Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

10 năm nữa Đà Lạt không có nước sinh hoạt vì ô nhiễm

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Ngọc Phúc – giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Lâm Đồng cho biết như vậy tại phiên chất vấn ngày 12-7 kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Lâm Đồng về việc ô nhiễm trầm trọng tại hồ Đan Kia – Suối Vàng. 

10 năm nữa Đà Lạt không có nước sinh hoạt vì ô nhiễm 
Rác thải nông nghiệp tràn lan ở hồ Đan Kia – Suối Vàng – Ảnh: Mai Vinh

Đan Kia – Suối Vàng (huyện Lạc Dương) là hồ chứa nước thô phục vụ sinh hoạt cho toàn TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Nước từ đây sẽ được Nhà máy nước Đà Lạt xử lý rồi bơm vào hệ thống cấp nước.

Ông Phúc cho biết chất lượng nước sinh hoạt sau khi được xử lý vẫn đảm bảo chất lượng nhưng nếu không bảo vệ hồ Đan Kia – Suối Vàng và các hồ tự nhiên là nguồn nước thô trước tấn công của ô nhiễm thì chỉ 10 năm nữa Đà Lạt và Lâm Đồng sẽ không có nước sinh hoạt.

Các đánh giá môi trường tại hồ Đan Kia – Suối Vàng cho thấy hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh doanh du lịch ở đầu nguồn nước là nguyên nhân ô nhiễm.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn đại biểu TP Đà Lạt) cho rằng việc san ủi, xây dựng nhà kính sản xuất nông nghiệp quy mô lớn không theo quy hoạch là nguyên nhân khiến tỉ lệ chất rắn lơ lửng, kim loại nặng và vi sinh độc hại trong nước vượt ngưỡng 1,5  – 12 lần mức cho phép.

“Chính tôi cũng bị áp lực khi thẩm định cấp phép các dự án có tác động đến môi trường nước các hồ đang là hồ chứa nước thô phục vụ cho Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Hiện cơ quan chức năng đang xác lập hành lang bảo vệ hồ cho các hồ quan trọng và giao Trung tâm Khai thác công trình thủy lợi – Sở NN&PTNTLâm Đồng quản lý, bảo vệ” – ông Phúc nói. 

10 năm nữa Đà Lạt không có nước sinh hoạt vì ô nhiễm 
Ông Nguyễn Ngọc Phúc – giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Lâm Đồng, trả lời chất vấn của đại biểu – Ảnh: Mai Vinh

Ông Phúc cho biết thêm ô nhiễm ở hồ Đan Kia – Suối Vàng có tác động chính bởi hoạt động du lịch, sản xuất nông nghiệp ở 1.700 ha quanh hồ.

Ghi nhận tại hồ Đan Kia – Suối Vàng, ngay tại trạm bơm nước của nhà máy lọc nước, công nhân liên tục chèo thuyền đi vớt chai lọ và bao bì thuốc bảo vệ thực vật nổi lềnh bềnh trong nước. Dọc theo mép nước, nhiều chai lọ thuốc sâu có dãn nhãn cảnh báo “độc cao” dạt vào.

"Chúng tôi đang tính toán đề xuất UBND tỉnh cho phép chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, cây dược liệu cho cây ngắn ngày ở khu vực này. Rác thải nông nghiệp trong sản xuất cây lâu năm, cây dược liệu thấp hơn nhiều so với cây ngắn ngày”, ông Phúc cho biết.

Hàng năm, Công ty TNHH Cấp thoát nước Lâm Đồng lấy khoảng 6,3 triệu m3 nước từ hồ Đan Kia – Suối Vàng để lọc và cung cấp lại cho khoảng 50.000 người dân Đà Lạt, trong khi lượng hóa chất để xử lý nước tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước đây.

Ô nhiễm nghiêm trọng cũng đã ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của 5.000 người dân ở phía Đông thành phố Đà Lạt. 

Đại diện đơn vị này cho biết công suất lọc nước giảm khiến nhiều khu vực thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt. Việc tăng lượng hóa chất làm sạch nước thô khiến chất lượng nước đầu ra cũng suy giảm. Chưa kể hệ thống lọc bị quá tải làm chất lượng nước giảm theo.

Đánh giá của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho thấy nguồn nước tại hồ Đan Kia – Suối Vàng nhiễm E.coli vượt ngưỡng gấp 12 lần.

Phân tích mẫu nước ở hồ Đan Kia – Suối Vàng do viện thực hiện mới đây cho thấy chất lượng nguồn nước ở khu vực hồ chứa nước sinh hoạt lớn nhất của Đà Lạt suy giảm ở mức thấp nhất (xếp loại C trong thang đánh giá A,B,C).

 

MAI VINH/TTO

 

 

Bình luận (0)