Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

10 năm quy hoạch mạng lưới trường học tại TP.HCM (2003-2013): Bài 2: Xây trường chuẩn cho từng cấp học

Tạp Chí Giáo Dục

Lễ khởi công Trường THPT Nhà Bè (tổng vốn đầu tư gần 125 tỷ đồng), tháng 4-2013
Tại sao một TP năng động, kinh tế dẫn đầu cả nước nhưng thực trạng đáng buồn về cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp phục vụ cho dạy và học lại không thể khắc phục được? Phải chăng do cơ chế, không có tiền… nên trường lớp không được đầu tư, cải thiện?…
Từ chủ trương… đến hành động
“Năm 1999, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã ban hành nghị quyết chung của năm là “Năm Giáo dục”, đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Toàn TP chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục (GD)! Trên cơ sở đó, UBND TP ban hành quyết định 2380 về công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường học (PTMLTH) trên địa bàn TP đến năm 2020. Sở GD-ĐT đã kết hợp với các sở/ban ngành liên quan, tiến hành triển khai công tác này và UBND TP đã ban hành quyết định 02/2003/QĐ-UB của UBND TP về: Quy hoạch PTMLTH ngành GD-ĐT TP đến năm 2020”, ông Nguyễn Đình Thái Châu, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành TP, cho biết.
Quyết định 02/2003 nêu rõ: Sắp xếp lại mạng lưới trường học trên từng địa bàn quận/huyện phù hợp với các mặt về lịch sử, địa lý và dân cư, đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển TP; quy hoạch PTMLTH phải đồng bộ, hoàn chỉnh trong cơ cấu GD quốc dân và là cơ sở để các quận/huyện thực hiện tiếp bước quy hoạch chi tiết, dành quỹ đất xây dựng trường học; cải tạo, mở rộng, nâng cấp, tận dụng mặt bằng của các cơ sở trường học hiện có để đạt tới chuẩn theo từng cấp học, ngành học đã ban hành. Đến năm 2005, mỗi quận/huyện phải có ít nhất một trường đạt chuẩn cho một ngành học, bậc học… “CSVC, trường – lớp được coi là điều kiện tiên quyết trong phát triển GD nếu thiếu sẽ ảnh hưởng tiêu cực hoặc không thể triển khai các hoạt động dạy – học. Vì vậy, để thực hiện quy hoạch PTMLTH trên địa bàn quận giai đoạn 2003-2020, lãnh đạo quận đã lên kế hoạch đầu tư, mở rộng trường lớp; tính đến năm học 2012-2013, Bình Thạnh có 86 trường từ bậc MN đến THCS, 1 trung tâm, 97 nhóm lớp ngoài công lập với tổng số 1.510 phòng học. Số trường đã đầu tư, cải tạo, mở rộng là 22 trường, trong đó vốn TP cấp 13 dự án; xây mới 416 phòng học với tổng kinh phí đầu tư gần 473 tỷ đồng”, ông Nguyễn Minh Nhơn, Trưởng phòng GD-ĐT Bình Thạnh, cho biết. Trong khi đó, ông Trương Canh Ba, Phó chủ tịch UBND Q.5, lại băn khoăn: “Hiện quỹ đất dành cho phát triển GD ở Q.5 không nhiều. Hiện nay, trong tổng số trường học công lập có 6 trường MN đạt chuẩn quốc gia, các trường còn lại đều hạn chế về tiêu chí diện tích đất nên điều kiện xây dựng trường, lớp đạt chuẩn gặp khó khăn. Việc thực hiện quy hoạch đã được duyệt về chi tiết mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2020 nhưng hiện nay chủ yếu chỉ hoàn thành đối với các công trình xây dựng mới trên đất hiện hữu. Việc mở rộng các trường còn chậm so với quy hoạch do hoán đổi mặt bằng và công tác bồi thường thực hiện gặp nhiều khó khăn”.
Khắc phục những hạn chế

