Thứ nhất, vài ngày trước kỳ thi không mải miết học mà chủ yếu nghỉ ngơi, thư giãn. Thỉnh thoảng nhớ lại điều gì còn lấn cấn thì mới giở bài xem lại hoặc trao đổi, hỏi han với thầy cô, bạn bè. Nếu tự nhiên chẳng nhớ được điều gì (nhất là lúc vừa đọc xong đề) thì đừng hoang mang, choáng váng. Lúc đó hít thật sâu và thở dài ra cho tâm thể bình ổn lại. Thứ hai, ngày đi thi cứ hồ hởi, phấn khởi. Nếu không phải là bắt buộc thì cũng không cần mặc đồng phục của lớp, trường (nhất là những trường có thương hiệu, danh tiếng). Vào phòng thi, càng hòa lẫn với mọi người càng tốt. Đừng tỏ ra khác kiểu về ăn mặc, đầu tóc, trang sức, đi đứng, nói năng… Thứ ba, giám thị gọi vào phòng thi thì thưa: “Có em ạ”, hoặc “Thưa thầy/cô, có em ạ”. Rồi chìa các giấy tờ theo quy định để kiểm tra, được phép thì đi thong thả vào chỗ. Đừng không một lời thưa gửi rồi lùi lũi đi vào phòng. Thứ tư, đọc đề thi thấy có chỗ nào “trúng tủ” thì đừng la hét, đập bàn, giậm chân hoặc gọi bạn trong phòng giơ tay, nháy mắt ra ý khoái chí… Thứ năm, đọc thật kỹ đề. Bình thường cứ tuần tự làm theo hệ thống các câu hỏi. Nếu câu hỏi khó chưa nghĩ ra thì chừa lại một đoạn giấy để làm sau. Không nên đảo lộn thứ tự. Thứ sáu, luôn nhớ đem tổng thời gian được phép làm bài chia cho 10 điểm, sẽ biết mỗi điểm cần làm trong thời gian bao lâu. Đó là cách phân phối thời gian tương đối nhưng hợp lý giúp ta chủ động, không quá sa đà vào một câu tâm đắc hoặc loay hoay với một câu khó dễ làm mất thời gian của những câu khác. Thứ bảy, những câu trong phần “Đọc hiểu” (với môn văn) cần phải dùng các ký hiệu tách ý cho rõ ràng, mạch lạc, thông thoáng dễ nhìn. Trình bày phải ngắn gọn, không dài lời nhưng đủ ý, đáp ứng tốt các yêu cầu của đề. Làm sao để khi chấm giám khảo dễ đọc, dễ phát hiện ý, có cảm tình và cho điểm chính xác. Tiết kiệm được thời gian của những câu này để dành thời gian cho phần “Làm văn”, cho việc đọc rà soát lại bài là rất cần thiết. Cho nên không nhất thiết phải dùng hết thời gian giả định theo cách phân chia ở trên. Thứ tám, khi viết đoạn văn trong phần “Làm văn” phải nhớ tới khái niệm thế nào là đoạn văn, bám sát ngữ liệu và yêu cầu đề để xác lập chủ đề đoạn, vận dụng tốt kỹ năng dựng đoạn, dùng từ, hình ảnh chuẩn và hay. Thứ chín, cần gạch bỏ đến 5-7 chữ thì dùng bút đang viết đánh chéo vào mỗi chữ. Nếu cần bỏ từ 1 dòng trở lên thì đặt thước vào giữa dòng và dùng bút đang viết gạch một gạch duy nhất. Không gạch chéo đoạn văn muốn bỏ, không ngoặc bên lề đoạn muốn bỏ, rồi ghi chữ “bỏ” to tướng bên cạnh. Như thế bài sẽ xấu xí và có thể bị nghi là đánh dấu bài. Cố gắng dành 5-7 phút cuối giờ để đọc sửa lại bài. Thứ mười, trong suốt buổi thi, xung quanh có ồn ào cũng mặc kệ. Hết giờ làm bài thi, ai hỏi gì cũng bảo “làm được bài”. Về nhà ăn uống, nghỉ ngơi chuẩn bị cho môn thi tiếp theo.
Đinh Hương
(nguyên giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, Hải Phòng)
Bình luận (0)