Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

10 năm quy hoạch Mạng lưới trường học tại TP.HCM (2003-2013): Bài 1: Thực trạng buồn trước khi có quy hoạch

Tạp Chí Giáo Dục

Phòng học nhỏ, hẹp chưa tới 25m2 của Trường TH Lý Thái Tổ, Q.8
Trước khi có quyết định 02/2003 về quy hoạch mạng lưới trường học, cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp ở các quận/huyện trên địa bàn TP.HCM không đáp ứng được nhu cầu dạy và học…
Trường không đúng quy cách
“Q.1 có gần 50 trường công lập thuộc các bậc học, trong đó nhiều trường có diện tích nhỏ hẹp như: TH Kết Đoàn, THCS Huỳnh Khương Ninh… Do là quận trung tâm thành phố, quỹ đất dành cho phát triển giáo dục (GD) còn nhiều hạn chế (do điều kiện khách quan) nên phần lớn các trường đều có nguồn gốc là trường tư thục hoặc tôn giáo, nhiều trường mầm non (MN) thuộc dạng nhà phố có quy mô hoặc cấu trúc chưa đáp ứng quy chuẩn GD như phòng học nhỏ hẹp, sân chơi + mảng cây xanh + phòng chức năng không có hoặc tạm bợ… Chi phí đền bù giải tỏa cao nên việc mở rộng quỹ đất cho GD rất khó thực hiện”, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.1 – trăn trở.
Trong khi đó, ông Lê Nguyên Vịnh – Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 – cho biết: “Q.11 có gần 100 trường thuộc các bậc học (công lập và tư thục), trong đó công lập chiếm trên 50% nhưng nhiều trường có CSVC nhỏ hẹp, nhất là ở bậc MN và TH, có nhiều điểm trường. Nhiều trường đã xuống cấp trầm trọng như TH Âu Cơ, Thái Phiên, Phạm Văn Hai…”. Cùng cảnh ngộ là các quận 3, 4, 10, Tân Bình, Phú Nhuận…
Tuy nhiên, “điển hình” của khó khăn về CSVC phải kể đến là Q.8. Địa bàn quận này tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp vì vậy dân số cơ hữu tăng nhanh nên số học sinh (HS) ngày càng đông. “Thực trạng mạng lưới trường lớp của Q.8 không theo kịp tốc độ phát triển chung, nhất là đối với ngành học MN. Ngoài những trường MN mới xây dựng gần đây có điểm tập trung và đạt chuẩn thì đa số các trường còn lại đều có quy mô nhỏ, nhiều điểm lẻ, diện tích phòng học không đạt mức tối thiểu theo quy định. Cụ thể, vẫn còn 11/17 trường MN công lập có từ 3 đến 8 điểm lẻ”, ông Triệu Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 – trăn trở. Theo ông Nguyễn Phương Hậu – Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng Q.8: Trường có nhiều điểm lẻ nhất là MN Vườn Hồng (phường 1) với 8 điểm lẻ, hiện nay đã tạm đóng cửa 5 điểm, do CSVC xuống cấp trầm trọng. Tiếp đến là các trường Bình Minh, Họa Mi có 6 điểm lẻ. Nhưng đặc biệt nhất là Trường Tuổi Hoa (phường 4) có tới 7 điểm lẻ nhưng cũng chỉ có được 15 phòng học và phòng chức năng phục vụ cho 487 bé. Không tìm được mặt bằng để xây trường, MN Chim Non (phường 10) với 12 lớp học (6 điểm lẻ) phục vụ cho trên 400 HS, các em ăn, ngủ, vui chơi, sinh hoạt… tất cả trong một phòng học. “Tình trạng này gọi là “nuôi” thì đúng hơn chứ đâu đủ điều kiện để dạy”, ông Triệu Tuấn nói. 
TS. Ninh Văn Bình – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận – cho biết: “Q.Phú Nhuận có gần 40 trường học công lập, một số trường được tiếp quản từ các nhà thờ hoặc các trường tư thục. Các trường MN vẫn còn điểm phân hiệu, do nhà ở tư nhân được cải tạo lại nên có khuôn viên nhỏ hẹp, phòng ốc không đúng quy cách, trong khi áp lực trẻ đến trường ngày một tăng cao, có nguy cơ trẻ không đủ lớp học. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu do các khu dân cư trong quận, phần lớn đã ổn định, mật độ dân cư cao. Đó là khó khăn của Q.Phú Nhuận trong việc tìm quỹ đất để mở rộng mạng lưới trường học”.
