Thứ năm, 13/1/2011, 13h01

99 tình huống sư phạm và những giải pháp ứng xử

Là tập sách do tạp chí Thế Giới Mới liên kết với NXB Giáo Dục ấn hành. Điều thú vị ở tập sách này chính là cách biên soạn của nó. 99 tình huống sư phạm là những trường hợp cụ thể, thực tế, đã xảy ra (mỗi tình huống đều có ghi chú tên tác giả ghi nhận, địa chỉ xảy ra tình huống) và sẽ còn gặp đối với những ai còn đi học, đi dạy.
Ba nhà giáo dục Ngô Trần Ái, Nguyễn Xuân Đức, Trần Quốc Toàn nêu ra từng tình huống sư phạm, đề ra các giải pháp có thể vận dụng để xử lý mỗi tình huống. Sau đó, lời giải đáp cho mỗi tình huống trên được thông báo bằng giải pháp đã được số đông lựa chọn. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ly Kha cho biết: “Khi nghe bốn chữ tình huống sư phạm, ai đó có thể tưởng đấy là những gì khó tránh khỏi vòng cương tỏa của sự vụn vặt. Nhưng đọc rồi thì sẽ thấy tuyệt nhiên không hề vụn vặt…”. Tập sách chọn 72 tình huống có lời giải đáp và “để ngỏ” 27 tình huống chờ người đọc đưa ra giải pháp. Nó lôi cuốn người đọc trước hết là ở tính chân thực của các tình huống được gửi tới từ nhiều miền đất. Từ Lai Châu xuôi TP.HCM, Đồng Tháp, Long An đến Cộng hòa liên bang Đức… Lại còn tình huống của Giáo sư Lê Trí Viễn đã ứng xử từ thế kỷ trước ở một trường tiểu học heo hút miền Trung (Điểm số)… NGND - Giáo sư Hoàng Như Mai nhận xét: “99 tình huống của tập sách sinh ra từ nhà trường, mầm non, tiểu học, đại học... Nhưng không chỉ trong nhà trường mà còn xa ra ở ngoài xã hội như tình huống nhà thờ (Lớp học ngày chủ nhật), nhà chùa (Đặt chân lên đầu thầy), nhà thương (Ly sữa). Và lạ thay, càng xa tình huống nhà trường, tính sư phạm của những ứng xử đó càng cao. Có phải vì càng xa trường, kỷ cương sư phạm càng dễ lỏng lẻo, có thể “đặt chân lên đầu thầy” và vì thế, muốn thầy cho ra thầy phải ứng xử cao tay…”. Tập sách không chỉ mang đến những kinh nghiệm ứng xử trong chốn học đường, mà còn kêu gọi những sáng kiến từ kinh nghiệm thực tế để đóng góp vào việc giải quyết các tình huống sư phạm thú vị ấy.
Có thể nói, 99 tình huống sư phạm và những giải pháp ứng xử rất bổ ích và giàu giá trị nhân văn. Nó rất cần thiết đối với các thầy cô giáo, họ như tìm thấy hình ảnh của mình trong những tình huống đó. Một cơ hội hiếm hoi để họ nhìn lại mình, chiêm nghiệm xem với các tình huống như vậy, họ đã tìm được giải pháp ứng xử hợp lý hay chưa? Các bậc cha mẹ cũng có thể học được cách giáo dục con cái ngay từ những ứng xử tưởng như đơn giản nhưng lại rất quan trọng trong việc hình thành nên thói quen, lối sống cho học sinh và tất cả những người hoạt động trong ngành giáo dục.
NGUYỄN HOÀNG