Không có lý do gì để các sĩ tử phải từ bỏ ước mơ của mình, nếu chẳng may các bạn không vào được ĐH (ảnh minh họa). Ảnh: T.B
|
Ngay thời điểm này có không ít sĩ tử vui mừng vì đã đậu vào ngành học mà mình mơ ước. Bên cạnh đó cũng có bạn đang buồn vì mình chỉ là người đứng bên lề giảng đường đại học. Thật khó khi cánh cửa ĐH chỉ có thể chào đón khoảng 1/3 sĩ tử đăng ký thi. Nhưng ĐH là cánh cửa đầu tiên bạn nhìn thấy chứ không phải là cửa duy nhất trong cuộc đời mà chúng ta phải đi. Dưới đây là 10 điều mà các sĩ tử không may mắn nên làm.
1. Tìm đến anh (chị) đã từng như mình:Bạn sẽ có được vô số lời khuyên bổ ích từ những anh chị này đấy. Bởi vì họ cũng từng là người có cảm giác như bạn là buồn, chán nản… Rồi họ đã làm gì để vượt qua chính mình. Chỉ có những người đã đi qua thì họ mới có những lời khuyên thiết thực nhất cho “tình hình” hiện tại của bạn.
Tìm đọc những câu chuyện của những người nổi tiếng đã từng thất bại và họ đã vượt lên như thế nào. Ví dụ như nhà vật lí học Anhxtanh đã từng bị đánh giá là người không có năng lực nhưng cuối cùng ông lại rất thành công. Và ông đã nói: “Tôi không có tài năng nào cả. Tôi chỉ có một lòng ham hiểu biết ghê gớm”.
2. Thả lỏng: Bạn hãy chấp nhận và đương đầu với kết quả. Đừng tìm cách lẩn trốn nó. Có thể bạn sẽ bị ba mẹ rầy la một chút, đó cũng là điều tất yếu. Vì ba mẹ đã đặt nhiều kì vọng vào bạn nhưng sau cùng ba mẹ cũng sẽ hiểu thôi. Nếu cần, bạn còn có thể khóc như thế bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Hơn ai hết bạn biết mình cần gì mà.
3. Những người bạn: Bạn sẽ luôn cảm tưởng rằng người khác đang nhìn mình với con mắt cười cợt làm bạn cảm thấy khó chịu. Bạn xa lánh họ. Không phải ai cũng vậy đâu. Những người bạn của bạn luôn sẵn sàng chia sẻ cùng bạn đấy. Hơn ai hết họ hiểu cảm giác của bạn lúc này nhất.
4. Không nên lãng phí thời gian: Chỉ buồn một chút là được rồi bạn nhé. Đừng ngồi than vãn hay trách móc mình mà hãy bắt đầu làm lại bằng cách mình xác định mục tiêu tiếp theo cho mình là gì? Bạn có thể xét tiếp nguyện vọng vào trường CĐ hoặc xét tuyển vào các trường trung cấp nghề…
5. Tham khảo ý kiến của người thân: Ngay lúc này bạn đang rất hoang mang, chưa biết mình phải làm gì thì tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của ba mẹ, anh chị hay thầy cô của mình. Nhưng cũng nhớ là mình nên trình bày rõ ràng suy nghĩ của mình từ đó họ sẽ cho bạn những lời khuyên bổ ích nhất.
6. Tìm thêm thông tin: Tìm thêm thông tin về ngành mình đã rớt. Xem xét điểm của mình có thể nộp vào hệ CĐ được không? Hay với số điểm mình hiện có có thể xét nguyện vọng 2, 3 vào ngành khác mà mình thích. Bạn cũng nên có sự so sánh học phí để phù hợp với điều kiện gia đình mình. Như vậy khi bạn đã đậu vào thì bạn sẽ yên tâm học hơn. Đồng thời bạn cũng nên so sánh giữa mặt được và mất khi học CĐ, ĐH… từ đó bạn sẽ có lựa chọn dứt khoát.
7. Lên kế hoạch cho chính mình: Mình phải có định hướng riêng cho chính mình. Tiếp tục theo đuổi ước mơ vào ĐH. Sẽ đi luyện thi và dự thi lại vào năm sau. Hay đi đường vòng: học từ trung cấp rồi sau đó liên thông lên ĐH. Học nghề. Nếu bạn cảm thấy mình không muốn học lý thuyết suông nữa thì đây là lựa chọn tốt nhất. Bạn nhanh chóng được tiếp cận với thực tế. Vì đa phần thời gian của hệ này là thực hành. Chọn một nghề khác, trường khác vừa với sức học của mình?
8. Thực hiện kế hoạch: Bạn sẽ chuẩn bị gì đây? Hồ sơ của chính bản thân mình gồm: hộ khẩu, bằng tốt nghiệp THPT, giấy khai sinh, ảnh chân dung… vì bạn sẽ cần đến những thứ này bất cứ lúc nào. Hãy đặt ra mục tiêu rõ ràng cho kế hoạch của mình. Hãy cho mỗi mục tiêu nhỏ trong toàn bộ kế hoạch lớn của mình một khoảng thời gian nhất định. Đừng để khi “nước đến chân mới nhảy”, như thế bạn sẽ trở nên thụ động và dễ dẫn đến chán nản.
9. Luyện thi: Đây là mục tiêu lựa chọn của không ít bạn khi biết mình đã rớt ĐH. Luyện thi cũng là một cách tốt, cho mình một cơ hội khác để thực hiện ước mơ của mình. Luyện thi là cách tốt nhất để bạn hệ thống lại kiến thức cũ và nạp thêm kiến thức mới chuẩn bị cho kì thi năm sau. Không có lý do gì mà mình phải từ bỏ ước mơ của mình chỉ vì một lần thi rớt đúng không nào?
10. Là chính mình: Hãy là chính mình! Đó là lời khuyên tốt nhất trong lúc này. Các lời khuyên của mọi người chỉ giúp bạn định hướng chứ không phải quyết định thay bạn. Không ai hiểu rõ bạn bằng chính mình. Chỉ có bạn mới biết mình cần gì, muốn gì.
Phạm Quyên
Bình luận (0)