Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

10 năm quy hoạch mạng lưới trường học tại TP.HCM (2003-2013): Bài cuối: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Huỳnh Văn Xây (bên trái) trong lễ khởi công Trường THPT Bình Trị Đông A
Một số hộ dân nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa thuộc các dự án xây dựng trường học tại địa phương đã vui vẻ rời bỏ “nơi chôn nhau cắt rốn” để Nhà nước xây trường, mở lớp.
Hiến đất xây trường
Ông Huỳnh Văn Xây (65C hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) tâm sự: “Gia đình tôi có nhà và đất nằm trong dự án xây dựng Trường THPT Bình Trị Đông A. Lúc đầu tôi và các hộ dân khác rất trăn trở, nếu phải di dời đi nơi khác, cuộc sống, công việc sẽ ra sao? Qua vận động, giải thích của các cấp lãnh đạo về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng trường, chúng tôi an tâm đến nơi ở mới”. Ông Xây cho biết thêm: Trước đây khi chưa có dự án xây trường, con em chúng tôi đi học gặp rất nhiều khó khăn, do hai trường THPT Âu Lạc và Vĩnh Lộc cách nhà từ 3 tới 5km. Những tháng mùa mưa thì cực khổ vô cùng, sáng con đi học quần áo sạch sẽ tinh tươm, chiều về ướt nhèm có khi còn bị rách quần, ướt sách… Hỏi nguyên nhân, con cho biết do trời mưa, đường trơn bị té xe. Bây giờ có ngôi trường mới này, từ nhà tới trường gần hơn rất nhiều, gia đình tôi và những hộ dân khác rất an tâm cho con em mình tới trường.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hùng, người hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng Trường THCS Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), cho biết: “Đất hương hỏa do ông bà để lại, gắn bó với tuổi thơ và gia đình với biết bao kỷ niệm vui buồn nhưng khi hiểu về chủ trương của huyện, chúng tôi không ngần ngại di dời ra nơi ở mới. Dù chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều trong sinh hoạt và ổn định cuộc sống nhưng nhìn ngôi trường mới, khang trang – xinh đẹp, chúng tôi thấy quyết định của mình hoàn toàn đúng đắn”. Một điển hình nữa là ông Hoàng Minh Đức (ấp Bình Hạ Đông, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi), người đã hiến 400m2 đất để xã Thái Mỹ làm đường và xây trường. Điều đáng nói, để hiến đất cho xã, ông Đức phải phá bỏ 100m hàng rào quanh trại cá trê phi của gia đình vừa mới xây dựng. Ông Đức kể: “Lúc đầu, khi được vận động hiến đất, tôi và vợ rất băn khoăn vì hàng rào vừa mới xây lại, việc hiến đất sẽ ảnh hưởng tới sản xuất. Nhưng khi hai vợ chồng nói chuyện với nhau thì đã quyết định ngay, bởi chúng tôi hiểu việc hiến đất không chỉ giúp cho bà con lối xóm có đường giao thông tốt hơn, mà còn giúp cho con cháu mình đi lại thuận lợi và việc đi học không còn phải chịu cảnh mưa thì lầy lội, nắng thì nóng bức”…
Quan tâm bố trí vốn đầu tư

Phòng học… 15m2 của Trường TH Âu Cơ (Q.11) đã xuống cấp trầm trọng do có “tuổi đời” gần 30 năm
Theo ông Trương Canh Ba, Phó chủ tịch UBND Q.5: “Để đảm bảo việc quy hoạch mạng lưới trường học, chúng tôi kiến nghị TP quan tâm hơn việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư để quận sớm triển khai các công trình xây dựng mới như: MN 10, TH Nguyễn Trãi, TH Hùng Vương…”. Đồng quan điểm trên, ông Trần Quang Bá, Phó chủ tịch UBND Q.3, đề xuất: “Địa điểm số 20 Ngô Thời Nhiệm (phường 7) là Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM, hiện đã sáp nhập với Trường ĐH Sài Gòn. UBND TP đã có chủ trương và đồng ý giao cho Q.3 làm trường học. Hiện nay ĐH Sài Gòn đang triển khai xây mới trên địa bàn Q.7, do đó Q.3 kiến nghị TP tiếp tục ủng hộ chủ trương này do hiện nay trên địa bàn phường 7 trường TH phục vụ cho con em nhân dân đang thiếu trầm trọng. Ngoài ra, TP cần có biện pháp hỗ trợ để Q.3 triển khai xây mới hoàn thành dự án Trường TH Nguyễn Thái Sơn”. Trong khi đó, ông Hứa Ngọc Thảo, Phó chủ tịch UBND Q.2, chia sẻ: “Do biến động dân cư và thực tế dân số Q.2 hiện không còn phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học nên cần thiết có sự điều chỉnh cho phù hợp. Số cơ sở trường học thực hiện giải thể, di dời nhiều nên cần có nguồn kinh phí bổ sung kịp thời nhằm triển khai xây dựng thêm các trường MN và TH tại các phường An Phú, Bình Trưng Đông và Bình Trưng Tây trong năm 2013 và 2014. Tiến độ thực hiện các dự án giáo dục đến tháng 9-2012 so với chỉ tiêu năm 2010 chỉ đạt 40,18%. Do đó cần tìm ra những khó khăn vướng mắc để đề xuất các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống trường học trong giai đoạn tới cho phù hợp. Ngoài ra, cần kiểm tra, giám sát các dự án đã có quyết định thu hồi đất trong năm 2012 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện như Trường THCS Thảo Điền (diện tích 0,885ha), TH An Phú (diện tích 0,827ha), Nguyễn Văn Trỗi (diện tích 1,357ha)…”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bà Lê Thị Bích Khanh, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnhcho biết:Tính đến thời điểm tháng 9-2012, chỉ tiêu giao đất xây dựng trường học trên địa bàn Q.Bình Thạnh so với năm 2010 còn thiếu 263.102m2, như vậy cần bổ sung thêm 468.402m2 mới đảm bảo được chỉ tiêu giao đất xây dựng trường học. Để đảm bảo thực hiện quy hoạch, Q.Bình Thạnh kiến nghị Sở GD-ĐT TP.HCM và các sở có liên quan tạo điều kiện cho quận thực hiện đầu tư xây dựng trường lớp từ 2011 đến 2015 theo đúng phân kỳ hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho con em nhân dân trên địa bàn quận. Cụ thể: Xây dựng mới trên nền diện tích mới 9 công trình (MN: 3; TH: 3; THCS: 3); cải tạo nâng cấp, mở rộng trường hiện hữu 6 công trình (MN: 1, TH: 2;  THCS: 1; THPT: 2)…”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)