Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng cũng như độ an toàn cho các sản phẩm sữa đậu nành chính là vấn đề xử lý nhiệt trong chế biến. Với cách chế biến thủ công, sữa đậu nành bán rong rất dễ xảy ra hiện tượng sôi giả cùng vô vàn nguy cơ tiềm ẩn khác.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn rình rập ở những ly sữa đậu nành bán rong. |
Sôi giả là hiện tượng chất saponin trong sữa đậu nành sống nở ra, tạo bọt khí nổi lên khi gặp nhiệt độ 80 độ C. Như vậy, dù chưa phải ở nhiệt độ sôi (thường là 100 độ C) nhưng vì thấy bọt sủi lên nên người nấu cứ nghĩ là đã sôi. Hoặc do muốn tiết kiệm chi phí để tăng lợi nhuận nên người chế biến đã cố tình nấu không kỹ sản phẩm, dẫn đến những chất độc hại trong đậu nành và vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hết, gây hại cho người tiêu dùng. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn của sữa đậu nành bán rong nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng biết.
Chính thời tiết nắng nóng kết hợp với ăn uống, giải khát… không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân dễ làm bùng phát tình trạng ngộ độc thực phẩm. Thông tin gần đây cho thấy, tại Đà Lạt có 500 khách du lịch bị ngộ độc thực phẩm, một người ở Thanh Hóa mới tử vong và tại Châu Âu có hơn 30 người chết cũng vì lý do này.
Giống như nhiều mặt hàng trôi nổi khác, sữa đậu nành bán rong chứa nhiều mối nguy tiềm ẩn, có thể gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngay cả khi sữa đậu nành bán rong được sản xuất đúng quy cách và hợp vệ sinh nhưng nếu quá trình bảo quản, vận chuyển không đảm bảo (như cho vào bao nilon, chai nhựa kém vệ sinh, bán bừa bãi ngoài đường phố, thời tiết nắng nóng…) thì chúng rất dễ bị nhiễm khuẩn hoặc biến chất. Đặc biệt, với thói quen dùng sữa đậu nành bán rong vô tội vạ, kể cả mua ở các xe đẩy gần rác thải, cống rãnh, chợ… càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo với mội trường xung quanh. Ngoài ra tình trạng vệ sinh không bảo đảm còn đến từ nguyên liệu, dụng cụ và tay người chế biến.
Kết quả xét nghiệm năm 2010 của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM cho thấy, có đến 50% các mẫu sản phẩm sữa đậu nành bán rong không đạt chỉ tiêu vi sinh và tiêu chuẩn hóa lý do nhiễm các loại vi sinh như E.Coli và Coliforms vượt gấp hàng nghìn lần giới hạn cho phép. Kết quả này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng kém của sữa đậu nành bán rong.
Cạnh đó là tình trạng dùng chất phụ gia trong chế biến các mặt hàng bán rong như sữa đậu nành, sữa đậu xanh… Để hạ chi phí sản xuất, nhiều cơ sở nhỏ lẻ đã nhờ tới các chất phụ gia công nghiệp. Người trong nghề gọi chất này là bột béo nấu sữa đậu nành, sữa đậu xanh… Hay để sữa thơm ngậy, họ có thể mua thêm viên có mùi hương của từng loại sữa cho vào. Chưa kể, thông thường các loại sữa chế biến thủ công chỉ có thể giữ được trong ngày, thậm chí ít hơn nếu gặp trời nắng nóng. Nhiều chủ cơ sở đã mua một loại bột trắng có nguồn gốc từ Trung Quốc giúp sữa không lên men và chịu được không khí nóng bức…
Thống kê gần đây của Cục quản lý thị trường (Sở Công thương TP.HCM) cho thấy, tại TP.HCM hiện có khoảng 137 cơ sở tư nhân được cấp giấy phép sản xuất các loại sữa đậu nành, sữa đậu xanh, sữa mè đen… với các quy định nghiêm ngặt về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế có đến hàng trăm cơ sở khác cũng tham gia sản xuất nhưng là hoạt động chui, không có giấy phép và không đăng ký các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Như vậy, trong khi theo các nhà khoa học, sữa đậu nành là một trong 6 loại nước bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe, nhu cầu dùng loại nước giải khát này hàng ngày của người dân là rất lớn, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng cần phải thận trọng. Hiện có nhiều người đã chuyển qua dùng sữa đậu nành tiệt trùng đựng trong hộp giấy. Đây là xu hướng tiêu dùng hiện đại đang ngày càng phổ biến. Loại sữa đậu nành này được sản xuất theo công nghệ tiệt trùng UHT – vốn không chỉ khắc phục được tình trạng sôi giả của cách chế biến thủ công mà còn đảm bảo giữ được tối đa các chất dinh dưỡng cũng như mùi vị tự nhiên của đậu nành.
|
Lại Giang / TPO
Bình luận (0)