Thứ tư, 24/4/2024, 09h52

Trí tuệ nhân tạo đang trở nên tuyệt vời và kinh khủng”

Tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) vào công nghiệp giải trí không còn là điều mới. Thời gian gần đây, sau hàng loạt vụ kiện tụng, làn sóng phản đối AI trên thế giới được đẩy mạnh hơn và nghệ sĩ Việt cũng không đứng ngoài cuộc.

Phản ứng của nghệ sĩ

Bên dưới bài viết về VASA-1 - công cụ AI mới của Microsoft - trên mạng xã hội, một bạn đọc bình luận: “Quá tuyệt vời và cũng kinh khủng”. Đây có lẽ là cảm nhận chung của nhiều người khi thấy VASA-1 có thể khiến ảnh chân dung nói, hát với biểu cảm vô cùng tự nhiên.

Ảnh Leonardo DiCaprio  thời trẻ được EMO can thiệp với biểu cảm khá tự nhiên

Ảnh Leonardo DiCaprio thời trẻ được EMO can thiệp với biểu cảm khá tự nhiên

Tháng trước, công cụ AI tương tự là EMO do Alibaba giới thiệu cũng tạo ra cú sốc cho công chúng khi có thể biến đổi nét mặt, tạo chuyển động cho chân mày, mắt, môi nhép theo nhạc. Bước tiến này của AI khiến không ít người phấn khích xen lẫn sợ hãi. Chẳng hạn chỉ cần lấy hình chân dung của Leonardo DiCaprio thuở còn niên thiếu và cho EMO can thiệp, nhiều người sẽ lầm tưởng là nam diễn viên đang hát thật.

Cho đến nay, AI đã có bước tiến vượt bật, can thiệp sâu vào nhiều khâu sản xuất một tác phẩm nghệ thuật hoặc có thể hoàn toàn tự sáng tác. Chúng ta đã có ca sĩ, người mẫu, MC, họa sĩ, nhà sản xuất âm nhạc ảo... AI cũng có thể hồi sinh giọng hát của người đã mất, để họ thể hiện ca khúc mới hay gửi gắm tâm sự nào đó dù đã ở bên kia thế giới. Và các nghệ sĩ đã bắt đầu vạch ra giới hạn cho việc ứng dụng AI.

Tại diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2024 tổ chức ở TPHCM cuối tháng 3/2024, bà Lee Ha Young - Phó trưởng Phòng Hợp tác thương mại - văn hóa thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hàn Quốc - cho biết quốc gia này liên tục phải tìm cách ứng phó với sự phát triển của AI, đặc biệt là nạn vi phạm bản quyền. Bà dẫn chứng thông tin nhạc sĩ AI Lee Bom từng được nhận tiền tác quyền liên tục 3 năm, từ 2019-2022 như một nhạc sĩ thực thụ. Lee Bom, trong 6 năm kể từ khi ra mắt vào năm 2019, đã sáng tác được 300.000 bài hát, bán được 30.000 bài, đạt doanh thu 600 triệu Won. Đến gần cuối 2022, Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc mới ngừng trả tiền tác quyền vì thống nhất không chấp nhận tác phẩm do AI sáng tạo ra.

Đầu năm 2024 đến nay, nghệ sĩ từ nhiều nước trên thế giới đã phản đối kịch liệt khi những người sáng tạo AI đi quá giới hạn. Mới nhất, hơn 200 nhạc sĩ, ca sĩ tại Mỹ đã cùng ký vào lá thư yêu cầu các công ty công nghệ cam kết không sử dụng AI để đánh cắp giọng nói và hình ảnh của các nghệ sĩ. Nhóm này có Billie Eilish, Stevie Wonder, Nicki Minaj... cùng nhiều người nổi tiếng khác.

Ứng phó thế nào trước AI?

Cũng tại diễn đàn nói trên, những đại diện từ xứ sở kim chi cho biết họ không bài trừ mà đang tích cực xây dựng hệ thống luật để hướng dẫn cho các đơn vị, cá nhân sử dụng AI. Các quy định được đề ra từ cơ bản cho đến cụ thể, giới hạn người sử dụng AI không đi quá quy định và chỉ xem AI như một công cụ hỗ trợ sáng tạo.

Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy và Nghệ sĩ nhân dân  Minh Vương bị sử dụng hình ảnh, giọng nói để tạo ra sản phẩm âm nhạc  trái phép

Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy và Nghệ sĩ nhân dân Minh Vương bị sử dụng hình ảnh, giọng nói để tạo ra sản phẩm âm nhạc trái phép

Tại Việt Nam, những sản phẩm nghệ thuật do AI thực hiện đã xuất hiện dù chưa thật sự mạnh. Tháng 3/2023, Ann - nữ ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam - ra mắt đã gây tranh cãi lớn trong cộng đồng. Đến nay, vẫn chưa có sản phẩm âm nhạc từ Ann ra mắt công chúng. Trong hội họa, nhiếp ảnh, AI đều đã “nhúng tay” vào các khâu tạo ra sản phẩm... Gần đây, trường hợp AI sử dụng giọng, hình ảnh của ca sĩ Việt để phục vụ cho những mục đích khác nhau đã bị phản ứng. Cho đến nay, dù người tạo ra đoạn clip Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy hát tiếng Hàn, Thái Lan đã xóa nhưng trên một số nền tảng mạng xã hội, vẫn còn “dấu vết” của sản phẩm này. Trước sự việc này, Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy đã vô cùng bức xúc bởi không ít khán giả hiểu lầm nữ nghệ sĩ chạy theo xu hướng, hát thứ nhạc không phù hợp với mình.

Chia sẻ với PV , diễn viên Lý Hùng nói, nếu một ngày nào đó có đơn vị hay cá nhân nào sử dụng giọng nói hay hình ảnh của anh để AI sáng tạo với mục đích xấu, anh sẽ lên tiếng bảo vệ mình. Các cơ quan chức năng cũng cần hành động để bảo vệ người có ảnh hưởng nói riêng và người dân nói chung trước xu hướng này.

“Với sự phát triển của công nghệ hiện tại, không riêng nghệ sĩ mà bất kỳ ai cũng có thể bị ứng dụng tác động, trở thành nạn nhân của việc cắt ghép, đăng tải hình ảnh sai sự thật. Tuy nhiên, với người có ảnh hưởng, việc làm này sẽ gây ra những hậu quả khó lường hơn. Tôi mong cơ quan chức năng sẽ hành động để bảo vệ người dân. Có thể tuyên truyền liên tục và xử mạnh tay để răn đe” - diễn viên Lý Hùng cho biết.

Sử dụng AI để phục vụ, hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật đã được nhiều cá nhân, đơn vị thực hiện. Tại Việt Nam, hiện những sản phẩm này vẫn gặp nhiều luồng ý kiến khác nhau và theo thời gian, nếu không có những sáng tạo vượt bậc, hữu ích, chính khán giả sẽ quay lưng.

Theo An Trịnh/PNO