Phải tự khắc phục!
Trường TH Lý Thái Tổ (Q.8) nằm bên cạnh chân cầu Chà Và với gần 300 HS, không có sân chơi, hoạt động của các em HS trong giờ giải lao chỉ gói gọn ở dãy hành lang và phòng học.
Trường TH Lý Thái Tổ (Q.8) nằm bên cạnh chân cầu Chà Và với gần 300 HS, không có sân chơi, hoạt động của các em HS trong giờ giải lao chỉ gói gọn ở dãy hành lang và phòng học. Mang tiếng là trường học nhưng các phòng học đều nằm trên tầng 2 và 3, vì tầng trệt là của nhà sách. HS muốn vào trường phải leo lên cầu thang tối tăm, ẩm thấp của khu nhà sách. Thầy Nguyễn Văn Giàu – nguyên Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Sở dĩ thầy và trò phải chịu tình trạng này là do “lịch sử để lại”. Trước năm 1975, đây là trường tư thục, sau giải phóng do không có phòng học nhưng áp lực HS ngày càng tăng nên nhà trường được Phòng GD-ĐT quận cho trưng dụng tầng 2 và 3 của tòa nhà này để làm phòng học”. Trong hoàn cảnh chưa được “an cư”, thiếu thốn mọi bề, thầy và trò nhiều trường phải tự bươn chải. Thầy Nguyễn Văn Giàu nói: “Lãnh đạo quận hiểu những khó khăn của trường và theo quy hoạch mới của Q.8, Trường TH Lý Thái Tổ sẽ được xây mới trên đất thu hồi 6 kho của Bến Bình Đông với diện tích 6.000m2. Nhà trường rất mừng và chờ đợi nhưng dự án đến bây giờ vẫn “đắp chiếu” vì thu hồi mặt bằng gặp một số trở ngại. Còn Trường TH Xóm Chiếu (Q.4) đã được duyệt dự án xây từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn không giải phóng, thu hồi được kho 9C Tôn Đản. Công ty Xi măng Hà Tiên 1 xin được sử dụng kho này thêm một thời gian và bây giờ, Tổng công ty Xi măng Việt Nam lại xin chuyển mục đích sử dụng đất tại mặt bằng này để làm văn phòng giao dịch. Vì thế mà ngôi trường cứ bị “ách” lại chưa khởi công được. Cô Nguyễn Thị Mai Trinh – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Trước đây Q.4 có hai trường TH yếu kém là Xóm Chiếu và Cây Bàng. Sau khi xây mới và đưa vào sử dụng Trường TH Đặng Trần Côn, Trường TH Cây Bàng đã được giải thể chỉ còn lại Trường Xóm Chiếu. Những gì quận, Phòng GD-ĐT đã làm cho trường không thể kể hết. Chúng tôi rất mong có sự ủng hộ, giải quyết rốt ráo của các cấp thẩm quyền cao hơn mới hi vọng có được trường mới!
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Ông Hứa Ngọc Thảo – Phó chủ tịch UBND Q.2 – cho biết: Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Q.2 trở thành khu đô thị mới văn minh, hiện đại, trên địa bàn quận có 5/11 phường đã thực hiện di dời giải tỏa (trong đó có 3 phường giải tỏa trắng, 2 phường giải tỏa một phần). Do vậy, có 8 cơ sở GD thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm đã thực hiện việc giải thể hoặc di dời. Dân cư di dời về tập trung đông tại một số khu vực như phường Thảo Điền, An Phú, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, nhưng do các chủ dự án chậm triển khai công trình trường học mới gây nên tình trạng CSVC trường lớp nơi thừa, nơi thiếu.
 

Bình luận (0)