Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

1.000 năm Thăng Long – Hà Nội: Những ngôi trường 100 tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2010, thủ đô Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Cùng với những biến thiên của lịch sử, trong lòng thủ đô ngày nay vẫn còn những ngôi trường đã có tuổi đời trên dưới một thế kỷ. Đây là niềm tự hào của giáo dục thủ đô khi bước vào đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
1. Trường Bưởi – THPT Chu Văn An
Được thành lập vào niên học 1907-1908 Trường Trung học Bảo hộ (trước là Collège sau là Lucéne) được mở ra cho toàn Đông Dương, nhưng dân trí Hà Nội không “ưa” chữ “bảo hộ”, nên chỉ gọi nôm là Trường Bưởi vì trường đóng ở địa điểm Thụy Khuê – Bưởi – Hồ Tây. Muốn vào học ở trường, các học sinh phải vượt qua kỳ thi tuyển căng thẳng nên hầu hết đều học giỏi, học chăm và có chí tiến thủ để tiếp thu tri thức như công cụ để chinh phục khoa học, để cứu nước thoát khỏi ách nô lệ. Lúc mới thành lập, trường chỉ dạy bằng tiếng Pháp, tiếng Việt bị coi là ngôn ngữ yếu. Nhưng các học sinh Trường Bưởi luôn tìm học các tác phẩm nổi tiếng của các tác giả Việt Nam cổ điển, bảo vệ tiếng mẹ đẻ. Chính năm 1908 này, trường mở khoa thi tốt nghiệp đầu tiên. Và Phạm Quỳnh đã đỗ thủ khoa kỳ thi đầu tiên ấy của Trường Bưởi. Sau khi đỗ thủ khoa, Phạm Quỳnh nổi tiếng đến nỗi dân thành phố đồn nhau là “Dân làng Lương Ngọc Hải Dương có đất học cũng có khác. Xưa thì tiến sĩ, trạng nguyên. Nay thì lại có thủ khoa Tây”. GS. Dương Quảng Hàm làm hiệu trưởng đầu tiên của Trường Bưởi. Tháng 6-1945 Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại đổi tên thành:  Chu Văn An quốc lập trung học học hiệu, trường mang tên của danh sư Chu Văn An thời Trần.
Nhiều học sinh trong khi học đã tham gia hoạt động cách mạng, tiêu biểu là các chiến sĩ tiền bối như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Văn Lương… Những chiến sĩ cộng sản đó đã góp phần tô thắm trang sử vinh quang của dân tộc. Nhiều học sinh của Trường Bưởi sau này đã trở thành các trí thức uyên bác, nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kon Tum, Tôn Thất Tùng, Phan Anh, Từ Giấy, Hoàng Ngọc Phách, Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nam Trân, Bàng Bá Lân, Đoàn Phú Tứ, Huyền Kiêu, Nguyễn Khắc Viện, Việt Phương…
Nối tiếp truyền thống Trường Bưởi, ngày nay Trường THPT Chu Văn An luôn tự hào là một trong những ngôi trường có thành tích học tốt dạy tốt đứng đầu của giáo dục Hà Nội.
2. Trường Trưng Vương – Đồng Khánh
Trường được thành lập năm 1917, là ngôi trường có tuổi đời lâu nhất trong các trường THCS ở Hà Nội. Khi mới thành lập, trường mang tên Đồng Khánh. Cũng giống như Trường Đồng Khánh ở Huế và Sài Gòn, trường chỉ dạy các nữ sinh. Sau ngày 2-9-1945, trường được đổi tên thành Trưng Vương và dành cho tất cả các học sinh cả nam và nữ. Trường đã vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm các năm 1946, 1954, 1956, 1958 và 1961. Trưng Vương có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiều học sinh Trưng Vương đã quên mình vì nước (Nguyễn Thị Hồng Phấn – nữ chiến sĩ dũng cảm, Lê Thi – nữ sinh được vinh dự kéo cờ tổ quốc trong lễ Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, Dương Thị Xuân Quý – nhà văn, liệt sĩ…), có học sinh trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước (Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nghiêm Chưởng Châu, nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên – Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa 1, Phó chủ tịch Hội LHPN VN…). Bên cạnh đó, nhiều học sinh học từ trường này trở thành các nhà khoa học ưu tú (GS.TS Hoàng Xuân Sính, PGS. Tôn Thất Bách; các nhà khoa học nữ được nhận giải thưởng Kovalepskaia Nguyễn Thị Anh Nhân, Dương Thị Cương, Nguyễn Thị Kim Chi; nữ tiến sĩ toán học trẻ tuổi đầu tiên của Việt Nam Lê Thị Hồng Vân…).
