Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

10 năm nhà báo không thẻ “Hoa thắm cao nguyên”

Tạp Chí Giáo Dục

Tác gi (th hai t trái qua)

Như một giấc mơ trưa, thoắt mới đã 10 năm trôi qua. 10 năm, từ sự “tình cờ”, ngẫm ra lại là “hữu duyên” để tôi gắn bó với Báo Giáo dục TP.HCM. 10 năm qua, tôi xem báo như cơ quan của mình, ngôi “nhà lớn” đong đầy kỷ niệm…

Nhớ lại, tôi tình cờ gặp Thanh Tàu (cựu nhân viên Báo Giáo dục TP.HCM) ngồi ghế kế bên trên chuyến xe đò từ Thủ Đức (TP.HCM) về Đà Lạt; tình cờ được cầm trên tay ấn phẩm “Báo Giáo dục TP.HCM” mà “chú em” (tôi thường gọi Thanh Tàu) vui vẻ cho tôi mượn, miệng tươi cười xởi lởi: “Anh xem đi…”.

Tôi chăm chú đọc tờ báo trên chuyến xe chiều chật chội. Trả lại, ngoài cảm ơn, tôi cũng vui miệng: “Trước nay mình thường cộng tác với một số tờ báo có trang viết về thanh niên, học sinh, sinh viên…”. Nghe vậy, “chú em” nhanh nhẹn: “Anh cộng tác với báo em đi. À, khi nào về TP.HCM, anh gọi em đưa anh đến gặp các sếp của em…”.

Bẵng đi thời gian, câu chuyện tình cờ gặp nhau trên chuyến xe những tưởng quên. Đầu năm 2009 về TP.HCM nhận bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị, tôi điện thoại… và lần đầu tiên tôi được gặp Tổng Biên tập Tạ Văn Doanh, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Tú và một số anh em PV của báo. Trò chuyện, các “sếp” rất thân thiện, niềm nở mời cộng tác với báo…

Có lẽ, ấn tượng về tình cảm của lãnh đạo, anh em tòa soạn và yêu thích lĩnh vực giáo dục (vốn gần gũi với công tác thanh niên), nên tôi rất phấn khởi nhận lời làm CTV của báo. Được cấp giấy giới thiệu và gợi ý, phân công… của Ban Biên tập, tôi thấy rất vui; trở về Đà Lạt tôi say sưa lao vào công việc như một PV dù không… có thẻ!

Ngoài công việc cơ quan, tôi tranh thủ thời gian để viết tin, bài cộng tác với báo. Tôi thường viết về các mô hình trường lớp, những tấm gương nhà giáo, học sinh, sinh viên, văn hóa và một số lĩnh vực khác… Tháng nào cũng có tin, bài đăng trên báo và tôi xem đây là công việc, niềm vui của mình. Nhiều tấm gương nhà giáo, tổng phụ trách Đội Thiếu niên, bí thư Đoàn, hội sinh viên các nhà trường và những gương học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số học giỏi… ở Lâm Đồng lần lượt giới thiệu trên Báo Giáo dục. Điều tôi nhận lại là hầu hết các nhân vật, tập thể tôi viết bài  rất vui, tự hào vì được đăng báo của ngành (mà là tờ báo chuyên ngành lớn ở TP.HCM).

Chẳng biết tự bao giờ, anh em làm báo ở Lâm Đồng và chị Nguyễn Thị Anh Phương (nguyên Giám đốc), anh Sang (nguyên Chánh văn phòng) Sở GD-ĐT Lâm Đồng tặng tôi biệt danh: Nhà báo “Hoa thắm cao nguyên”, nghe cũng sướng! Sở GD-ĐT có hoạt động gì đều gọi, hoặc giới thiệu thầy giáo trường này, cô giáo trường kia để tôi viết bài. Chị Anh Phương còn “thòng” một câu: “Em cứ nói chị Phương sở giới thiệu”! Dù chị biết tôi có giấy giới thiệu của báo và hơn 15 năm làm công tác Đoàn thì lạ gì với giáo viên các trường học, các cơ sở giáo dục ở Lâm Đồng…

Vui nhất, nhớ nhất là các cô giáo làm tổng phụ trách Đội lâu năm ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) như cô Trần Thị Toan, cô Kim Lan (giờ đã về hưu), nhưng mỗi lần gặp lại đều nhắc về các bài báo tôi viết về các cô, về công tác Đội từ năm 2009 và cho biết còn giữ tờ báo làm kỷ niệm đến tận bây giờ, cũng để cháu ngoại, cháu nội đọc!

