Hội nhậpThế giới 24h

10 năm quyền lực của Putin

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm này cách đây 10 năm, lần đầu tiên Vladimir Putin, một cựu điệp viên KGB với nụ cười bí hiểm, xuất hiện trên chính trường Nga.
Khi đó ông vừa trở thành thủ tướng thứ năm của Nga trong vòng một năm, một nhân vật không tên tuổi trong chính giới. Ông được giao cho một công việc khó nhằn, bởi một nhà lãnh đạo ốm yếu và ngày càng mất dần thế lực, Boris Yeltsin, vị tổng thống đứng đầu một bộ máy chính quyền lỏng lẻo và đầy tham nhũng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Báo chí khi đó lập tức tràn đầy sự ngạc nhiên và chê bai "sai lầm mới nhất" của Yeltsin. Không một ai cho rằng tay thủ tướng mới toe này có thể tồn tại ở ghế hơn vài tháng. "Mọi người đều cho rằng Putin là một kẻ vô danh, chả có cơ hội nào", Sergei Strokan, bình luận viên của tờ nhật báo Kommersant, nhớ lại. "Chính quyền của Yeltsin giống như một con tàu đang chìm, và bất cứ ai có chút năng lực đều bỏ chạy khỏi nó".
Nhưng thực tế đã mở mắt biết bao người. Yeltsin bất ngờ từ chức vào đêm giao thừa năm 1999, đưa Putin trở thành quyền tổng thống. Ông giành chiến thắng thuyết phục vài tháng sau đó, và từ đó thẳng tiến không hề lui.
Vladimir Putin năm 2000, trong quân phục hải quân. Ảnh: AP.
Putin, trở lại vị trí thủ tướng sau hai nhiệm kỳ tổng thống, giờ đây được coi là nhà lãnh đạo không thể thiếu của nước Nga. Ông luôn luôn nhận được tỷ lệ ủng hộ rất cao của công chúng – khoảng 74% trong suốt 10 năm qua – cao hơn cả mức dành cho vị tổng thống kế nhiệm Dmitry Medvedev. Một số nhà quan sát phương Tây vẫn cho rằng nhà lãnh đạo cao nhất của nước Nga trên thực tế là Putin, và ông có thể trở lại ngôi vị tổng thống vào năm 2012 với nhiệm kỳ dài hơn trước.
Báo chí Nga thường cho rằng bí quyết thành công của Putin là sự kết hợp giữa phong cách quyết liệt của cựu điệp viên KGB, lòng yêu nước và quyết tâm lấy lại sức mạnh cường quốc cho nước Nga, cùng với những tính cách đặc biệt của ông.
Từ khi lên nắm quyền, Putin trở thành một hình mẫu về lối sống lành mạnh, tích cực và điềm tĩnh – ông có đai đen nhu đạo. Putin thổi làn gió mới vào chính trường Nga vốn đang bị người dân chán ngán vì một Yeltsin run rẩy và đôi khi lảm nhảm say khướt. Hình ảnh của một Putin hành động cho đến nay vẫn hữu ích đối với thủ tướng Nga. Tuần trước, nhiều báo Nga và thế giới đưa hình ảnh về kỳ nghỉ hè ở Siberia của Putin trong đó ông khoe bộ ngực trần khỏe mạnh, leo núi, bơi trên sông băng và thám hiểm lòng hồ sâu nhất thế giới.
Putin có một tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu mà ông muốn nước Nga đạt được. Đầu nhiệm kỳ tổng thống lần thứ nhất, Putin có lần đưa lên mạng một tuyên bố về những mục tiêu của mình, trong đó ông khẳng định bản thân là một nhà lãnh đạo nhà nước đặt mục tiêu hiện đại hóa quốc gia bằng cách kết hợp hài hòa truyền thống Nga với các giá trị dân chủ châu Âu.
