Tòa soạnHoạt động tòa soạn

10 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo GV cao đẳng, trung cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Bộ GD-ĐT, việc ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp nhằm giúp các trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và giải trình với các cơ quan chức năng, xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo của từng chương trình cụ thể.

Bộ GD-ĐT đang dự thảo thông tư quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp. Dự thảo đề xuất 10 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp như sau:

Tiêu chuẩn 1. Mục tiêu và chuẩn đầu ra: Mục tiêu của chương trình đào tạo được xác định rõ ràng, phù hợp với sứ mạng và mục tiêu của trường, phù hợp với mục tiêu giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đáp ứng mục tiêu đào tạo của nhóm ngành đào tạo giáo viên theo quy định.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được xác định rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của khung trình độ quốc gia Việt Nam, yêu cầu đào tạo giáo viên, phù hợp với yêu cầu đổi mới của giáo dục Việt Nam.

Tiêu chuẩn 2. Bản mô tả chương trình đào tạo: Bản mô tả chương trình đào tạo đầy đủ thông tin và cập nhật; đề cương các môn học/học phần đầy đủ thông tin và cập nhật; bản mô tả chương trình đào tạo và đề cương các môn học/học phần được công bố công khai và các bên liên quan dễ dàng tiếp cận.

Tiêu chuẩn 3. Cấu trúc và nội dung chương trình dạy học: Chương trình dạy học được thiết kế dựa trên chuẩn đầu ra. Đóng góp của mỗi học phần trong việc đạt được chuẩn đầu ra là rõ ràng. Chương trình dạy học có cấu trúc, trình tự logic; nội dung cập nhật và có tính tích hợp.

Tiêu chuẩn 4. Phương pháp tiếp cận trong dạy và học: Triết lý giáo dục hoặc mục tiêu giáo dục được tuyên bố rõ ràng và được phổ biến tới các bên liên quan. Các hoạt động dạy và học thúc đẩy việc rèn luyện kỹ năng chung và kỹ năng sư phạm, nâng cao khả năng học tập suốt đời của người học.

Tiêu chuẩn 5. Tuyển sinh và hỗ trợ người học: Quy trình tuyển sinh cho chương trình đào tạo được thông báo công khai, được thực hiện công bằng và minh bạch. Có các hoạt động hỗ trợ và tư vấn cho người học; áp dụng các quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với người học là đối tượng ưu tiên.

Tiêu chuẩn 6. Đánh giá và công nhận kết quả học tập: Kết quả đánh giá được thông báo kịp thời để người học cải thiện việc học tập. Người học tiếp cận dễ dàng với quy trình giải quyết khiếu nại về kết quả học tập.

Tiêu chuẩn 7. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên và nhân viên: Đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý. Đội ngũ giảng viên, giáo viên có phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu về số lượng và cơ cấu chuyên môn.

Tiêu chuẩn 8. Cơ sở vật chất và trang thiết bị: Hệ thống thư viện, học liệu đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Hệ thống phòng chức năng, phòng học, phòng làm việc, phòng thí nghiệm, phòng thực hành đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo.

Tiêu chuẩn 9. Đảm bảo và nâng cao chất lượng: Hoạt động kiến tập sư phạm và thực tập sư phạm được tổng kết, đánh giá và được cải tiến để đạt được hiệu quả. Quá trình dạy và học, việc đánh giá kết quả học tập của người học được rà soát và đánh giá thường xuyên để đảm bảo sự tương thích và phù hợp với chuẩn đầu ra.

Tiêu chuẩn 10. Kết quả đầu ra: Tỉ lệ thôi học, tốt nghiệp được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng. Tỉ lệ có việc làm sau tốt nghiệp được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng.

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này.

K.L

 

Bình luận (0)