Học sinh Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè) vui mừng trong ngày khánh thành trường mới và khai giảng năm học 2012-2013. Ảnh: Anh Khôi
“Huyện Hóc Môn hiện có 70 trường thuộc các bậc học. Tuy nhiên, do số dân di cư đến huyện năm sau luôn cao hơn năm trước nên bình quân hàng năm toàn huyện tăng từ 2.000 đến gần 6.000 HS. Với số HS tăng đột biến như vậy cùng với việc một số dự án xây dựng mới trường lớp không kịp đưa vào sử dụng, chắc chắn sẽ thiếu phòng học nghiêm trọng”, một cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn cho biết. Theo báo cáo mới đây của huyện Hóc Môn, hiện tại số dự án đang thi công (công trình chuyển tiếp) là 13 trường; trong đó có 11 trường xây mới gồm: 3 trường MN, 4 trường TH, 1 trường THCS, 3 trường THPT và 2 trường nâng cấp mở rộng. Ngoài ra huyện đang chuẩn bị khởi công mới 3 trường và chuẩn bị lập dự án xây mới 26 trường thuộc các bậc học. Tuy nhiên, do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn chưa đưa ra cách làm quyết liệt trong việc thu hồi, giải phóng mặt bằng ở những công trình xây dựng mới trường lớp nên dẫn tới việc thiếu hụt trường lớp trầm trọng. Bà Lê Xuân Nga, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn, lý giải: “Tại địa bàn huyện Hóc Môn, một số công trình xây dựng trường học tuy đã được triển khai, giải phóng mặt bằng trên 50% nhưng nguồn ngân sách đã “cạn” nên chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để tạm ứng cho các công trình này. Các đơn vị xây dựng phải tạm dừng thi công để chờ vốn, vì vậy, áp lực thiếu trường lớp ngày càng trầm trọng, đặc biệt là khối TH”.
“Tại địa bàn huyện Hóc Môn, một số công trình xây dựng trường học tuy đã được triển khai, giải phóng mặt bằng trên 50% nhưng nguồn ngân sách đã “cạn” nên chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để tạm ứng cho các công trình này…”, bà Lê Xuân Nga, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn, cho biết. .
Mới đây, trong buổi làm việc với Tổ liên ngành, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP, khen ngợi: “TP hoan nghênh các cấp ủy Đảng của 24 quận/huyện đã linh hoạt, năng động, sâu sát vào cuộc nhằm tháo gỡ những khó khăn về CSVC, trường lớp cho ngành GD. Các sở/ ngành đã tích cực tham mưu cho TP, cùng chung tay hỗ trợ cho các quận/huyện về thủ tục, phương án… để triển khai nhanh các dự án xây dựng trường, lớp”.
Tuy nhiên, ông Hứa Ngọc Thuận cũng trăn trở: “Nhiều quận/huyện việc giải ngân còn chậm (chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch) làm ảnh hưởng tới việc triển khai dự án. Qua tìm hiểu, tôi được biết nguyên nhân: Ban quản lý dự án nhiều quận/huyện năng lực còn hạn chế, chưa đủ sức thực hiện các dự án trọng điểm của ngành GD-ĐT. Chính năng lực hạn chế dẫn đến hệ quả là dự án đã được phê duyệt và cấp vốn nhưng triển khai chậm hoặc “đóng băng”, từ việc triển khai chậm đến thời điểm giá vật tư tăng, phải lập lại dự án, làm lại thủ tục. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng rất quan trọng khi lập dự án đền bù khác đến khi bắt đầu thực hiện dự án, giá đền bù lại khác (cao hơn)…”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Các quận/huyện phải phấn đấu tích cực hơn
Liên quan đến vấn đề quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn TP, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP, nhấn mạnh: Từ năm 1999 – Năm GD của TP – lãnh đạo TP đã quyết định đầu tư 20% ngân sách xây dựng cơ bản để xây dựng trường học theo cơ chế phân cấp, công tác quản lý xây dựng về quận/huyện. Năm 2003, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn TP, làm cơ sở cho các quận/huyện vẽ bản đồ quy hoạch dành đất xây dựng trường học tại địa phương. Với cơ chế ấy, hàng năm TP có được hàng ngàn phòng học mới để không những đảm bảo chỗ học cho con em nhân dân mà còn giảm sĩ số lớp học và tăng số HS học 2 buổi/ngày. Tuy vậy, so với yêu cầu hội nhập quốc tế và số lượng HS nhập cư hiện nay, về tiến độ xây dựng trường lớp, các quận/huyện và các ban ngành liên quan phải phấn đấu tích cực hơn nữa.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)