Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân tặng hoa cho các nhà giáo hoạt động qua các thời kỳ tại Trường Gia Long – Minh Khai. Ảnh: N.Anh
|
Với đời người, sống được 100 tuổi đã là một kỳ tích. Nhưng với một ngôi trường, 100 năm ấy lại là cột mốc khẳng định những truyền thống, thành tích rất đỗi tự hào. Và ngày hôm nay, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã tròn 100 tuổi…
Và, trong ngày đánh dấu cột mốc quan trọng ấy, ba thế hệ học sinh (HS) Áo Tím – Gia Long – Minh Khai đã có dịp hội ngộ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, truyền thống hào hùng khi cùng học chung tại ngôi trường đã tròn trăm tuổi. Năm tháng trôi qua, dấu vết thời gian đã in hằn trên từng gương mặt, nhưng ký ức về một thời duyên dáng trong những tà áo dài, cắp sách tới trường vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của các nữ sinh ngày nào.
Những thế hệ hào hùng
Trường Áo Tím ngày xưa. Ảnh: T.L
|
Khởi công vào ngày 6-11-1913, trường được chính quyền thực dân Pháp thành lập nhằm đào tạo một tầng lớp phụ nữ thượng lưu để sánh vai cùng các quan chức người Pháp. Lúc bấy giờ, trường có tên gọi là Trường Áo Tím do màu áo tím được chọn là màu đồng phục áo dài của nữ sinh. Sau 2 năm xây cất, trường được khánh thành và khai giảng niên khóa đầu tiên với 42 nữ sinh bao gồm nhiều cấp từ mẫu giáo đến tiểu học. Tháng 9-1922, trường chính thức khai giảng lớp đầu tiên của bậc trung học đệ nhất cấp với tên gọi mới là “Trường của những thiếu nữ bản xứ”. Tuy nhiên, cái tên này không được thông dụng bằng cái tên Trường Nữ sinh Áo Tím bởi áo dài tím – màu sắc của sự đằm thắm, dịu dàng, khiêm nhường đáng yêu – đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào riêng của các nữ sinh ngày ấy. Từ ngôi trường ấy, biết bao thế hệ nữ sinh Việt Nam giỏi giang, đoan trang, hiền thục đã ra trường, trở thành những người phụ nữ có tri thức văn hóa, hiểu biết xã hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết nước nhà. Vượt qua khuôn khổ khắt khe của một ngôi trường danh giá, bước chân của các nữ sinh Áo Tím thuở nào đã in hằn trên các nẻo đường của Tổ quốc với vai trò là những nhà giáo mẫu mực, những lương y từ mẫu, những nhà kiến trúc, kỹ sư tài năng…, cống hiến tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những cái tên như nhà giáo Nguyễn Thị Diệu, nhà báo Lê Đoan, dược sĩ Phạm Thị Yên, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH… mãi là niềm tự hào của những ai được trưởng thành từ ngôi trường trăm năm tuổi ấy.
