Cuộc họp ba ngày của các bộ trưởng nông nghiệp lần đầu tiên của G8 đã khai mạc ở Cison di Valmarino, miền bắc nước Ý từ 18-4 với sự có mặt của các nước đối tác đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nam Phi, Úc, Argentina và Ai Cập để cùng “đưa ra một lộ trình chung nhằm thoát khỏi khủng hoảng và phản ứng trước tình trạng khẩn cấp của lương thực thế giới hiện nay”. Giá lương thực đã tăng 50-70% trong ba quý đầu năm ngoái. Số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói trên thế giới hiện cũng đã lên tới gần 1 tỉ người.
Nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát
Tại hội nghị này, như Reuters cho biết, các bộ trưởng đều thống nhất cần thúc đẩy sản lượng lương thực, đặc biệt ở các nước đang phát triển, để đảm bảo có đủ lương thực cho mọi người, kiểm soát các hành vi đầu cơ nông sản – một trong những nguyên nhân chính gây ra tăng giá lương thực hồi năm ngoái, dẫn tới khủng hoảng lương thực và gây bất ổn ở một số nơi.
Theo Tổ chức Lương nông LHQ (FAO), sản lượng lương thực của hầu hết các vựa lương thực chính của thế giới năm nay sẽ đều giảm. LHQ cho biết sẽ tốn khoảng 6 tỉ USD để đối phó với nạn đói, nhưng đó là cái giá “không đắt so với các gói cứu trợ hàng tỉ USD để giải cứu các định chế tài chính”. |
Bộ trưởng nông nghiệp Ý Luca Zaia cho biết các nước đang cùng bàn thảo về ý tưởng thành lập một quỹ dự trữ ngũ cốc chung toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn kết thúc hội nghị với những con số cụ thể chứ không phải chỉ có nói”. LHQ mới đây đã cảnh báo nạn đói có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát do tác động của khủng hoảng tài chính. Sản lượng nông nghiệp thế giới đang có nguy cơ giảm trong khi số người chịu nạn đói hiện đã tăng đến mức kỷ lục. Việc canh tác hiện đang chịu tác động mạnh của cả tình hình thời tiết xấu, thay đổi khí hậu, giá thực phẩm giảm trong khi nông dân bị từ chối tiếp cận với các khoản tín dụng để mua hạt giống và phân bón.
Tờ Independent trích cảnh báo của Chương trình lương thực thế giới (WFP) nói: “Khi khủng hoảng tài chính ngày càng trầm trọng, nạn đói và suy dinh dưỡng có nguy cơ tăng do thu nhập giảm và tình trạng thất nghiệp tăng.”
Theo các chuyên gia, sản lượng lương thực đạt mức kỷ lục năm ngoái đã không giúp được nhiều. Giá ngũ cốc đã giảm đôi chút tại các nước giàu – nơi phần lớn sản lượng tăng diễn ra – trong khi các nước đang phát triển gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi đồng tiền của họ mất giá trước đồng USD – đồng tiền chính sử dụng trong giao dịch quốc tế.
Diện tích trồng trọt giảm
Tình hình hiện khó khăn hơn khi nông dân ở châu Âu và Mỹ năm nay đang trồng trọt ít đi do việc vay tín dụng ngày càng khó hơn. Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước hiện cung cấp lúa mì cho khoảng 100 quốc gia trên toàn cầu, trong tháng 4 thông báo diện tích trồng lúa mì của họ trong năm nay đã giảm 7%. Trung Quốc – nước hiện đang nuôi tới 1/5 dân số thế giới – đã gia tăng diện tích canh tác nhưng lại đang gặp nạn hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua và sản lượng thu hoạch dự kiến có thể giảm tới 40%. Hạn hán cũng đang gây ảnh hưởng mạnh tới các vùng trồng ngũ cốc lớn trên thế giới như Argentina, Paraguay và miền nam Brazil.
Một trong những lo ngại của các nước hiện nay là tình trạng bảo hộ nông nghiệp. Tình trạng này càng phức tạp hơn trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay. Trong khi các nước nghèo đang thúc đẩy giảm các hàng rào thương mại thì các nước giàu vẫn muốn giữ để bảo vệ thị trường nội địa của mình.
T.TUẤN (TTO)
Bình luận (0)