Bà Susan Gunelius – Ảnh: corporate-eye.com |
Nền kinh tế toàn cầu suy thoái, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, các công ty sụp đổ, nhiều người mất nhà cửa… năm 2008 đã khiến người tiêu dùng hoảng sợ.
Theo bà Susan Gunelius – chủ tịch Công ty quảng cáo KeySplash Creative từng làm quảng cáo và marketing cho những tập đoàn lớn nhất thế giới, khi người tiêu dùng thiếu sự lạc quan thì các thông điệp quảng cáo cần phải chân thật để xây dựng lại niềm tin. Do đó, bà Gunelius đưa ra 10 từ mà các nhân viên viết quảng cáo cần tránh trong năm 2009 để giành lấy niềm tin của khách hàng.
1. Miễn phí: các thư điện tử quảng cáo đưa ra những sản phẩm và dịch vụ miễn phí có thể đạt hiệu quả cao trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhưng người tiêu dùng cần kiểm chứng chất lượng sản phẩm. Các hệ thống lọc thư điện tử rác thường tấn công thẳng vào những thư có chữ “miễn phí”, sẵn sàng tống các thư này vào mục “thư rác” trong hộp thư điện tử của khách hàng. Khi nền kinh tế khó khăn, bạn không thể liều để cho email của mình không đến được với người tiêu dùng.
2. Bảo hành: thời buổi này chẳng mấy ai tin vào bảo hành. Trừ khi bạn chứng minh được dịch vụ bảo hành của bạn là thật, hãy sử dụng không gian quý giá trong thư quảng cáo cho những thông điệp hiệu quả hơn, có thể khiến người tiêu dùng tin tưởng hơn.
3. Thật sự: từ “thật sự” chẳng giúp gì cho lá thư của bạn. Ngược lại, nó làm mất thời gian của người tiêu dùng và họ có thể sẽ không đọc hết lá thư. Đừng liều mà đánh mất khách hàng với việc sử dụng những từ ngữ vô nghĩa. Hãy đảm bảo mọi từ ngữ trong thư quảng cáo của bạn có mục đích.
Biển quảng cáo nhà đất tại bang |
4. Rất: liệu một thông điệp có trở nên hấp dẫn hơn với chữ “rất”? Liệu “Khi quý khách cần hoa rất tươi, hãy gọi cửa hàng hoa ABC” có hiệu quả hơn “Khi quý khách cần hoa tươi, hãy gọi cửa hàng hoa ABC”? Nếu bạn trả lời là có thì hãy đọc lại mục 3.
5. Đó: sau khi viết xong thư quảng cáo, hãy đọc lại và đánh dấu những chỗ bạn sử dụng chữ “đó”. Thực tế là bạn có thể bỏ tới 90% số chữ “đó”, bởi “đó” là một từ khiến khách hàng mất thời gian. Hãy gửi cho khách hàng những lá thư một cách nhanh nhất có thể.
6. Rất nhiều: đừng sử dụng những từ như “rất nhiều”, bởi nó không nâng dịch vụ của bạn lên cao hơn so với đối thủ cạnh tranh. Thay vào đó hãy xác định số lượng lá thư của bạn. Nếu cửa hàng hoa của bạn cung cấp 20 loại hoa hồng, hãy nói con số 20. Nếu bạn trả lời cuộc gọi của mỗi khách hàng năm phút một lần, hãy đưa ra con số 5. Cách đó hiệu quả hơn là “Bạn có thể chọn từ rất nhiều loại giày ở hiệu giày Sally”. “Rất nhiều” có thể có nghĩa là nhiều thứ khác nhau. Đừng để khách hàng phải đoán. Hãy đảm bảo lá thư của bạn hoàn toàn dễ hiểu và không có chỗ cho sự lẫn lộn.
7. Cơ hội: bạn chẳng giúp được ai khi đưa ra những “cơ hội” trong lá thư quảng cáo của bạn. Người tiêu dùng không muốn cơ hội. Họ muốn cảm thấy lạc quan và tin tưởng khi chi những đồng tiền họ khó khăn lắm mới kiếm được. Họ muốn biết sẽ có được kết quả họ cần, chứ không phải là cơ hội có thể lấy được những kết quả đó. Đừng để họ phải tự hỏi liệu họ có thể có được những gì khi mở ví.
8. Được, bị: hãy viết thư quảng cáo ở thể chủ động chứ không phải bị động. Nếu những từ “được” và “bị” xuất hiện trong thư của bạn, hãy viết lại. Viết theo thể bị động không điều khiển được hành động.
9. Biệt ngữ: hãy bỏ những biệt ngữ ra khỏi thư quảng cáo của bạn. Trong thư quảng cáo không có chỗ cho những từ mà khách hàng cần tra từ điển để hiểu. Hãy viết sao cho thư của bạn đơn giản, dễ hiểu.
10. Khả năng uống: hãng rượu bia Budweiser đã sử dụng từ này trong quảng cáo của họ. Vấn đề ở đây là đừng sao chép lại ngôn từ của đối thủ. Trái lại, hãy tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của bạn với những từ ngữ và thông điệp mới lạ có thể hấp dẫn khách hàng.
Những từ bị cấm Hãng tin AP cho biết mới đây Đại học Lake Superior State (Michigan, Mỹ) đã công bố danh sách 15 từ bị “cấm” (theo nghĩa hài hước) vì sử dụng sai, sử dụng quá nhiều và vô dụng. Đứng đầu là “cứu trợ tài chính” (bailout), “người không tuân theo quy tắc” (maverick)… Ngoài ra trong danh sách còn có chữ “xanh” hoặc “xanh hóa”. Một người bỏ phiếu chống từ này viết: “Nếu tôi còn thấy thêm một tập đoàn tuyên bố là xanh (bảo vệ môi trường), tôi sẽ đốt lốp xe ở sân nhà”. |
HIẾU TRUNG (TTO)
Bình luận (0)