Đây là thông tin do GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản vô sinh TPHCM cho biết.
Phòng bệnh hiệu quả: Tiêm dự phòng!
Với những tiến bộ của y khoa hiện đại, bệnh này được chữa khỏi gần 100% các trường hợp nếu được phát hiện sớm.
Vì vậy, tất cả phụ nữ nên đi thử Pap (gọi tắt của: Phết tế bào cổ tử cung hay phết tế bào âm đạo). Sau 3 lần thử Pap với kết quả bình thường, bác sĩ có thể đề nghị đi thử Pap ít thường xuyên hơn. |
Tại Hội thảo "Phòng ngừa ung thư cổ tử cung, bảo vệ mẹ và con" do Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức ngày 3/7 GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng còn cho biết:
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến thứ hai trong các loại ung thư ở nữ giới, với tỉ lệ 17,3/100.000 người. Cứ 2,4 giờ có một phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung tại Việt Nam (10 ca chết/ngày). Tỉ lệ này trên thế giới là 2 phút có một phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung.
"Ung thư cổ tử cung không phải là bệnh di truyền mà lây truyền do nhiễm siêu vi, gây ra bởi HPV. Đây là virus rất dễ lây lan. Trung bình, cứ 10 phụ nữ thì có đến 8 người có thể một lần nhiễm HPV trong đời. Tiêm dự phòng cấp 1 – tiêm chủng HPV và dự phòng cấp 2 – tầm soát phát hiện sớm bệnh là biện pháp hữu hiệu góp phần ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này" – BS. Ngọc Phượng nói.
Mỗi năm, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM nhận điều trị trên 1.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới, hơn phân nửa số này đã ở giai đoạn cuối. Điều đáng nói là sự chậm trễ chết người lại do chính người bệnh gây ra.
Nguyên Giám đốc BV Ung Bướu TP HCM, GS Nguyễn Chấn Hùng cho rằng, cách duy nhất để kịp thời điều trị ung thư cổ tử cung là phụ nữ trên 30 tuổi nên đi khám mỗi năm ít nhất 1 lần ở phòng khám phụ khoa, làm xét nghiệm tế bào âm đạo, tìm ung thư khi còn sớm. "Ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa được, phát hiện sớm, điều trị tốt, dù đây là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ” – GS Hùng nói.
Độ tuổi 25 – 29 thường mắc "tiền ung thư"
Ảnh minh họa
|
Theo các bác sỹ, đối với ung thư cổ tử cung, quá trình phát triển của một tế bào bình thường đến ung thư được chia ra làm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 là bị nhiễm HPV. Phần lớn ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV, nhưng không phải bất cứ ai bị nhiễm HPV đều có ung thư! Trong thực tế, ở độ tuổi đôi mươi (hay khi mới có quan hệ tình dục), có khoảng 60 – 80% phụ nữ bị nhiễm HPV, nhưng sau 12 tháng, 70% trong số này không còn bị nhiễm nữa, và sau 24 tháng chỉ còn 9% tiếp tục bị nhiễm HPV.
Giai đoạn 2 là tiền ung thư. Phụ nữ nằm trong tình trạng này vẫn bình thường, và vẫn chưa thể gọi là mắc bệnh "ung thư". Chỉ có khoảng 10% phụ nữ bị nhiễm HPV (giai đoạn 1) trở thành tiền ung thư. Phần lớn những phụ nữ bị tiền ung thư thường ở độ tuổi 25 – 29. Nói cách khác, thời gian từ khi bị nhiễm HPV đến tiền ung thư kéo dài từ 5 – 10 năm.
Giai đoạn 3 là ung thư chưa/không di căn. Ở giai đoạn này, tế bào có dấu hiệu ung thư nhưng chỉ giới hạn trong cổ tử cung, và do đó điều trị có thể đem lại kết quả khả quan. Một số trường hợp ung thư cổ tử cung ở giai đoạn này cũng không phát triển thêm, và một số trường hợp thì bệnh tự nhiên biến mất.
Giai đoạn sau cùng là ung thư di căn, tức là tế bào ung thư xâm lấn sang các cơ phận khác. Đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Phần lớn phụ nữ mắc bệnh trong giai đoạn này là 50 tuổi trở lên, tức sau thời kỳ mãn kinh.
Hiện đã có vaccine phòng chống ung thư cổ tử cung. Vaccine chỉ có hiệu quả ngăn ngừa tiền ung thư (tức giai đoạn 2), chứ không phải ngăn ngừa ung thư ở giai đoạn chưa di căn hay giai đoạn di căn.
Triệu chứng của bệnh?
Lúc đầu có thể không có dấu hiệu và triệu chứng gì cả. Sau đó có thể có những dấu hiệu và triệu chứng như:
– Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp;
– Kinh nguyệt kéo dài hoặc hơn bình thường;
– Chảy máu âm đạo ngoài thời kỳ kinh nguyệt;
– Phụ nữ đã tắt kinh bị ra máu âm đạo (mặc dù ra máu rất ít);
– Đau phần bụng dưới (không liên hệ với kinh nguyệt).
Những trường hợp nguy cơ
– Giao hợp dưới 16 tuổi.
– Giao hợp với nhiều người khác nhau (hoặc tình nhân có nhiều bạn tình).
– Bị nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục.
– Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá của người khác.
|
Theo Gia Đình
Bình luận (0)