Chưa một lần nghỉ học dù hai chân của Lương Văn Mậu đều teo quắt.
Hai chị em Nguyệt – Mậu trên đường đến trường. |
Nhà Mậu ở bản Minh Phương (xã Minh Phương, TP.Việt Trì, Phú Thọ), bản không chỉ nghèo mà có tỷ lệ người nghiện nhiều nhất xã Lượng Minh. Mậu bị tật nguyền từ khi mới sinh ra. Bố nghiện ngập, mẹ làm nghề nông, gia đình chưa từng có ý định đưa Mậu đến bệnh viện để chữa trị.
Lớn hơn một chút, vừa vào tuổi đi học, hoàn cảnh của bạn càng bi đát hơn bởi bố vào tù. Nhà côi cút, chỉ còn lại mẹ, anh trai và bà ngoại. Sống trong điều kiện ấy, ngay từ khi bắt đầu có nhận thức, Mậu đã hiểu rõ hoàn cảnh của mình.
Không thể đi theo con đường của bố, cũng không muốn nhìn thấy cảnh thất học rồi luẩn quẩn theo một vòng tròn: Nghiện – buôn ma túy – nghiện, như nhiều thanh niên trong bản nên anh em Mậu tự bảo ban nhau cố gắng phải học.
Dù tật nguyền không đi lại được, bữa đói bữa no, nhưng Mậu và anh trai Lương Văn Tý đều chăm chỉ học hành. Anh trai của Mậu đang học THPT, Mậu học lớp 9, trường THCS Lượng Minh.
Nói về chuyện đến trường của Mậu không thầy cô, bạn bè nào không cảm phục. Nhiều năm qua, Mậu dùng tay bò đến trường. Quãng đường từ nhà đến trường chỉ hơn một cây số, người bình thường đi chưa đến 15 phút, nhưng Mậu phải đi gần một tiếng đồng hồ. 10 năm qua, không biết được đã bao nhiêu lần Mậu phải rơi nước mắt vì đau, vì bị đá cứa cho sứt tay, hai bàn tay của bạn giờ đầy chai sẹo.
Vất vả nhất là những ngày mới vào cấp 2. Trường THCS Lượng Minh nằm trên một quả đồi cao, muốn vào đến lớp, Mậu phải bò qua những bậc thang quanh co được ghép bằng đá. Thương cậu học trò nghèo, tật nguyền nhưng chăm học, từ đầu năm lớp 8, một nhà hảo tâm đã tặng cho em chiếc xe lăn. Nhờ đó, việc đi lại của Mậu mới dễ dàng hơn.
Leo gần 100 bậc thang mới thấy lớp học của Mậu. Mậu hồn nhiên kể: “Vì em muốn được đi học, muốn được có cái chữ” nên chịu vất vả. Thầy Hiệu trưởng Trần Quốc Hùng nhận xét: “Mậu rất có ý thức học tập và học đều các môn. Năm nào điểm tổng kết các môn cũng khá, xấp xỉ 7”. Mậu nói về ước mơ giản dị của mình: “Em muốn học một nghề để có thể tự nuôi sống mình, như nghề sửa chữa điện tử, nghề sửa xe máy…”.
Từ ngày Mậu có xe lăn, việc học của bạn cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Người đồng hành trong mấy năm qua chính là người chị họ Lộc Thị Bé Nguyệt. Năm nay Nguyệt mới học lớp 7, dù nhỏ tuổi hơn, người cũng không cao lớn nhưng biết Mậu ham học nên tình nguyện ngày hai buổi đẩy xe đưa Mậu đến trường. Có chị, có em, mẹ Mậu không còn phải lo lắng những hôm trời mưa to gió lớn nữa.
Anh trai của Mậu học ngoài thị trấn, cách nhà gần 20 cây số, nhưng tuần nào cũng đi bộ về nhà để phụ đạo cho em. Về phía nhà trường, biết được hoàn cảnh của Mậu khó khăn nên các khoản đóng góp đều miễn cho em và ưu tiên cho em quà, sách vở mỗi khi có các đoàn từ thiện đến giúp đỡ học sinh trong trường. Nói về em họ của mình, Nguyệt tự hào: “Em học được ở Mậu nhiều điều lắm. Hai chị em đi với nhau, những bài nào em không hiểu, không làm được, Mậu lại giảng cho em”. Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Lượng Minh nói: “Chính nghị lực của Mậu là một tấm gương sáng cho học sinh trong trường noi theo.
Ở xã Lượng Minh, hơn 90% học sinh thuộc đối tượng nghèo, nhiều em vì có cả bố và mẹ đều bị tù hoặc vì hoàn cảnh quá khó khăn nên hay bỏ học dở chừng. Ngay cha mẹ học sinh cũng chỉ muốn cho con mình đi làm thuê, làm nương, làm rẫy hoặc đi xách ma túy giúp bố, giúp mẹ kiếm tiền. Trong hoàn cảnh chung như vậy, một cậu bé không lành lặn, gia cảnh túng quẫn vẫn kiên trì đi học thực sự là một tấm gương sáng”.
Điều đáng trân trọng hơn nữa là Mậu học bằng tất cả sự say mê và luôn cố gắng để hy vọng sau này sẽ kiếm được một việc làm tử tế có thể nuôi sống bản thân. Chặng đường phía trước của Mậu còn nhiều gian nan, nhưng bằng nghị lực, bằng niềm tin, em sẽ vươn lên tự khẳng định được mình.
Theo Giáo dục thời đại
Bình luận (0)