Đặc biệt, không biết tình cờ hay hữu ý, khi tôi gặp, trao đổi để viết bài về NGƯT Nguyễn Thị Nghĩa (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thăng Long  Đà Lạt) đúng lúc cô chuẩn bị về hưu. Bài viết về cô đăng trên báo cuốn nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-2009). Báo ra, tôi mang đến trường tặng nhưng cô Nghĩa đã nghỉ hưu, đành nhờ trường chuyển giúp. Và, ngày mồng một Tết năm 2010, người “xông đất” nhà mới tôi vừa xây xong (trước đó gia đình tôi ở nhà tập thể của Tỉnh đoàn) là chồng cô Nghĩa – anh Lê Văn Sinh (nguyên Phó ban Dân vận Thành ủy TP.Đà Lạt), anh đưa tôi chiếc túi nhựa nhỏ bảo cô Nghĩa dặn phải gặp và tặng tác giả. Anh Sinh nói, “Cô Nghĩa khi về hưu được em viết bài đăng Báo Giáo dục TP.HCM cô ấy rất xúc động, cảm ơn em lắm”!

Quý thật và sung sướng thật! Tôi vội mở chiếc túi, bên trong là một cái logo Trường chuyên Thăng Long – Đà Lạt và một tấm thiệp chúc Tết có dòng chữ cô viết “Chúc mừng năm mới” gia đình tôi. Vậy đấy, thật giản dị khi viết cho giáo dục và được nhận lại những tình cảm từ các thầy, cô giáo dù là lời cảm ơn, một cái thiệp nhưng tôi thấy rất có ý nghĩa và niềm động viên lớn vô cùng!

Tôi thường nói đùa, nghề viết báo đối với tôi có “nợ” mà không “duyên”! Khi rời trường ĐH, tôi “ôm” đơn xin việc “gõ cửa” các cơ quan báo chí ở Lâm Đồng mong được làm PV; song, khi đó các sếp đều “lắc đầu” bảo không có biên chế. Gần 18 năm công tác ở Tỉnh đoàn, tôi lặng lẽ viết và cộng tác với các báo, tạp chí, đài phát thanh – truyền hình như một “mối duyên” và cũng để “giải tỏa” những vui, buồn thời trai trẻ. Đến khi “hết tuổi Đoàn”, một lần nữa tôi lại đi “xin việc”, dĩ nhiên là xin về các cơ quan báo chí. Và, một lần nữa tôi… lỡ hẹn!

10 năm gắn bó với Báo Giáo dục TP.HCM đối với tôi cũng là “mối duyên”. Đến nay, hơn 25 năm tôi làm “Nhà báo không thẻ” cũng là… mối duyên!

Tuy nhiên, với Báo Giáo dục TP.HCM tôi xem như cơ quan của mình; tôi cảm nhận được tình cảm và sự quan tâm của Ban Biên tập và anh em tòa soạn dành cho mình rất thân thiết, ấm áp. (Điều này không giống như trước đây tôi cộng tác với các báo khác…).

Dù không thường xuyên đi về, nhưng qua việc gửi bài vở, điện thoại, email, tôi luôn dõi theo hoạt động của cơ quan báo, thỉnh thoảng điện thoại hỏi thăm, chia sẻ vui buồn với anh em và gia đình cán bộ, PV tòa soạn… hết sức tự nhiên.

Các dịp vui của anh em, hay ngày kỷ niệm của báo, tôi cố gắng sắp xếp có mặt. Năm 2014, Báo Giáo dục TP.HCM kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển, tôi và mấy anh, chị em CTV của báo: Đan Phượng (Cần Thơ), Nghiêm Huê (Hà Nội), Vĩnh Yên (Đà Nẵng), Đức Trung (Quảng Ngãi), dù biết tên đã lâu, nhưng lần đầu tiên “hội ngộ” tại TP.HCM vui cùng 20 năm Báo Giáo dục TP.HCM ra đời, phát triển.

Năm nay, các thế hệ lãnh đạo, anh chị em cơ quan lại bâng khuâng chào đón Báo Giáo dục tròn 25 năm tuổi. Ngồi nhớ lại 10 năm góp mặt với báo, tôi chợt thấy những kỷ niệm thật đẹp với tờ báo tôi yêu ùa về…

Thanh Dương Hng

 

Bình luận (0)