Chỉ mất 1 giây để vứt đi 1 túi ni lông nhưng lại mất từ 500 – 1.000 năm để túi đó phân hủy trong điều kiện không có ánh nắng mặt trời.
Nếu không hạn chế thì môi trường sẽ tràn ngập rác thải nhựa. Nhiều nước đã đưa ra lộ trình hạn chế kèm theo các biện pháp xử phạt nghiêm khắc.
Ví dụ tại Hàn Quốc, từ ngày 1.4 vừa qua, Bộ Môi trường chính thức cấm sử dụng túi ni lông tại các siêu thị trên toàn quốc. Nếu vi phạm, các cửa hàng, siêu thị sẽ bị phạt đến 3 triệu won (tương đương 2.600 USD, khoảng 61 triệu đồng). Tất nhiên, quy định cũng ghi rõ ngoại trừ với một số thực phẩm dễ bị chảy nước như cá, thịt, kem, đồ đông lạnh, sử dụng túi ni lông đựng thực phẩm có thể được. Song song với lệnh cấm này, các siêu thị được khuyến cáo nên cung cấp cho khách hàng các lựa chọn khác như: túi vải, túi giấy có thể được tái sử dụng hoặc tái chế.
Ngoài việc cấm dùng túi ni lông sử dụng một lần tại siêu thị, Bộ Môi trường Hàn Quốc cũng tiến tới từ hạn chế đến cấm sử dụng ống hút nhựa trong kinh doanh bán hàng đồ uống, cấm sử dụng túi ni lông tại các tiệm giặt là… Trước đó, Ireland là nước đầu tiên ở châu Âu áp dụng biện pháp hạn chế ni lông từ tháng 5.2002. Mỗi túi ni lông trong siêu thị phải chịu mức phí 15 euro-cent (khoảng 4.000 đồng), khiến số lượng túi được sử dụng giảm khoảng 90% sau khi quy định được áp dụng. Chính phủ Nam Phi cũng cấm dùng túi ni lông siêu mỏng từ tháng 5.2003. Những nhà bán lẻ phát loại túi này cho khách hàng có thể bị phạt 100.000 rand (khoảng 200.000 đồng) hoặc 10 năm tù giam. Vì thế, khách hàng phải tự mang túi theo khi đi mua sắm…
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng các chính sách khuyến khích, tuyên truyền của Chính phủ, TP.HCM và nhiều địa phương khác gần đây cũng khá tích cực khi ý thức bảo vệ môi trường, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần ngày càng lan rộng. Thế nhưng để đạt được mục tiêu nhanh nhất vì đây là vấn đề nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe cộng đồng thì cần có chính sách cụ thể và biện pháp chế tài mạnh hơn. Cụ thể, việc thu thuế môi trường đối với loại túi ni lông phải được thực hiện nghiêm túc. Thậm chí còn phải nghiên cứu tăng thêm mức thuế này vì giá bán hiện nay quá rẻ khiến nhiều người vẫn sử dụng.
Đồng quan điểm, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), nhận xét hiện nay nhiều cơ quan công sở, DN hay các hàng quán đã hưởng ứng chương trình hạn chế rác thải, đặc biệt rác thải nhựa là điều đáng mừng và tiếp tục khuyến khích nhân rộng ra cả nước. Nhưng vẫn cần các giải pháp mạnh mẽ hơn như một luật với bao gồm các hình thức chế tài khi có hành vi vi phạm. Trong đó nghiên cứu tăng thuế nhập khẩu với một số loại nguyên vật liệu dùng để sản xuất các sản phẩm túi nhựa. Sau đó đưa ra lộ trình cấm sản xuất và sử dụng túi ni lông hay các loại nhựa dùng một lần trên cả nước…
Từ đầu tháng 8.2019, kế hoạch “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2019 – 2021 của UBND TP.HCM đã bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác.
Công bố mới nhất từ Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) vào tháng 4.2019, rác thải sinh hoạt đô thị của VN đã tăng gấp 2 lần trong 15 năm qua với tốc độ tăng trung bình 5%/năm. Tính trung bình, mỗi người dân đô thị đang thải ra môi trường khoảng 1,6 kg rác/ngày.
M.Phương/TNO
Bình luận (0)