Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

10 năm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Bẫy chất lượng trung bình

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tuy giáo dục đại học (ĐH) đã được tự chủ nhưng đến nay, những điểm nghẽn về chính sách khiến nhiều trường chưa thể bứt phá thành công.

Tại Hội thảo Giáo dục 2023 vừa được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD&ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức, các chuyên gia cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất khi thực hiện tự chủ giáo dục ĐH hiện nay chính là vấn đề tài chính.

10 năm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Bẫy chất lượng trung bình ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới 2023 – 2024. Ảnh: Duy Phạm

GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết, dù chủ trương của Đảng và Nhà nước là ưu tiên đầu tư cho giáo dục nhưng ngân sách cho giáo dục ĐH nói riêng chỉ chiếm 0,27% của GDP, thấp hơn nhiều lần so với khu vực và thế giới. Việc cắt giảm theo lộ trình chi thường xuyên làm cho các trường ĐH chưa tự chủ gặp khó khăn. Các trường tự chủ lấy học phí của người học để bù đắp vào các hoạt động của trường. Nguồn thu học phí của cơ sở giáo dục ĐH trong nước thường chiếm từ 60 – 90%, trong khi ở các nước khác, nguồn thu này không quá 60%.

Theo ông Quân, hiện nay rất nhiều bài toán đặt ra trong tài chính ĐH như ngân sách nhà nước đầu tư giảm, lương cơ sở tăng hằng năm, học phí có giới hạn. Tài chính cho khoa học công nghệ cũng rất khó khăn. Ví dụ, ĐH Quốc gia Hà Nội hằng năm được chi khoảng 75 tỷ đồng cho hoạt động này, nhưng có tới 5-6 viện nghiên cứu cùng với đó là khoảng 3.000 tiến sĩ đang làm việc tại các trường, khoa trực thuộc.

GS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nêu ra 4 thách thức của tự chủ giáo dục ĐH tại Việt Nam. Đó là nguồn chi từ ngân sách nhà nước rất giới hạn. Tại ĐH Quốc gia TPHCM, ngân sách nhà nước chi thường xuyên giảm dần từ 21% năm 2019 còn 15% năm 2021. Học phí tăng liên tục là thách thức không chỉ đối với sinh viên mà còn đối với chính cơ sở giáo dục ĐH. Việc tăng học phí trong các trường ĐH công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH. Một thách thức nữa là tín dụng cho sinh viên chưa hợp lí và chưa thực sự đa dạng nguồn thu từ học phí.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói rằng, 3 khó khăn lớn nhất của việc đẩy mạnh tự chủ ĐH đã được nhìn nhận, đánh giá thống nhất. Đó là sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật, quan niệm chưa phù hợp về tự chủ tài chính đối với giáo dục ĐH và năng lực đội ngũ cán bộ quản lý còn yếu. Để thúc đẩy chất lượng giáo dục ĐH, nguồn lực từ Nhà nước cần phải tăng đạt mức trung bình của khu vực, đóng vai trò chủ đạo và thúc đẩy huy động các nguồn lực khác. Về cơ chế, chính sách phân bổ, cần phân tách riêng và minh bạch hóa phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH. Nguyên tắc phân bổ dựa trên cơ chế cạnh tranh, cam kết sứ mạng, mục tiêu và cụ thể hóa thành KPI. Nhà nước cũng cần đổi mới cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo gói, dựa trên kết quả đầu ra (thay vì đầu vào); gắn với phân bổ ngân sách cho khoa học công nghệ, bảo đảm tỉ trọng chi các cơ sở giáo dục ĐH tương xứng với năng lực và kết quả hoạt động.

Theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, với hệ thống giáo dục công, muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động từ phía xã hội, phía doanh nghiệp một cách mạnh mẽ vừa phải có sự đầu tư tương xứng từ phía ngân sách nhà nước.


Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)