Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

10 sự kiện y tế nổi bật năm 2011

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2011 khép lại với nhiều thành tựu lẫn “tai tiếng” trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. Báo Sài Gòn Giải Phóng chọn 10 sự kiện y tế đáng chú ý trong năm 2011.

1. Dịch bệnh tay chân miệng lan rộng
Từ năm 2003, dịch bệnh tay chân miệng được liệt vào danh sách những bệnh dịch nguy hiểm. Tuy nhiên, năm 2011, dịch bệnh này lên đến đỉnh điểm với hơn 90.000 trẻ em mắc bệnh ở 63 tỉnh thành, khiến 153 trẻ em tử vong. Trong đó, TPHCM là địa phương dẫn đầu về ca mắc với gần 11.500 ca và 29 ca tử vong.

Điều đáng nói ngay từ tháng 5 và 6-2011 dù dịch bùng phát dữ dội nhưng nhiều địa phương vẫn chần chừ công bố dịch và mãi đến tháng 11-2011, tỉnh Ninh Thuận mới dũng cảm lên tiếng công bố dịch do không thể kiểm soát được.

Sự nguy hiểm của dịch bệnh tay chân miệng đã khiến Chính phủ phải vào cuộc khi ngày 20-11, đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo chính quyền và y tế các tỉnh phía Nam và miền Trung-Tây Nguyên quyết liệt ngăn chặn bệnh dịch.

 

 

Điều trị bệnh nhân mắc dịch bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Tg. LÂM

2. Ghép van tim tự thân thành công
Đó là thành tựu y học đáng kể của giới y học Việt Nam năm 2011 khi BV Bạch Mai (Hà Nội) đã lấy van động mạch phổi của chính bệnh nhân ghép vào đường ra tâm thất trái ở tim. Thay vì ghép van tim nhân tạo, các bác sĩ đã vận dụng kỹ thuật ghép tự thân chữa trị dị tật tim bẩm sinh nhằm tránh đào thải và sống cùng cơ thể bệnh nhân.

Các chuyên gia đánh giá đây là một kỹ thuật khó cho cả nền y học thế giới nhưng Việt Nam đã thực hiện thành công, mở ra cơ hội cho nhiều người bị bệnh tim và giảm chi phí điều trị rất lớn. Hiện đã có 5 bệnh nhân được mổ ghép van tim tự thân thành công.

3. Lần đầu tiên mổ đẻ trực tuyến cho Trường Sa

Cả hội trường im lặng, chờ đợi rồi vỗ tay reo mừng khi tiếng khóc oe oe phát ra từ đầu cầu truyền hình bên kia. Một không gian tràn ngập niềm hạnh phúc. Đó là ghi nhận từ buổi truyền hình trực tuyến ca mổ đẻ lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn ngày 4-4 dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn từ xa của hội đồng y khoa BV Quân y 175-Bộ Quốc phòng.

Đứa trẻ được sinh ra nhờ công nghệ y học và thông tin hiện đại ấy là con của sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy và anh Nguyễn Tấn Thi (39 tuổi, quê Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), cư dân trên đảo. Sự kiện này mở ra một chương mới về công tác chăm sóc, khám, điều trị bệnh cho người dân, quân nhân và cả ngư dân ở đảo Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, biên cương của Tổ quốc.

 

Niềm vui của các bác sĩ phẫu thuật và ông Nguyễn Hữu Lục -chỉ huy đảo Trường Sa Lớn khi đón chào công dân mới.

4. Bộ trưởng Bộ Y tế mới và những chuyến thị sát
Chính thức nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế, kể từ ngày 3-8 khi được Quốc hội phê chuẩn, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến được chú ý khi gánh vác một lĩnh vực dân sinh quan trọng và phức tạp. Trong đó, những bức xúc của người dân về khám chữa bệnh, quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm… mà nhiều năm qua được coi là những “nhiệm vụ bất khả thi”.

Bộ trưởng Bộ Y tế mới bước đầu tạo được niềm hy vọng cho người dân khi liên tục trong tháng 10 và 11-2011 đi thị sát tình hình quá tải bệnh viện ở phía Nam lẫn phía Bắc, thị sát công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa chất phụ gia tại chợ Kim Biên, quận 5, TPHCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (bìa phải) khảo sát tình trạng quá tải tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Ảnh: Tg. LÂM

 
5. Lùm xùm ngành dược
Quả là xôn xao khi năm 2011 ngành dược Việt Nam xảy ra nhiều chuyện không vui. Điển hình là vụ 8 công ty dược phía Nam gửi đơn tố cáo việc cấp phép nhập khẩu tiền chất ma túy Pseudopherine và sản xuất thuốc chứa tiền chất ma túy này tăng đột biến, mua bán không rõ ràng liên quan đến lãnh đạo Cục Quản lý dược – Bộ Y tế.

Chuyện tố cáo đang được các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thì dư luận bất ngờ bởi Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang lại bị “tố” tiếp chuyện vay mượn tiền doanh nghiệp dược và sử dụng bằng tiến sĩ “dỏm”… Tiếp đến là mới đây, một số công ty dược bị cơ quan an ninh khởi tố do liên quan đến mua bán, sản xuất tiền chất ma túy, trong đó có cả công ty đứng tên tố cáo lãnh đạo Cục Quản lý dược.