Đến nay, trường vẫn tiếp tục là lá cờ đầu của giáo dục thủ đô.
3. ĐH Quốc gia Hà Nội
Ngày 16-5-1906, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ra quyết định thành lập ĐH Đông Dương (Université Indochinoise). Đây là cơ sở giáo dục bậc ĐH đầu tiên ở Việt Nam nói riêng và Liên bang Đông Dương khi đó nói chung. Nó được kỳ vọng trở thành “một đỉnh cao học vấn ở Đông Dương…, tạo ra ở xứ này một trung tâm văn  hóa Âu châu và tăng cường ảnh hưởng của Pháp ở Viễn Đông” (trích tôn chỉ và sứ mệnh của trường). Bất chấp những toan tính của người Pháp, lịch sử của ĐH Đông Dương vẫn phát triển theo tiếng gọi của tinh thần dân tộc Việt Nam.
Trường được xây dựng trên một diện tích gần 2 ha, nằm ở 19 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tại vị trí giao nhau giữa đường Lý Thường Kiệt và Lê Thánh Tông. Công trình này được xem là có kiến trúc trường học thuộc loại quý hiếm nhất của Việt Nam thế kỷ 20, với sự giao thoa của kiến trúc Pháp cổ điển và kiến trúc phương Đông. Cùng với Nhà hát Lớn Hà Nội, nó tạo ra một trong những cụm công trình có kiến trúc nổi bật nhất Hà Nội thời bấy giờ. ĐH Đông Dương được xây dựng theo mô hình một trường đa ngành, nghề, lĩnh vực với hệ thống giáo dục bài bản, đạt tiêu chuẩn mà theo như lời Paul Beau nói, không kém bất cứ ĐH nào trên thế giới.
Ngày 10-11-1907, ĐH Đông Dương chính thức khai giảng khóa đầu tiên với 193 sinh viên (92 sinh viên mới, 62 sinh viên dự thính và 37 sinh viên năm thứ nhất của Cao đẳng Y khoa đưa lên). Điều đặc biệt là gần 2/3 số sinh viên khóa đầu thuộc hộ nghèo và đều được trường miễn giảm học phí, đồng thời cấp học bổng để trang trải chi phí ăn học.
Trong quá trình phát triển, hoạt động của ngôi trường này đã nhiều lần bị gián đoạn do những biến cố lịch sử. Vì cho rằng trường đã khích lệ phong trào yêu nước những năm 1908-1909 nên sau khi khai giảng khóa đầu tiên, thực dân Pháp đột ngột cắt ngân sách và dừng hoạt động của trường trong 9 năm, chỉ khôi phục khi Albert Sarraut sang làm toàn quyền năm 1917.
Ngày 15-11-1945, ngay sau khi giành được chính quyền từ tay người Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định mở lại ĐH Đông Dương và đổi tên thành Đại học Quốc gia Việt Nam, năm 1956 đổi thành ĐH Tổng hợp và từ năm 1993 thì lấy tên ĐH Quốc gia Hà Nội.
Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi trường này đã phải chịu chung những biến cố, khó khăn, đau thương và mất mát với cả dân tộc. Trong 9 năm chống Pháp, cơ sở vật chất của trường được chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Việc giảng dạy được tiếp tục trong những ngôi nhà làm bằng tre nứa, trong điều kiện thiếu thốn mọi bề. Vì thiếu giáo viên nên thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều tham gia giảng dạy với tư cách giảng viên kiêm nhiệm. Trải qua 100 năm, ĐH Đông Dương vẫn giữ được vai trò quan trọng của mình trong việc đào tạo tầng lớp tri thức xây dựng đất nước trong thế kỷ mới,  trở thành ngôi trường có bề dày truyền thống, lịch sử nhất với hệ thống giáo dục uy tín hàng đầu Việt Nam. 
4. ĐH Y Hà Nội
Cách đây hơn một thế kỷ, vào năm 1902, chính quyền bảo hộ Pháp quyết định thành lập Trường Đại học Y dược Đông Dương tại Hà Nội. Hiệu trưởng đầu tiên là một thầy thuốc nổi tiếng của nền y học thế giới mà lại rất gắn bó với đất nước Việt Nam: Bác sĩ Yersin.
Từ năm 1902 cho đến năm 1945, các hiệu trưởng nhà trường đều là người Pháp và trường nằm dưới sự điều hành của Trường Đại học Paris, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Pháp. Sự phát triển của trường dẫn đến hình thành hai bệnh viện thực hành đó là Bệnh viện Phủ Doãn và Bệnh viện Bạch Mai. Cũng trong giai đoạn này, trường đã đào tạo nên các thế hệ bác sĩ tiền bối có nhiều công sức dựng xây cho nền yhọc Việt Nam: Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng, Hoàng Đình Cầu, Phạm Gia Triệu, Đặng Văn Chung, Đinh Văn Thắng, Đỗ Xuân Hợp, Phạm Biểu Tâm, Nguyễn Thúc Tùng, Nguyễn Hữu…. Giai đoạn này có một người Việt Nam duy nhất được phong hàm giáo sư, đó là giáo sư Hồ Đắc Di, sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú các Bệnh viện Paris về nước.
Năm 1945, hòa chung với khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, ba tháng sau khi Nhà nước VNDCCH ra đời, ngày 15 tháng 11 năm 1945, Trường Đại học Y dược Hà Nội khai giảng năm học đầu tiên của một quốc gia độc lập, nhân dịp đó trường đã được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đến thăm. Những phát triển của các chuyên ngành tim mạch, sốt rét, cắt gan… gắn liền với các tên tuổi giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Đặng Văn Ngữ, giáo sư Đặng Văn Chung… nên y học thế giới bắt đầu biết đến nền y học non trẻ của Việt Nam.
Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Trường Đại học Y Hà Nội một mặt củng cố để ổn định phát triển, một mặt tiếp tục chi viện nguồn lực con người cho các trường đại học phía Nam như Đại học Y Huế, Đại học Y dược TP.HCM, Y khoa Cần Thơ, Y khoa Thái Nguyên. Những hiệu trưởng hoặc khoa trưởng của các trường này đều nguyên là cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội như giáo sư Nguyễn Đình Hối, giáo sư Võ Phụng, thạc sĩ Phạm Hùng Lực…
Từ đầu những năm 90, hòa chung với công cuộc đổi mới đất nước, Trường Đại học Y Hà Nội đã vận động theo hai hướng: phát triển những mũi nhọn của y học chuyên sâu như tim mạch, ghép tạng… một mặt phát triển những nghiên cứu của sức khỏe cộng đồng, mở rộng hợp tác đa phương với hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới như Pháp, Mỹ, Hà Lan, Thụy Điển, Australia, Indonesia, Nhật Bản… Gần 100 năm phát triển, Trường Đại học Y khoa Hà Nội luôn gắn bó với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Không ít quốc gia trên thế giới đã biết đến Trường Đại học Y Hà Nội trong quá khứ, trong hiện tại, và chắc chắn cả trong tương lai. Đến nay nhà trường đã đào tạo trên 17.000 bác sĩ chính qui, khoảng 10.000 học viên sau đại học. Đi đến bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam ta đều thấy có những dấu ấn của Trường Đại học Y Hà Nội.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)