Phàm lĩnh vực gì cũng cần chi phí để triển khai thực hiện. Thế nên, thu và chi thường là một hoạt động tất yếu của một chu trình công việc nào đó. Nhưng công tác thu học phí trong hoạt động giáo dục, nhất là ở bậc ĐH, CĐ lại có đặc thù riêng. Thành ra đã có biết bao câu chuyện “dở khóc dở cười” xung quanh vấn đề này.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại một trường ĐH ở TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: M.Tâm
Thời của công nghệ, biện pháp đòi học phí cũng nương theo công nghệ mà thực hiện. Chẳng hạn như sinh viên đăng ký học phần qua mạng thì cũng xem điểm kết quả học tập của từng học phần trên… mạng luôn. Nhưng sinh viên chỉ có thể mở tài khoản của mình ra và xem được điểm khi đã hoàn thành việc đóng học phí của học phần đó. Còn nếu sinh viên chưa đóng đầy đủ tiền, cổng thông tin sẽ tự động khóa thông tin điểm giữa học kỳ, điểm cuối học kỳ. Kết quả là sinh viên không biết mình được bao nhiêu điểm, quan trọng hơn là không biết mình qua môn hay rớt môn để còn xác định kế hoạch học tập cho học kỳ tiếp theo. Cổng thông tin của nhà trường sẽ luôn cập nhật thông tin đóng học phí từ dữ liệu mà phòng tài vụ gửi đến. Đây là một sáng tạo công nghệ phát sinh từ hoàn cảnh thực tiễn. Nhưng ở góc nhìn khác, sáng tạo này không phải là không gây ra những phản cảm trong suy nghĩ của sinh viên, và dẫn đến những tác động hệ lụy tiêu cực về sau. Đã có những phản ứng mạnh của sinh viên khi các trường triển khai hình thức… “tiền trao cháo múc” như thế này.
Dân gian có câu, trong cái khó ló cái khôn. Nhưng nhiều khi trong một số trường hợp, cái khó vẫn còn đó, mà cái khôn vẫn lấp ló tận đâu không thấy. Và đã có những giải pháp đòi thu học phí theo kiểu… cái khó bó cái khôn! Không cần mượn đến công nghệ, có trường mạnh tay trong công tác thu học phí theo hướng khác. Đó là không công nhận điểm giữa học kỳ đối với sinh viên chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng học phí trong thời hạn quy định đã thông báo từ trước đó. Mà khi không công nhận điểm giữa học kỳ cũng đồng nghĩa với việc sinh viên rớt học phần đó. Điều đáng lưu ý là thông báo không công nhận điểm lại chỉ ban hành sau khi hết hạn đóng học phí một thời gian (vì số lượng sinh viên đóng học phí trễ quá nhiều, nhà trường không lường trước, sau khi thấy tình hình không khả quan, mới ban hành quyết định xử lý mới). Đây chính là lý do để sinh viên phản ứng với cách làm việc của nhà trường. Bên nào cũng có lý lẽ của bên đó, nhưng rõ ràng biện pháp của nhà trường chỉ như đổ dầu vào lửa, không giải quyết được nguồn gốc của vấn đề.
Không phải sinh viên nào cũng có đủ điều kiện tài chính để kịp thời đóng học phí theo đúng hạn định. Nhất là đối với các trường một năm học ba học kỳ, có nghĩa là ba lần đóng tiền. |
Không phải sinh viên nào cũng có đủ điều kiện tài chính để kịp thời đóng học phí theo đúng hạn định. Nhất là đối với các trường một năm học ba học kỳ, có nghĩa là ba lần đóng tiền. Nhiều sinh viên đã phải mải miết làm thêm, không từ công việc nặng nhọc ảnh hưởng đến sức khỏe, để có đủ tiền trang trải cho học phí ngày càng “leo thang” theo giá thị trường. Với những cách đòi học phí như vậy, sinh viên càng không đủ… tiền đóng cho nhà trường. Rất nhiều trường hợp đã trở tay không kịp, mất oan kết quả của một số học phần đã học, và phải đóng tiền để học lại lần nữa cho học phần đó, nếu muốn tích lũy đủ số tín chỉ để ra trường.
Tuy vậy, trách nhà trường “sáng chế” ra những giải pháp chưa hay, thì mặt khác, cũng cần trách một số lượng không nhỏ sinh viên chưa có ý thức đóng học phí cho tốt. Nhiều sinh viên vung tay quá trán trong chi tiêu, sử dụng không phù hợp số tiền gia đình gửi lên để đóng học phí. Nào du lịch đây đó với bạn bè, nào la cà tiệc tùng quán xá, nào đua đòi mua sắm theo trào lưu; thậm chí dùng tiền cha mẹ gửi lên để phục vụ cho nhu cầu bài bạc. Đến khi nhà trường hối thúc đóng học phí đến lần thứ hai, thứ ba, vẫn không tìm đâu ra tiền để đóng thì quay ra tố ngược lại nhà trường thiếu nhân văn, thiếu chuẩn mực trong hoạt động thu học phí. Có sinh viên đăng đàn kiểu “bóc phốt” trên mạng xã hội, nhằm bêu riếu nhà trường, kích động dư luận. Mà cộng đồng mạng thời nay nhiều khi nghe vậy, tin vậy, chứ ít dành thời gian kiểm chứng thông tin đúng sai, xem sinh viên đó có thật sự khó khăn trong vấn đề tài chính hay không. Rồi các bên có liên quan, người nói đi, kẻ nói lại, vấn đề vốn dĩ đã rắc rối càng thêm phần rắc rối.
Đơn Thuần
Bình luận (0)