Nếu hai đứa trẻ thường xuyên cãi cọ, bạn hãy cho chúng chui vào một chiếc áo phông lớn, khiến chúng phải làm mọi việc cùng với nhau.
Tận dụng một chút óc sáng tạo, bạn có thể đặt ra những hình phạt có tính răn dạy nhưng không kém phần hài hước, tràn đầy tình yêu và thể hiện sự kiên nhẫn đối với con. Tác giả Lisa Whelchel gợi ý và tổng hợp một số ý tưởng của độc giả trên trang iMom để bạn áp dụng linh hoạt tùy hoàn cảnh và điều kiện.
1. Khi con la hét, khóc lóc mất kiểm soát, bạn hãy yêu cầu con đi vào phòng, không được phép ra ngoài và tiếp tục khóc trong 10 phút. Đó là khoảng thời gian rất dài đối với trẻ, và chúng sẽ không vui khi được bố mẹ bảo khóc đi.
Một cách khác để xử lý cơn cáu kỉnh là nói: “Việc con đang làm quá gây rối cho căn nhà này. Con có thể tiếp tục ở sân sau. Khi khóc xong, con được chào mừng trở lại”. Không có khán giả, cơn cáu kỉnh của trẻ cũng biến mất.
2. Nếu trẻ thường đóng sầm cửa khi tức giận, bạn có thể nói: “Rõ ràng là con không biết đóng cửa đúng cách rồi. Để học được việc này, con hãy đóng và mở cửa một cách bình tĩnh 100 lần nhé”.
Kỷ luật con cần khôn khéo. Ảnh: Kafedra |
3. Nếu con thường làm bài tập về nhà cẩu thả, bạn hãy lấy vài trang giấy luyện viết chữ và hỏi: “Việc nào mất thời gian hơn: làm bài này cẩn thận trong 15 phút hay vội vàng trong 10 phút để phải làm lại cộng thêm viết một trang luyện chữ đẹp?”.
Tương tự, nếu trẻ lau nhà nhưng theo kiểu đối phó, bạn hãy yêu cầu con làm đi làm lại 3-4 lần vì lần đầu không đủ tốt.
4. Nếu con thường bày bừa ra khắp nhà, bạn có thể lấy một chiếc hộp, dán nhãn “ngày mưa” và đặt đồ chơi con không chịu dọn vào trong đó, chỉ ngày mưa con mới có quyền lấy ra chơi. Điều này còn giúp cho những món đồ cũ trở nên mới lạ hơn trong mắt trẻ.
Bạn cũng có thể chỉ đặt đồ chơi ở đâu đó ngoài tầm với nhưng trong tầm nhìn của trẻ trong một số ngày quy định trước. Hình phạt này giúp trẻ luôn nhớ về món đồ chơi bị cấm và tự điều chỉnh hành vi. Đơn giản hơn, bạn đặt đồ chơi vào tủ, yêu cầu con làm một việc vặt trong nhà mới được lấy ra.
5. Lần tới, khi trẻ “quên” cất máy chơi game, bạn hãy mang đi cất giùm nhưng không chỉ chỗ. Muốn biết máy ở đâu, con sẽ phải tự đi tìm. Việc này khiến trẻ cảm nhận được sự rắc rối và sẽ hình thành ý thức tự cất đồ.
6. Nếu con có nhiều biểu hiện quá khích, bạn hãy chọn một từ và bí mật quy ước là dùng để nhắc nhở con ngừng một hành động nào đó mà không làm con xấu hổ. Chẳng hạn, bất cứ khi nào con trai Tucker làm ồn quá mức khi chơi cùng nhóm bạn, Lisa Whelchel sẽ hét lên, “Này, Batman!”. Cậu bé sẽ biết cần phải bình tĩnh lại trước khi mẹ áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.
7. Để con học cách tập trung hoàn thành một công việc, bạn có thể đặt hẹn giờ và nói: “Mẹ đang hẹn giờ. Mẹ muốn con dọn sạch phòng (hoặc xếp giày dép, ăn xong cơm) trong 15 phút. Nếu con không hoàn thành, hình phạt của con là…”.
8. Nếu hai đứa trẻ trong nhà thường xuyên cãi cọ, căng thẳng với nhau, bạn hãy cho cả hai chui vào một chiếc áo phông cỡ đại trong một khoảng thời gian nhất định. Khi muốn làm gì đó, chúng sẽ phải làm cùng nhau và học cách phối hợp ăn ý.
9. Một ông bố giao cho con trai việc dọn rác và phân chó ở sân sau mỗi sáng. Cậu bé không làm công việc này một cách tích cực, nên anh nghĩ ra giải pháp sáng tạo: Sau khi xong nhiệm vụ, cậu bé sẽ phải chạy trên sân bằng chân đất. Kể từ đó, bãi cỏ của gia đình họ luôn sạch sẽ.
10. Một bà mẹ có con rất lười đọc. Mỗi khi mắc lỗi, cô bé lớp hai bị mẹ bắt lên thư viện, chọn cuốn sách dày 100 trang trở lên và đọc. Đến cuối năm học, em trở thành người đọc sách nhiều nhất trong lớp và dần không còn ghét sách.
Bình luận (0)