Nữ sinh Áo Tím trong giờ học. Ảnh: T.L
|
Năm 1940, trường được đổi tên là College Gia Long, sau đó bỏ tiểu học thành lập trung học đệ nhị cấp và đổi thành Lycee Gia Long. Niên khóa 1950-1951 là một năm đáng ghi nhớ trong lịch sử khi cô Nguyễn Thị Châu, cựu HS Áo Tím được bổ nhiệm làm vị Hiệu trưởng Việt Nam đầu tiên của trường. Cũng từ sau sự kiện này, Ban giám hiệu, giáo viên, giám học, tổng giám thị của trường lần lượt được thay thế bằng người Việt Nam, chương trình tiếng Pháp cũng được thay thế bằng chương trình giáo dục tiếng Việt. Đây có thể coi là cột mốc quan trọng đánh dấu chủ quyền cho nền giáo dục Việt Nam tại miền Nam sau này. Cũng như thế hệ nữ sinh Áo Tím, nữ sinh Gia Long vẫn luôn tự hào về truyền thống và thành tích đạt được, trở thành nữ sinh Trường Gia Long là niềm mơ ước của biết bao thiếu nữ Sài Gòn thời ấy. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, những cô gái 18, đôi mươi đoan trang, hiền thục của Gia Long lại sẵn sàng lăn xả trong các phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ của HS, SV như bãi khóa cùng nam sinh Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, tổ chức lễ tang cho anh Trần Văn Ơn… Chẳng ai ngờ các thiếu nữ khuê các với những ngón tay thon chỉ quen cầm bút lại có thể băng rừng, lội suối, ngủ hầm, làm bất cứ việc gì kể cả cầm súng để bảo vệ quê hương. Những hoạt động cách mạng công khai, bán công khai đã làm cho tên tuổi của các nữ sinh yêu nước Trường Gia Long như Võ Thị Thắng (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch), Đoàn Lê Hương (nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), Lê Tú Cẩm… trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù.
Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, lịch sử của Trường Gia Long tiếp tục lật sang trang mới khi nền độc lập dân tộc được thiết lập. Trường được đổi tên là Trường cấp 2-3 Nguyễn Thị Minh Khai và bắt đầu thu nhận cả nam sinh lẫn nữ sinh vào học. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam (1978) bùng nổ, hàng trăm nam thanh nữ tú của Trường Minh Khai đã tình nguyện tham gia quân ngũ để bảo vệ đất nước. Trong số đó có nhiều người đã hy sinh anh dũng, để lại máu xương của mình nơi biên cương Tổ quốc cho nền hòa bình dân tộc hôm nay.
Vươn mình hội nhập cùng thế giới
HS Trường Nguyễn Thị Minh Khai tặng hoa chúc mừng thầy Lê Hồng Phong vừa đoạt giải Võ Trường Toản năm 2013. Ảnh: Q.Huy |
Tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về giáo dục. Những mô hình dạy học tích cực theo dự án như “Intel teach to the Future”, VVOB của Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng (vương quốc Bỉ), Dự án thực hành Microsoft… được triển khai đã thu hút tính tích cực, tư duy và chủ động trong học tập của HS.
Nhiều năm qua, cái tên THPT Nguyễn Thị Minh Khai vẫn là đích nhắm đến của hàng ngàn HS kết thúc bậc THCS. Ngoài việc đổi mới chương trình giáo dục, trường còn phát huy thế mạnh về giao lưu đối ngoại để liên kết với một số trường ở nước ngoài nhằm trao đổi văn hóa, học tập như Trường Trung học Saint Just (Pháp), Học viện APU (Nhật Bản), Viện Goethe (Đức). Ngoài ngoại ngữ chính được học là tiếng Anh, các chương trình học song ngữ tiếng Pháp (Fief), học ngoại ngữ 2 là tiếng Đức, học môn toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh vẫn luôn được nhà trường chú trọng và có định hướng phát triển lâu dài để HS phát huy tối đa ưu thế của mình. Nhiều HS đã tự khẳng định tài năng và bản lĩnh của mình qua các vòng tuyển chọn HS trung học thành phố để trở thành những thành viên trẻ trên con tàu hữu nghị Đông Nam Á hay trong các chuyến tham quan quốc tế do Thành đoàn tổ chức.
100 năm đã qua. Áo Tím – Gia Long – Minh Khai vẫn giữ nguyên nét đẹp cổ kính, thơ mộng như ngày nào. Vẫn dưới mái trường ngói đỏ, tường vôi vàng, thâm nghiêm, cổ kính theo lối kiến trúc cổ điển, các thế hệ HS Trường Minh Khai sẽ lại kế thừa và phát huy thành quả, truyền thống của các thế hệ đi trước, vươn mình khẳng định vị thế trên tầm cao mới.
Linh Vy
Bình luận (0)