Hội nhậpThế giới 24h

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2008

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2008 kết thúc với rất nhiều biến động: Mỹ có Tổng thống da màu đầu tiên, giá dầu tăng kỷ lục, động đất ở Trung Quốc làm hàng chục nghìn người thiệt mạng…

1/ Mỹ có Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử 

Obama là Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.

Với chiến thắng của ông Barack Obama, nước Mỹ lần đầu tiên có một Tổng thống da màu. Không chỉ vậy, với phương châm Thay đổi, ông dự định đem lại nhiều nguồn sinh khí mới cho nước Mỹ, từ các vấn đề đối nội, đối ngoại, kinh tế tới an ninh và quân sự.

Cụ thể, ông ủng hộ phạt các công ty chuyển việc làm ra nước ngoài, thực hiện bảo hiểm y tế phổ thông, coi trọng các vấn đề lao động và môi trường thương mại. Ông kêu gọi chấm dứt cuộc chiến Iraq, thúc đẩy an ninh Israel, thông qua ngoại giao và đàm phán giải quyết các mối đe dọa khu vực ở Iran, Iraq, Syria, al Qeada, Hamas và Hezbollah, xung đột Israel – Palestine… Về đối ngoại, Tổng thống thứ Mỹ thứ 44 khá ôn hoà khi ông ủng hộ phương thức đàm phán và các hoạt động ngoại giao nhằm giải quyết sự khác biệt về quan điểm của Mỹ với các nước trên thế giới.  Rõ ràng, cả thế giới đang đợi sự Thay đổi lớn của Mỹ.

2/ Khủng hoảng kinh tế lan rộng ra toàn cầu

Hàng nghìn  người mất việc làm vì khủng hoảng kinh tế.

Cuộc khủng hoảng này bắt đầu bằng hoạt động cho vay thế chấp dễ dàng và thiếu kiểm soát ở Mỹ, khiến nhiều người có tiền mua nhà, xe cộ, đầu tư… Tuy nhiên, khi giá nhà đất Mỹ đạt đỉnh và bắt đầu sụt giảm, làm tăng các vụ vỡ nợ, kéo theo sự sụt giảm mạnh mẽ giá trị của các loại chứng khoán.

Kinh tế Mỹ chấn động, truyền "dư chấn" sang châu Âu và châu Á khiến cả thế giới hoảng sợ. Các thị trường đua nhau sụt giảm, các ngân hàng liên tục đóng băng các khoản tín dụng.  

Hãng tài chính Bloomberg thống kê rằng, tới nay, các tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới cắt giảm trên 200.000 việc làm và thâm hụt hơn 1.000 tỷ USD.

3/ Nga – Gruzia xung đột trong năm ngày

Nga phải đưa quân vào Nam Ossetia để bảo vệ người mang quốc tịch Nga tại đây.

Đêm 7/8, Gruzia bất ngờ tấn công Nam Ossetia. Lập tức, Nga đưa quân vào khu vực ly khai này với lý do bảo vệ người mang quốc tịch Nga và đẩy lùi quân Gruzia. Sau đó, Moscow công nhận quy chế độc lập của Nam Ossetia, đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Gruzia. 

Cuộc xung đột này còn làm khu vực và quan hệ Nga – phương Tây "nóng lên". Quan hệ giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga bị cắt đứt và đang trong quá trình bình thường hóa. Trong khi đó, quan điểm Nga và Mỹ về cuộc xung đột này vẫn còn nhiều khác biệt, tạo thêm khó khăn cho quan hệ Nga – phương Tây.

4/ Dmitry Medvedev tiếp tục chính sách của Vladimir Putin

Ông Medeved sẽ chèo lái nước Nga theo hướng mà ông Putin đã chọn lựa.

Ngày 7/5 Tổng thống Vladimia Putin chính thức mãn nhiệm, chuyển giao chức Tổng thống Nga cho ông Dmitry Medvedev. Việc này đặt cơ sở để Nga có thể tiếp tục các định hướng, chương trình mà ông Putin đã định ra trong 8 năm cầm quyền 2000 – 2008. Không chỉ vậy, việc ông Medeved có tư tưởng giống ông Putin sẽ giúp nước Nga ổn định hơn chứ không bị xáo động như thời kỳ sau khi Liên Xô sụp đổ.

5/ Thế vận hội Olympic Bắc Kinh lập nhiều kỷ lục 

Olympic Bắc Kinh đã thành công rực rỡ.

