Hiện VN có khoảng 10% người lao động sức khỏe loại 4, 5 (sức khỏe yếu).
Đó là thông tin do Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết ngày 12-11, trong dịp trình Quốc hội dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Chỉ tính riêng khu vực có quan hệ lao động thì tai nạn lao động làm chết mỗi năm trung bình 700 người.
Ảnh minh họa TT.
“Trong giai đoạn 2006 – 2013, chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, số người chết do tai nạn lao động là trên 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm), trên 40.000 người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.
Tính đến cuối năm 2013, số người được hưởng trợ cấp hằng tháng từ cơ quan bảo hiểm xã hội do bị tai nạn lao động là trên 37.000 người” – Bộ trưởng Chuyền cho biết.
Theo bà, “việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định chỉ để đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước”.
Chính vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng khi xây dựng luật này là “chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường cải thiện điều kiện lao động”.
Chiều cùng ngày, thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành luật. Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) còn băn khoăn:
“Lần này luật giao cho cấp xã thống kê về tai nạn lao động. Tôi rất băn khoăn, bởi người ta đi lao động ở nơi khác, khi có tai nạn chết người hoặc tàn tật mới đưa về địa phương.
Trên thực tế tai nạn lao động xảy ra rất nhiều nhưng tôi chưa thấy xử lý vụ nào cả, phần lớn khi lao động chết người thì chủ sử dụng lao động hỗ trợ gia đình nạn nhân một ít tiền là xong”.
Bà đề nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm vào dự thảo luật, đồng thời quy định doanh nghiệp có số lượng lao động đến mức nào đó thì buộc phải có cán bộ chuyên trách về an toàn vệ sinh lao động.
LÊ KIÊN (TTO)
Bình luận (0)