Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

1 năm, EVN lỗ 10.162 tỉ đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Trước sức ép của dư luận về việc phải công khai, minh bạch giá mua, bán điện, đồng thời rộng đường dư luận trước việc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ tiếp tục tăng giá điện, chiều 19.11, lần đầu tiên Bộ Công Thương đã họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN.

Theo đó, riêng năm 2010, EVN đã lỗ lên tới 10.162 tỉ đồng, nhưng vẫn còn khoản lỗ treo lại chưa tính vào giá thành gồm 15.463 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá và 356 tỉ đồng chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn.

Chi phí sản xuất kinh doanh điện hiện ở mức rất cao. Ảnh: Kỳ Anh

Giữ giá, EVN sẽ vỡ nợ

Theo kết quả kiểm tra được Bộ Công Thương công bố, thì tổng doanh thu bán điện năm 2010 của EVN là 90.934 tỉ đồng, tương ứng giá bán điện bình quân thực hiện là 1.061,4 đồng/kWh điện thương phẩm. Nhưng tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện lên tới 101.096 tỉ đồng, tương ứng với để sản xuất 1kWWh điện thương phẩm, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.180,0 đồng. Nếu lấy doanh thu trừ đi chi phí thì số lỗ trong sản xuất kinh doanh điện của EVN là 10.162 tỉ đồng.

Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình hình thua lỗ nêu trên là do sản lượng thủy điện thấp, năm 2010, lượng nước về các hồ thủy điện thiếu hụt nghiêm trọng, khiến huy động thủy điện đạt thấp. Để đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế, EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu của EVN, đồng thời mua điện từ các nhà máy điện độc lập bên ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân. Điều này dẫn đến chi phí mua điện tăng cao vượt rất lớn so với kế hoạch chi phí được duyệt trong phương án giá điện năm 2010. Ngoài ra, việc chậm tiến độ của một số nhà máy điện, biến động tỉ giá hối đoái, biến động giá nhiên liệu cũng là những nguyên nhân gây lỗ trong sản xuất kinh doanh điện của EVN.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc kết luận thanh tra của Bộ Tài chính cho biết, năm 2010, Chính phủ chỉ cho tăng giá điện 6,8%, nhưng Bộ Công Thương đã cho tăng thực tế tới 9,8%, có phải là “bật đèn xanh” cho EVN tăng giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Đó chỉ là cách tính. Nếu tính chu kỳ điều chỉnh giá điện từ 1.3.2009 đến 1.3.2010, với phương án được duyệt là 1.058 đồng/kWh, thì mức tăng bình quân sẽ là 6,8%. Còn nếu tính từ 1.3.2009 đến 31.12.2010 thì giá điện bình quân sẽ tăng 9,8%, hoàn toàn không phải Bộ Công Thương bật đèn xanh cho EVN tăng giá vượt mức cho phép. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết: Nguyên nhân phải tăng giá điện thì đã rõ, do giá bán điện đầu ra còn quá thấp. Tình trạng này dẫn đến kết cục là ngành điện càng phát điện nhiều bao nhiêu thì càng lỗ bấy nhiêu. Nếu cứ tiếp tục phải giữ giá điện thấp hơn giá thành thì EVN sẽ vỡ nợ.

Chưa thể công bố khi nào tăng giá

TGĐ EVN – ông Phạm Lê Thanh cho biết: Hiện EVN cũng chỉ có một mặt hàng kinh doanh là điện nên nếu không được tăng giá, EVN cũng sẽ không biết trông vào đâu. “Theo nguyên tắc, các khoản lỗ này sẽ được hạch toán đương nhiên vào giá điện, nhưng vì lý do giữ giá nên EVN đã phải neo giá điện bán dưới giá thành sản xuất. Có người nói vui bảo bán một nửa tòa nhà EVN để bù lỗ, trả nợ, thế thì năm sau bán gì?” – ông Thanh hài hước.

Ông phân tích: “Năm ngoái, chúng tôi mất 6 tỉ kWh thủy điện do hạn hán. Đồng thời phải chi ra 4.000 tỉ đồng để chạy được 1 tỉ kWh điện bằng dầu diesel. Như vậy, mỗi 1kWh dầu đã lỗ 3.000 đồng, 1 tỉ kWh bằng dầu lỗ 3.000 tỉ đồng”. Nếu hạch toán đúng, toàn bộ chênh lệch lỗ này được tính vào giá thành điện thì giá bán bình quân hiện là 1.061 đồng/kWh, phải cộng thêm 300 đồng/kWh nữa. Trong bối cảnh đó, nếu không có tiền đầu tư lưới và nguồn mới thì hiện miền Bắc đang thiếu điện và đến năm 2013 thì miền Nam cũng chung tình trạng này.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc khi nào sẽ tăng giá và mức tăng bao nhiêu, ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, công bố công khai giá điện là yêu cầu bắt buộc và từ nay sẽ thành tiền lệ. Song giá điện được điều chỉnh ra sao, lúc nào điều chỉnh thì Bộ Công Thương chưa thể công bố, điều này liên quan đến điều hành vĩ mô.

Trả lời câu hỏi đến khi nào thì EVN thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, ông Phạm Lê Thanh cho biết: Trước đây, khi Nhà nước thí điểm thành lập các tập đoàn kinh doanh đa ngành, EVN đã tham gia đầu tư một số ngành bên ngoài. Nhưng từ khi có Nghị quyết T.Ư 3, yêu cầu các tập đoàn, TCty kinh doanh tập trung vào ngành nghề chính thì EVN đã chỉ đạo thoái vốn toàn bộ ở các lĩnh vực ngoài ngành. EVN đang tập trung thoái vốn ở các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 1-2 năm tới. Về bất động sản, EVN cũng không còn nhiều vốn và tiếp tục bán cổ phần tại các DN này.

Quỳnh Trang

Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)