Đến chiều tối 24/6, mưa lớn, lốc xoáy đã khiến 10 người thiệt mạng, 80 người bị thương, hơn một nghìn nhà bị giật sập hoặc tốc mái. Đêm 24/6 bão đổ vào Hải Phòng – Nam Định và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cho biết, trận lốc xoáy chiều tối 23/6 đã khiến 7 người thiệt mạng. Trong đó có 5 người bị sét đánh, một người bị gió lốc đẩy xuống ao chết đuối và một thai phụ bị cây đổ đè lên người.
Cuối chiều, khu vực xã An Lư, Trung Hà (Thủy Nguyên) bầu trời sầm tối, nổi sấm sét, mây đen vần vũ. Đến khoảng 17h tại khu vực cuối xã Trung Hà, giáp ranh với xã An Lư bất ngờ xuất hiện một cơn lốc xoáy, hình phễu, gió rít mạnh, tốc độ cực lớn quét dọc qua khu vực xã An Lư đến gần bờ bắc Sông Cấm, phạm vi 500 m, kéo dài 3 km với sức gió kinh hoàng. Sau đó, mưa đổ như trút nước.
Người dân xã An Lư thu dọn đồ đạc tại một căn nhà bị lốc xoáy giật sập. |
Tuy chỉ xảy ra trong ít phút song cơn lốc để lại hậu quả lớn. Đi đến đâu lốc xoáy tàn phá nhà cửa, vườn tược, công trình công cộng và hệ thống cơ sở hạ tầng đến đó. Hơn 1.000 căn nhà, phòng học bị tốc mái hoặc giật sập; hàng trăm cây xanh, cột điện cao thế, hạ thế bị gãy đổ. Nhiều gia đình bị cuốn bay vật dụng, gia súc…
Ngoài những người thiệt mạng, tại xã An Lư (Thủy Nguyên) có khoảng 80 người bị thương, một nửa trong số này bị thương nặng. Theo ông Lê Văn Hiến, đến chiều 24/6, cơ bản hiện trường nơi lốc xoáy tàn phá đã được thu dọn. Nhiều căn nhà đã được lợp lại mái. Điện lưới tại khu vực này đã được khôi phục.
Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, có 3 người bị sét đánh chết do dông lốc từ ảnh hưởng của bão. Trận lốc xảy ra ở huyện Nam Trực vào tối 23/6 đã làm tốc mái 54 căn nhà. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi người bị sét đánh chết 4 triệu đồng.
Ở Nam Định, mưa xuất hiện từ tối 23/4 và kéo dài trong ngày 24/6 với lượng mưa phổ biến 120 mm. Riêng huyện Nam Trực mưa trên 200 mm.
Sau khi đổ bộ vào tối nay, bão suy yếu thành áp thấp và gây mưa lớn ở nhiều tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. |
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, chiều 24/6, bão Haima đã tiến sát ven biển các tỉnh Hải Phòng – Nam Định với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam với tốc độ 10-15km mỗi giờ, đi vào đất liền trong đêm nay và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sáng 25/6, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ với sức gió giảm xuống cấp 6, giật cấp 7. Sau đó, áp thấp tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tiến sang vùng Thượng Lào vào chiều 25/6.
Ảnh hưởng của bão khiến vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-10; biển động mạnh kèm có mưa rào, dông mạnh; trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Ninh Bình có gió mạnh từ cấp cấp 6 trở lên; nam đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5-7. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa từ mưa vừa tới rất to và rải rác có dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam ở khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7.
Đến 13h ngày 24/6, lượng mưa đo được ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 50-100mm, môt số nơi cao hơn như: Phủ Liễn (Hải Phòng), Cúc Phương (Ninh Bình) trên 130 mm; trung tâm Hà Nội: 120 mm, Yên Định (Thanh Hóa) 140 mm; Bái Thượng (Thanh Hóa): 160 mm… Ở đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Cô Tô (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; ven biển Quảng Ninh-Thái Bình cấp 5-6, giật cấp 7-8.
Tại Nghệ An, 3 tàu cá bị đánh chìm do chiều tối 23/6, một người hiện vẫn mất tích.
Lê Thanh – Nguyễn Hưng
Theo VNE
Bình luận (0)