiên cứu mở bằng clip TN thầy cô tiến hành sẵn hoặc trên mạng internet.
Bên cạnh đó, các trường cũng chọn giải pháp TN ảo để bù trừ những thiếu hụt về hóa chất. Các TN không thể tiến hành trực tiếp thì sẽ được trình chiếu bằng các dãy phản ứng, có tạo màu, tạo khí trên máy tính.
Thầy Tăng Đức Tài - giáo viên dạy hóa Trường THPT Trưng Vương cho biết: “Với TN yêu cầu sử dụng hóa chất độc hại như phenol, dung dịch brôm, axít nitric tác dụng với kim loại… thì giáo viên sẽ trực tiếp thực hiện trong tủ hút, học sinh sẽ quan sát và ghi nhận”.
Cũng vì mức độ nhẹ của hóa chất mà học sinh các trường THPT, ngoài việc được học về an toàn phòng TN trong một tiết học đầu năm thì khi vào phòng TN thường không có đòi hỏi cao về trang phục. Cô Hồ Thị Mỹ Duyên (Trường THPT Lê Hồng Phong) nói rằng, khi mang bao tay các em rất dễ lóng ngóng mà làm rớt, bể ống nghiệm. Và hóa chất nồng độ đã được giảm bằng cách pha loãng nên các em cũng không nhất thiết phải mang khẩu trang. Nhà trường chỉ khuyến khích các em mang kính bảo hộ. Còn yêu cầu các TN tạo khí học sinh phải mang bao tay và khẩu trang tại Trường THPT Lê Quý Đôn thì không phải học sinh nào cũng tuân thủ.
Dù được pha loãng nhưng đã mang danh hóa chất thì đồng nghĩa là độc hại. Nên việc để học sinh lơ là trong khi thực hiện TN là sơ suất lớn nhất của các trường. Bậc THPT là lứa tuổi hiếu động, tò mò, các tai nạn nhỏ trong khi thực hiện TN là điều dễ dàng xảy ra.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, đã từng có trường hợp học sinh bị cháy áo khi TN. Còn bỏng da, rộp da do đổ hóa chất thì là việc cơm bữa ở hầu hết các trường.
Kỳ cuối:  Lỗ hổng xử lý chất thải