Người Trung Quốc đã thực hiện lời hứa của mình khi tổ chức kỳ Olympic thành công nhất trong lịch sử. Olympic Bắc Kinh 2008 thực sự trở thành ngày hội không thể nào quên đối với các vận động viên, huấn luyện viên cho đến người hâm mộ.

Bắc Kinh 2008 còn chứng kiến nhiều kỷ lục mới mà các vận động viên thành công trong nỗ lực vượt qua những giới hạn tưởng chừng khó có thể vươn tới. 133 kỷ lục Olympic, trong đó có 43 kỷ lục thế giới, là những con số chưa từng có tại bất kỳ Olympic hiện đại nào.

6/ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân

Tháp làm lạnh Yongbyon bị phá hủy. 

Tháp cao gần 20 m ở trung tâm nguyên tử Yongbyon bị phá hủy hôm 27/6 bởi chính CHDCND Triều Tiên. Đây được coi là hành động chứng tỏ việc từ bỏ tham vọng hạt nhân của nước này sau hàng chục năm theo đuổi.

Việc phá hủy tháp làm lạnh là “món quà” của CHDCND Triều Tiên dành cho Mỹ, sau khi nước này tuyên bố sẽ đưa họ ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Đồng thời, CHDCND Triều Tiên thúc giục Mỹ từ bỏ hoàn toàn “chính sách thù địch”, khẳng định đó là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, CHDCND Triều Tiên trao cho Trung Quốc tài liệu cung cấp thông tin về các cơ sở hạt nhân, chi tiết về các hoạt động làm giàu plutonium, đặc biệt về số lượng plutonium.

7/ Cướp biển Somali ngày càng lộng hành

Theo thống kê của hãng thông tấn New York Times, cướp biển ngày một lộng hành. Từ đầu năm đã có 25 tàu bị cướp và 14 tàu hiện vẫn nằm trong tay bọn cướp biển chỉ riêng ở vùng biển Somali. Thậm chí, tàu chở xe tăng T-72 cũng không phải ngoại lệ. 

>

Một nhóm cướp biển Somali.

Phóng viên Daniel Engber của New York Times cho rằng: “Thời kỳ vàng son của cướp biển” đã kết thúc từ năm 1730 khi hải quân nhiều quốc gia ngày càng lớn mạnh và các con tàu thương mại lớn hơn, nhanh hơn và hiện đại hơn. Tuy nhiên, từ đầu những năm 90 trở lại đây, các vụ tấn công cướp biển ngày càng trở nên phổ biến và bạo lực hơn. Thế giới đang trải qua giai đoạn cướp biển phục hưng.

8/ Hiệp ước Lisbon đổ vỡ

Người Ireland bác bỏ Hiệp ước Lisbon.

Tháng 6, người Ireland bác bỏ Hiệp ước Lisbon, khiến cộng đồng này không thể mở rộng hơn, thậm chí còn có nguy cơ bị sụp đổ. Tuy nhiên, các thành viên EU tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hiệp định này. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: ’’EU cần Hiệp ước Lisbon để mọi thành viên trong khối hành động thống nhất và giúp mở rộng liên minh trong tương lai’’.

9/ Giá dầu tăng cao kỷ lục

Thế giới chịu tác động sâu sắc của sự lên, xuống giá dầu.

Sau nhiều năm ổn định, giá dầu năm 2008 đạt kỷ lục khi tăng lên mức 147 USD một thùng vào giữa tháng 7. Việc này khiến hàng loạt nền kinh tế bị ảnh hưởng. Nhiều nước, công ty phải chuyển sang khai thác, nghiên cứu và sử dụng các loại năng lượng khác.

Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng khiến nhu cầu "vàng đen" tụt nhanh chóng. Tới cuối năm, giá nhiên liệu này xuống còn 39 USD.

10/ Động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc khiến 80.000 người thiệt mạng

Trận động đất làm Trung Quốc mất hàng chục nghìn người.

Động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc làm chết hơn 80.000 người, gần 400.000 người bị thương, 18.000 người mất tích, 8 triệu ngôi nhà bị sập và hơn 24 triệu căn khác bị hư hại. Đồng thời, nó ảnh hưởng hơn 46 triệu người trên khu vực rộng 440.000 km2. Một số nơi gần như bị san phẳng hoàn toàn, 16 tuyến giao thông đường bộ và 6 tuyến đường sắt chính bị cắt đứt. Ước tính thiệt hại trên 20 tỷ USD.

Vũ Lan (baodatviet)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)