Trong mục tiêu giáo dục của các trường học, hướng nghiệp là hoạt động không thể thiếu, thậm chí còn được coi như một trong những nhiệm vụ then chốt để hoàn thành kế hoạch năm học. Để đạt được hiệu quả cao nhất, nhiều trường THPT tại TP.HCM đã nghĩ ra “trăm phương, ngàn kế” để hướng nghiệp học sinh sớm.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) trải nghiệm thực tế tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM
“Đưa tận ngõ, gõ từng trường, chỉ từng ngành”
Vốn rất yêu thích ngành y, lại có năng lực về các môn học thuộc khối B (lý, hóa, sinh) và được gia đình ủng hộ, Phan Văn Trung Nam (lớp 12A5 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) coi đó là ngành hợp với mình nhất. Do đó, em dự định đăng ký học ngành y trong mùa tuyển sinh năm 2020. “Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi chỉ trong một chuyến đi – chuyến trải nghiệm tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM mới đây. Trước đó, em có suy nghĩ rằng muốn học ngành y thì chỉ cần học giỏi, bản thân yêu thích là đủ, nhưng sau khi tiếp xúc với môi trường giáo dục ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM, em nhận thấy mình phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc và thành thật hơn”, Nam bày tỏ.
Nam cho biết thêm, bản thân em rất sốc, thậm chí là bị “tụt huyết áp” khi trực tiếp tham quan, tìm hiểu tại phòng thực hành giải phẫu của trường – nơi được đánh giá là phòng thực hành giải phẫu lớn nhất Việt Nam khi có hàng trăm tiêu bản người thật. Mùi formol nồng nặc làm mắt cay xè khiến em chỉ dám đứng từ xa quan sát và vội vàng lui ra ngoài hành lang.
Không chỉ Nam mà nhiều học sinh khác cũng đã “vỡ mộng” vào học ngành y trong chuyến đi này. Theo BS Minh Kỳ (giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM), khi học các ngành liên quan đến y dược, bao gồm BS, y sĩ, y tá, điều dưỡng, dược sĩ, thư ký y khoa, vẽ cơ thể người…, trong năm đầu tiên sinh viên đều phải học về giải phẫu cơ thể người ở những mức độ khác nhau. “Câu chuyện về giải phẫu thường khiến nhiều sinh viên sốc nhất. Bên cạnh đó, chương trình học sau này quá nặng nề cũng là nguyên nhân khiến sinh viên y bỏ học nhiều nhất. Rất nhiều sinh viên y trong suốt năm học phải nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn tâm lý ở trường, hay cựu sinh viên mới có thể lấy lại thăng bằng và học tiếp”, BS Minh Kỳ chia sẻ. Những sang chấn tâm lý này, theo BS Minh Kỳ nhận định, đó là do nhiều sinh viên chưa có sự tìm hiểu kỹ về môi trường học tập cụ thể tại trường ĐH do “lỗ hổng” hướng nghiệp ngay từ khi đặt bút lựa chọn ngành nghề. Nhằm lấp “lỗ hổng” này của học sinh, lần đầu tiên Trường THPT Bùi Thị Xuân tổ chức cho học sinh 3 khối tham gia ngày hội hướng nghiệp, tiếp cận trực tiếp với 14 trường ĐH tại TP.HCM. “Mọi năm, quy mô hướng nghiệp chỉ dành cho học sinh khối 11, 12. Nhận thấy việc hướng nghiệp sớm cho học sinh ngày càng có ý nghĩa nên năm nay, nhà trường mở rộng thêm đối tượng học sinh khối 10. Học sinh rất thích thú, hào hứng, mạnh dạn đăng ký tham quan những trường ĐH có các ngành nghề mình mong muốn tìm hiểu để nhà trường liên hệ, tạo điều kiện cho các em đến tìm hiểu một cách cụ thể”, thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) thông tin. Với cách làm “đưa tận ngõ, gõ từng trường, chỉ từng ngành”, thầy Khương cho biết sẽ mang đến cho học sinh những trải nghiệm thực tế thiết thực, là hành trang tốt nhất để các em tự định hướng được môi trường học tập phù hợp nhất cho mình.
“Gõ cửa nhà văn, nhà báo” để hướng nghiệp
Không chỉ “gõ cửa” từng trường ĐH đưa học sinh đến tìm hiểu ngành nghề, để làm rõ hơn nữa những vấn đề học sinh còn băn khoăn trong câu chuyện hướng nghiệp, nhiều trường đã mạnh dạn mời các chuyên gia ở những lĩnh vực “khó nhằn, dễ gây hiểu nhầm” đến trường tư vấn, chia sẻ với học sinh. Mới đây, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) đã gặp gỡ, trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Phong Việt và một số nhà báo nhằm tháo gỡ những vướng mắc về các cơ hội ngành nghề ở ban xã hội. “Rất nhiều học sinh có tâm lý e ngại khi chọn ban xã hội, sợ bạn bè cười chê, sợ sau này không biết làm gì… Buổi gặp gỡ, trò chuyện trên không đơn thuần chỉ là hoạt động giao lưu, chia sẻ văn chương mà trên hết chính là cầu nối để học sinh được biết nhiều hơn về một số ngành nghề cụ thể trong ban xã hội, từ đó mở rộng thêm những cơ hội lựa chọn ngành nghề của các em”, thầy Phạm Phương Bình (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay.
Đặc biệt, theo thầy Bình, khi được trò chuyện trực tiếp với những người đang làm việc trong lĩnh vực mà các em quan tâm sẽ giúp từng em biết rõ được điểm mạnh, điểm yếu của mình gắn với từng ngành nghề để có hướng đi phù hợp, có kế hoạch học tập tốt hơn. “Hướng nghiệp không còn là chuyện chỉ tay năm ngón về từng ngành nghề. Điều quan trọng nhất là cần phải giúp học sinh nhìn thẳng vào năng lực của mình, hiểu cặn kẽ ngọn ngành về lĩnh vực mà các em quan tâm. Từ đó sẽ hạn chế được việc chọn ngành nghề theo kiểu nghe nói, theo xu hướng, theo người này, người kia…”, thầy Bình khẳng định.
Tương tự, học sinh Trường TH-THCS-THPT Tân Phú (Q.Tân Phú) mới đây đã có chuyến trải nghiệm tại Báo Giáo dục TP.HCM. Tại đây, các em được tìm hiểu về mô hình hoạt động của một tòa soạn báo, công việc của một phóng viên, biên tập viên… Cô Trương Hoàng Kim Đức (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, các em học sinh đến trải nghiệm tại báo đều là những em yêu thích, đam mê lĩnh vực báo chí, truyền thông. “Việc mạnh dạn “gõ cửa” tòa soạn báo nhằm đưa học sinh đến trải nghiệm là cách để nhà trường hướng nghiệp học sinh một cách sâu sát, thực tế, gần nhất với mong muốn, nguyện vọng của các em. Chỉ có như vậy việc hướng nghiệp mới đạt hiệu quả cao nhất”, cô Kim Đức cho biết.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)