Năm 2016 khép lại với nhiều sự kiện giáo dục nổi bật. Báo Giáo dục TP.HCM xin liệt kê các sự kiện này…
1. Đạt nhiều huy chương tại các kỳ thi quốc tế
Năm 2016 là năm đầu tiên tất cả các đoàn HS tham dự kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực đều có HS đạt HCV, đặc biệt là HCV môn sinh học sau 15 năm chờ đợi mới đạt được. Đây cũng là năm Việt Nam tổ chức thành công kỳ thi Olympic quốc tế sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 HS đến từ 68 quốc gia và lãnh thổ. Theo đó, Việt Nam có 36/37 HS đoạt giải khi tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực với 9 HCV, 14 HCB, 11 HCĐ và 2 bằng khen. Những ngày cuối của năm 2016, chúng ta đón nhận thêm một tin vui là kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.
2. Xây dựng, triển khai nhiều đề án
Năm 2016 là năm Bộ GD-ĐT xây dựng, triển khai nhiều đề án như: Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (GD) đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2008-2020”… Đó là những đề án cụ thể hóa 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản mà ngành GD-ĐT triển khai trong năm học này và những năm tiếp theo.
3. Phê duyệt khung cơ cấu hệ thống GD quốc dân
Tháng 11-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phê duyệt khung cơ cấu GD quốc dân. Khung cơ cấu GD quốc dân mới được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và phương thức GD-ĐT; đẩy mạnh phân luồng THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT; tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới cơ sở GD. Đặc biệt, theo khung cơ cấu này, thời gian đào tạo ĐH rút ngắn từ 4-6 năm xuống còn 3-5 năm, thời gian đào tạo CĐ 3 năm được thay thành 2-3 năm.
4. Chuyển giao trường CĐ, TCCN về Bộ LĐ,TB&XH
Cũng trong tháng 11-2016, Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về GD của 201 trường CĐ và 303 trường TCCN về Bộ LĐ,TB&XH. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định giao Bộ LĐ,TB&XH quản lý Nhà nước về GD nghề nghiệp, trừ các trường đào tạo ngành sư phạm. Theo đó, toàn bộ các trường CĐ, TCCN và hệ đào tạo CĐ, TCCN tại các cơ sở thuộc Bộ GD-ĐT sẽ chuyển về Bộ LĐ,TB&XH quản lý.
5. Thi THPT quốc gia 2017: Trừ môn văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm
Đầu tháng 9, Bộ GD-ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó, thay vì 8 môn như năm 2016, thí sinh sẽ thi 5 bài gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trừ ngữ văn thi tự luận, 4 bài thi còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh cùng phòng có mã đề thi riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.
6. Thi THPT quốc gia 2016 nhận được sự đồng thuận của xã hội
Năm 2016, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ 1 đến 4-7 với gần 900.000 thí sinh dự thi. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm nay cơ bản đã khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội.
7. Ban hành Thông tư 22 về đánh giá HS tiểu học
Cuối tháng 9, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 22 về đánh giá HS tiểu học trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 đã góp phần giảm áp lực, tạo khí thế mới cho giáo viên và HS tiểu học. Thông tư 22 quy định việc đánh giá định kỳ đối với từng môn học, hoạt động GD được lượng hóa thành ba mức: hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành. Theo Bộ GD-ĐT, việc quy định 3 mức này nhằm xác định rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của HS so với chuẩn kiến thức, kỹ năng để động viên HS phấn đấu học tập. Đồng thời, giúp giáo viên và HS cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp dạy học, giúp phụ huynh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình…
8. Dừng triển khai đại trà mô hình VNEN
Mô hình trường học mới đã được triển khai ở Việt Nam từ đầu năm 2013 với hơn 2.400 trường tiểu học áp dụng. Tuy nhiên, đến đầu năm học 2016-2017 một số địa phương dừng triển khai đại trà mô hình này. Bộ GD-ĐT đánh giá 3 năm thực hiện mô hình có nhiều điểm tích cực, tạo môi trường GD thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; HS tích cực, tự lực, tự quản trong giờ học… Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đã rút kinh nghiệm trong việc áp dụng mô hình này, thừa nhận việc áp dụng VNEN chưa thật sự phù hợp với điều kiện ở một số địa phương.
9. Chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4-5, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ. Tiếp đó, ngày 20-5, Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản đến các cơ sở đào tạo tiến sĩ, yêu cầu rà soát điều kiện đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ tại cơ sở về số lượng và chất lượng giáo viên; cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện và học liệu…; Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng tuyển sinh từ tháng 6-2016 đối với các ngành không còn đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định hiện hành.
10. TP.HCM biên soạn SGK mới
Căn cứ các cơ sở pháp lý quan trọng, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn số 1744/BGDĐT-VP cho phép Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Nhà xuất bản GD Việt Nam biên soạn bộ SGK theo khung chương trình mới. Bộ SGK mới đang được TP.HCM khẩn trương thực hiện nhưng hết sức thận trọng để xây dựng, thử nghiệm ở quy mô hẹp từ năm học 2016-2017, dự kiến tiếp tục mở rộng hơn từ năm học 2017-2018 và có thể sử dụng chính thức từ năm học 2018-2019.
Minh Châu (tổng hợp)
Bình luận (0)