"Ý tưởng cơ bản nhất của Putin là tạo ra một nước Nga mạnh, đoàn kết; và tìm cách có được nó thông qua một hệ thống quyền lực chặt chẽ từ trên xuống, với các nhân sự trung thành với ông ta", Alexei Mukhin, giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị ở Matxcơva, nhận xét. "Ông ấy nỗ lực để định vị trong tâm trí mọi người như một sa hoàng tốt, và đã thành công phần nào. Nhưng mục tiêu biến nhà nước thành một công cụ hữu hiệu để phát triển quốc gia thì chưa được như những gì vẫn quảng bá".
Bình luận gia Strokan của tờ Kommersant ví Putin với "kỵ sĩ trên lưng ngựa". Strokan nói Putin "xuất hiện khi nền dân chủ dường như sắp đổ sụp, ông mang hình ảnh của một chiến binh có đôi tay sạch và một trái tim quả cảm, điều đó khiến dân chúng khâm phục… Nhưng khi đã nắm trong tay quyền lực, Putin cũng đã kiểm soát giới truyền thông để đảm bảo không một ai có thể sử dụng vũ khí này chống lại ông".
Kinh tế Nga dưới thời Putin phát triển mạnh mẽ, một phần là nhờ giá dầu tăng vọt. Sự thịnh vượng thấm dần xuống dân chúng và nhiều người cảm thấy hài lòng khi mức sống tăng lên nhanh chóng.
Tuy thế không phải ai cũng có cái nhìn màu hồng về sự lãnh đạo của Putin. Những năm ông năm quyền được đánh dấu bởi những cuộc chiến tranh và tấn công khủng bố. Bối cảnh ấy góp phần giúp Putin đè bẹp những tiếng nói bất đồng về chính trị và củng cố quyền lực của Kremlin.
Chỉ vài tuần sau khi Putin lên làm thủ tướng, nước Nga rung chuyển bởi một loạt vụ nổ bom ở tòa nhà chung cư giết chết 300 người. Kremlin mở một cuộc chiến mới chống các phần tử ly khai ở Chechnya. Trong cuộc bầu cử tháng 12/1999, giữa hoàn cảnh chiến tranh, cử tri nhất loạt bỏ phiếu cho đảng thân Putin.
Cuộc chiến ở Chechnya, vụ tấn công khủng bố khiến 120 người chết ở nhà hát Matxcơva, rồi thảm kịch khủng bố đẫm máu của hàng trăm học sinh ở Beslan đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về chính trị, khiến phủ tổng thống và giới an ninh có quyền lực mạnh hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng việc Putin đề cao những người có gốc gác từ giới an ninh trong chính quyền đã khiến tình trạng tham nhũng trở nên trầm trọng.
"Putin đưa những người bên an ninh vào, bởi nghĩ rằng đó là những người có thể tin tưởng được", Andrei Soldatov, biên tập của Agentura.ru, một website chuyên về tin tức an ninh, nhận xét. "Nhưng trên thực tế, Putin đã tạo ra một tình trạng mà trong đó có sự hội tụ giữa các tổ chức kinh tế lớn và nhà nước. Cơ quan an ninh giờ làm việc cho các tập đoàn nhiều hơn là cho lợi ích quốc gia".
Nhà phân tích Masha Lipman, tổng biên tập tạp chí Pro et Contra thuộc Carnegie Center ở Matxcơva, dự đoán rằng khi sự giàu có nhờ dầu lửa phai nhạt dần vì khủng hoảng kinh tế thế giới, Putin có thể bị kẹt trong chính hệ thống mà ông đã tạo ra.
"Putin rời ghế tổng thống năm ngoái nhưng lại đảm nhiệm vai trò thủ tướng, bởi ông ấy không thể không ở lại", bà Lipman nói. "Ông ấy là điều kiện sống còn đối với sự vận hành của hệ thống. Nếu ông ấy đi, hệ thống sẽ nhanh chóng trở nên bất ổn".
T. Huyền – VnExpress (theo CSM)

Bình luận (0)