6. Hàng loạt vụ bác sĩ bị tấn công

Chưa năm nào như năm 2011 nhiều y bác sĩ “gặp hạn” khi bị người nhà bệnh nhân hành hung hoặc chí ít cũng bị “tai bay vạ gió” do người nhà bệnh nhân hoặc người ngoài vào bệnh viện… thanh toán. Vụ việc lùm xùm được ghi nhận xảy ra cuối tháng 6-2011 khi những người quá khích là thân nhân của bệnh nhân Dương Thị Thu Hiền (17 tuổi) xông vào BV Năm Căn, tỉnh Cà Mau đập phá vì cho rằng người thân mình chết oan do bệnh viện tắc trách.

Sự việc nghiêm trọng đến mức Công an huyện Năm Căn đã khởi tố tới gần 30 người liên quan vụ việc đập phá bệnh viện, nhà riêng bác sĩ. Cũng không kém phần “hình sự” xảy ra tại BV Đa khoa Móng Cái-Quảng Ninh hồi tháng 8-2011 khi một nhóm côn đồ xông vào đập phá bệnh viện và hành hung bác sĩ liên quan đến bệnh nhân Tiến (ngụ Quảng Ninh) tử vong do tai nạn giao thông ở đây…

7. Chất tạo đục DEHP và nỗi lo hóa chất trong thực phẩm

Hóa chất tạo đục độc hại (DEHP) đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện đầu tháng 6-11 thêm một lần nữa báo động sự nguy hiểm của phụ gia, hóa chất trong thực phẩm. Công ty New Choice Foods (địa chỉ Khu công nghiệp VN – Singapore 2, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là doanh nghiệp đầu tiên bị phát hiện sử dụng hóa chất độc hại trên trong sản phẩm thạch rau câu. Và sau đó là hàng loạt sản phẩm khác như nước ép trái cây, kẹo và cả mì tôm cũng được phát hiện có DEHP.

Có thể nói, từ 5 năm trở lại đây, những sự cố hóa chất gây ung thư có trong thực phẩm năm nào cũng được phát hiện. Và không biết sẽ còn những hóa chất độc hại nào nữa sẽ bị phát hiện trong hàng trăm hóa chất lẫn lộn trong thực phẩm mà người dân sử dụng mỗi ngày!

8. Xuất hiện nhiều ca bệnh lạ

Bệnh lạ bắt đầu xuất hiện từ khi bệnh nhân “chân voi” Nguyễn Văn Hải (ngụ Lâm Đồng mang khối u nặng hơn 80kg ở chân) được BV Đa khoa Hoàn Mỹ TPHCM nhận khám và điều trị miễn phí. Và dù đã trải qua mấy cuộc hội chẩn tại BV Ung bướu TPHCM với sự tham gia của cả chuyên gia đến từ Mỹ nhưng “chân voi” của anh Hải vẫn hoàn “chân voi” chưa được phẫu thuật do nguy cơ gây tử vong cao.

Tiếp đó là những vụ “cô gái biến thành bà lão” như trường hợp chị Nguyễn Thị Phượng (ngụ Bến Tre) mới 26 tuổi nhưng già như bà lão 80. Mặc dù đã được BV Đại học Y Dược TPHCM nhận điều trị nhưng sự lão hóa của chị Phượng giảm đi không đáng kể. Cùng hoàn cảnh là trường hợp chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (27 tuổi, ngụ Quảng Nam) nhưng các bác sĩ đành bó tay vì căn bệnh lão hóa hiếm có của chị…

Một số căn bệnh lạ được dư luận quan tâm trong năm 2011 nữa là trường hợp bé trai tên Hoàng (ngụ Quảng Bình) mọc đầy lông ở lưng như người sói, hay người phụ nữ có hàng ngàn mụn thịt Thạch Thị Sa Ly ở Sóc Trăng…

9. Trẻ sơ sinh bị bắt cóc hy hữu tại bệnh viện

Đó là đứa trẻ 2 ngày tuổi của sản phụ Nguyễn Thị Thơm bị bắt cóc ngay tại BV Phụ sản Trung ương hồi tháng 11-2011. Sự việc này làm náo loạn cả Khoa Sản 2 – Bệnh viện Phụ sản Trung ương khi hàng chục người nhà gia đình sản phụ tụ tập làm ầm ĩ, bày tỏ thái độ bức xúc. Một phụ nữ đã giả dạng nữ hộ sinh trà trộn vào tận bệnh viện bắt đi đứa trẻ mà không ai hay biết.

Qua sự việc này, cả ngành y tế, từ bộ cho đến sở và các bệnh viện mới giật mình vì lâu nay vấn đề an ninh bệnh viện gần như quá sơ sài, nhất là tại các bệnh viện phụ sản. Tuy đứa trẻ sau đó được tìm thấy nhưng cũng là hồi chuông đánh động cho sự vô trách nhiệm, thiếu chu toàn ở một số bệnh viện hiện nay.

10. Nói “không” với phong bì

Dù thuộc về phạm trù y đức nhưng thực sự đã trở thành vấn đề bức xúc xã hội – tình trạng bác sĩ nhận phong bì để thiên vị cho người bệnh. Và dù đã tồn tại từ bao nhiêu năm nay như một cái lệ đối với nhiều cơ sở y tế, với bác sĩ, nhưng lần đầu tiên đã có 5 bệnh viện đứng lên cam kết dẹp bỏ cái lệ này, trả lại sự trong sáng cho y đức. Đó là các bệnh viện lớn ở Hà Nội: Việt Đức, Bạch Mai, Viện K, Viện E và Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Các bệnh viện này sẽ có chung “Quy tắc ứng xử nâng cao y đức trong bệnh viện”, trong đó có cam kết “cán bộ, nhân viên y tế nói không với phong bì”. Liệu với quy tắc trên có được tuân thủ để “lương y như từ mẫu”?! 

Theo SGGP

Bình luận (0)