Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

10 dấu ấn nổi bật của TP.HCM năm 2023

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2023 – năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng tốc và tạo đà phát triển TP.HCM cho hai năm còn lại của nhiệm kỳ. Những kết quả đạt được trong năm 2023 minh chứng cho quyết tâm, sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM vượt qua khó khăn, thách thức.


Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chính thức chạy thử nghiệm trên toàn tuyến với tổng 14 ga

Hội đồng bình chọn vừa công bố 10 dấu ấn nổi bật của TP.HCM năm 2023.

1. Triển khai nhanh chóng việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương vì sự phát triển của thành phố

Đó là, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM – ngay sau khi được Quốc hội thông qua ngày 24-6-2023, HĐND TP đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 18 cụ thể hóa rất nhiều cơ chế, chính sách để làm căn cứ triển khai thực hiện Nghị quyết 98.

2. Xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính quyền hiệu quả, hiệu lực

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt, là công việc hệ trọng. Thành ủy TP.HCM quán triệt đến các cấp ủy, đảng viên nâng cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong việc thực hiện


Nhiều công trình hạ tầng trọng điểm được TP.HCM triển khai

TP.HCM đã tập trung tổ chức sơ kết, biểu dương, tôn vinh, tuyên truyền nhân rộng các gương điển hình có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM: bộ máy quản lý hành chính trên địa bàn Thành phố đã trở nên tinh gọn do giảm bớt cấp chính quyền, thủ tục hành chính được cắt giảm, thời gian triển khai các kế hoạch được nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của đô thị đông dân làm cho bộ máy chính quyền đạt được sự phản ứng nhanh nhạy, hoạt động thông suốt hơn.

3. Thực hiện quyết liệt các giải pháp vực dậy kinh tế, đạt những kết quả tích cực, khả quan

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu, bức tranh kinh tế TP.HCM từng có giai đoạn ảm đạm mà nhiều chuyên gia gọi nền kinh tế thành phố đã chạm đáy khi kết thúc quý I/2023, GRDP TP.HCM chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ, nhiều chỉ số tăng trưởng âm.

Trước tình hình này, lãnh đạo thành phố và cả hệ thống chính trị quyết tâm, nỗ lực, kịp thời đề ra hàng loạt giải pháp trọng tâm, cấp bách để tháo gỡ, vực dậy nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý sau cao hơn quý trước. GRDP quý II vượt lên 5,87% (tăng gấp 8 lần so với Quý I và gấp 3 lần cho với cùng kỳ), quý III là 6,71%. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song kinh tế – xã hội thành phố đã có nhiều điểm sáng, tạo tiền đề và động lực tích cực để Thành phố phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra,…

4. Diễn đàn kinh tế thành phố “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, hơn 1400 đại biểu trong nước và quốc tế. Điểm nhấn của diễn đàn là trao bản ký kết tuyên bố chung giữa lãnh đạo TP.HCM với Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), góp phần giúp thành phố và Việt Nam tiếp cận các nguồn lực, kinh nghiệm cũng như tham gia các chương trình toàn cầu của WEF.

5. Vành đai 3 và nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai cùng nhiều công trình khác được tái khởi động, khánh thành phục vụ người dân

Dự án xây dựng đường Vành đai 3 dài 76 km, đi qua 4 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỉ đồng, là công trình giao thông lớn nhất phía Nam, được khởi công vào tháng 6-2023 – đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng của thành phố và các địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chính thức chạy thử nghiệm trên toàn tuyến với tổng 14 ga (gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao), từ ga Bến Thành đến ga Bến xa Suối Tiên và ngược lại. Đây là sự kiện đặc biệt, đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình triển khai thực hiện dự án; kết thúc xây dựng, chuẩn bị đưa tuyến Metro số 1 TP.HCM vào vận hành khai thác.

Khởi công dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên. Bên cạnh những công trình trọng điểm như: nút giao An Phú, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất… được triển khai, thì nhiều công trình hạ tầng quan trọng phục vụ dân sinh khác đã được Thành phố tái khởi động và khánh thành đưa vào sử dụng trong năm 2023.

6. Chuyển đổi số, Đổi mới Sáng tạo, Khởi nghiệp – những điểm sáng, cùng cải cách hành chính

Năm 2023, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa vào vận hành hiệu quả nhiều dịch vụ số phục vụ người dân và thúc đẩy kinh tế – xã hội như: Nâng tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100% cho các thủ tục đủ điều kiện; Vận hành hệ thống quản trị, thực thi Thành phố trên các nền tảng số; Ra mắt nền tảng bản đồ số TP.HCM… tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Trung tâm Điện tử và Vi mạch Bán dẫn (Electronics and Semiconductor Center – ESC) đã được thành lập vào ngày 6-9-2023.

Cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp Năm 2023, UBND TP tiếp tục triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở – ban, ngành và địa phương năm 2023 (DDCI).

 7. Chăm lo phát triển và đầu tư cho Y tế – Giáo dục – Công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo quyền an sinh của người dân

Chương trình đưa bác sĩ trẻ thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế là một trong các giải pháp củng cố chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở trên địa bàn Thành phố; tạo điều kiện và tăng chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay tại tuyến cơ sở. 

Chương trình củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ, Sở Y tế đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh X-quang phổi và hội chẩn từ xa (telemedicine) tại Trung tâm y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ giúp người bệnh được chẩn đoán chính xác, nhanh chóng và được điều trị đúng phác đồ.

Triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện bệnh không lây nhiễm ở người từ 60 tuổi trở lên.

Ngân sách dành cho giáo dục được xem xét ưu tiên tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của Thành phố.

8. Du lịch thành phố phục hồi và tăng trưởng mạnh

Chuỗi hoạt động văn hóa – giải trí – nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn: là dịp khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào của chính người dân thành phố về lịch sử ngàn đời của cha ông trên vùng đất này. Việc tổ chức thành công các sự kiện lễ hội cùng với sự đầu tư, tôn tạo cảnh quan hai bờ sông và sự liên kết giữa du lịch với các ngành nghệ thuật văn hóa, thương mại, dịch vụ, giao thông vận tải… không chỉ giúp phát huy tiềm năng vốn có và khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn mà còn giúp định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của TP.HCM.

9. An ninh quốc phòng giữ vững, an ninh trật tự xã hội ngày càng an toàn hơn

Năm 2023, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế – văn hóa  -xã hội.

10. Tích cực đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, đưa hợp tác quốc tế đi vào thực chất, hiệu quả

TPHCM hiện có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với 58 địa phương trên thế giới. Có thể nói năm 2023, là năm có nhiều hoạt động đối ngoại sôi động, của các đồng chí lãnh đạo Thành phố.

N.Trinh

 

 

Bình luận (0)