Những người đến Nga du lịch hẳn ít có điều kiện tìm hiểu đầy đủ về đất nước rộng lớn và có quá nhiều điều đáng nói này. Chúng ta có thể nhìn bằng góc của một du khách, những gì thấy được trên đường phố cũng ít nhiều phản ánh một nước Nga thanh bình và xinh đẹp…
Một cựu binh Liên Xô ngực đeo đầy huy chương vừa chơi phong cầm vừa làm mẫu cho các họa sĩ vẽ ở phố cổ Arabat, thủ đô Moskva |
1. Từ sân bay quốc tế Domodedovo thuộc tỉnh Moscow, để về thủ đô Moscow cách đó 42km, phải đi những cánh rừng bạch dương và thông, trên các con đường cao tốc nhưng gần như lúc nào cũng đông xe. Ấn tượng đầu tiên về đường xá ở Nga là xe rất nhiều; có những đoạn kẹt xe, phải nhích từng chút một, nhưng hầu hết đều đi trong trật tự, không xảy ra hỗn loạn; cảnh kẹt xe diễn ra khá thường xuyên với hàng dài ô tô nối đuôi nhau, dẫu nhiều đường phố có 6 đến 8 làn xe. Ở Nga giờ bắt đầu làm việc và giờ kết thúc thường muộn hơn ở Việt Nam khoảng 2 tiếng nên giờ cao điểm thường rơi vào khoảng 8-9g sáng và 18-19g chiều. Riêng các ngày cuối tuần, chiều thứ sáu thì dòng xe đổ ra ngoại ô và các tỉnh lân cận Moscow nhiều hơn hẳn, đến chiều chủ nhật thì ngược lại…
Ở Nga, phương tiện giao thông chủ yếu là tàu điện (có cả tàu bánh sắt và bánh hơi), tàu điện ngầm (metro), xe buýt, taxi, ô tô con, xe đạp. Xe điện và xe buýt chạy rất nhiều, các chuyến nối nhau liên tục, dù có khi rất thưa khách. Có rất ít mô tô nên không có làn đường riêng mà chạy xen trong các làn ô tô. Còn lại, với những quãng ngắn, người ta đều đi bộ.
2. Người Nga rất chuộng đi bộ. Những thanh niên, thiếu nữ Nga vừa đi vừa bấm điện thoại mà vẫn hết sức nhanh nhẹn. Có những phụ nữ đứng tuổi, người phốp pháp, dáng tỏ ra nặng nề nhưng vẫn đi thoăn thoắt… Trên các tuyến phố, lề đường thông thoáng, khí hậu mát mẻ – mùa hè tại Moscow nhiệt độ thường từ 15-18oC – nên người ta đi bộ rất thuận tiện.
Các đường phố của Nga phần nhiều đông đúc nhưng xanh, sạch, đẹp. Đường phố có khá nhiều hoa và cây xanh. Ngoài bạch dương, còn có lá phong, cây lipa, sồi…, hoa thì tử đinh hương khá phổ biến, cả màu tím, trắng và hồng.
Trên những con phố lát đá hay trải nhựa, gần như không thấy rác, dù có rất ít thùng rác. Người ta luôn chịu khó cầm cái vỏ kẹo, chai nước uống xong, đầu lọc thuốc lá… để bỏ vào thùng. Hoàn toàn không thấy có bất kỳ khẩu hiệu nào trên đường, nhưng ý thức bảo vệ môi trường của người Nga thật tuyệt vời!
Những con phố ở Moscow hay Saint Petersburg vừa kết hợp nét hiện đại vừa đậm nét cổ kính. Ở các thành phố của Nga, không nhiều những tòa nhà chọc trời nhưng có không ít cao ốc hiện đại, cửa kính lấp lánh, là các trung tâm thương mại, các khách sạn sang trọng… Tuy nhiên, các dinh thự, lâu đài cổ ở Nga rất nhiều, nhất là ở Saint Petersburg, vốn là cố đô của Nga trong hơn 2 thế kỷ, kể từ đầu thế kỷ XVIII. Sự kết hợp giữa mới và cũ ở các công trình kiến trúc là khá hài hòa. Ngay cả các chung cư được xây dựng từ những năm 1960-1970, với đặc trưng là thang máy được lắp bổ sung ở bên ngoài tòa nhà, nhưng vẫn không thấy sự lạc hậu.
Đến Nga, người ta không chỉ trầm trồ về cái hay, cái đẹp của một đất nước khá phát triển ở châu Âu mà còn cảm nhận được sự hiền hòa hiếu khách của người Nga, sự sâu lắng của văn hóa Nga. Điều đó hẳn những người đến với đất nước này nhiều năm trước càng cảm nhận sâu sắc hơn! |
3. Đặc biệt, ở Moscow, nhiều người tinh ý sẽ nhận ra các tòa nhà giống nhau như chị em song sinh. Đó là 7 trong 8 tòa nhà được nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin cho ý tưởng xây dựng và đích thân chỉ định vị trí đồng thời đích thân theo dõi tiến độ xây dựng một cách nghiêm ngặt, đều được khởi công vào ngày 7-9-1947. Nhưng trong kế hoạch xây dựng 8 tòa nhà này, chỉ có 7 tòa được hoàn tất. Các “tòa nhà Stalin” hay theo cách gọi của nhiều người dân Moscow là “bảy tòa nhà chị em” được coi là một thành tố quan trọng trong kiến trúc thủ đô Nga. Đó là các tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (trước đây là Đại học Quốc gia Moscow), Bộ Ngoại giao Nga, khách sạn Hilton Leningradskaya, khách sạn Radisson Royal, hai tòa chung cư (trước đây, các chung cư này dành cho cán bộ cao cấp của Liên Xô), một tòa nhà hành chính – dân cư. Những ngày đầu ở Moscow, ngồi trên xe đi một đoạn tôi đã lại thấy một tòa nhà, cứ ngỡ là mình đang đi vòng quanh, nhưng hóa ra trên đường đi, tôi lần lượt nhìn thấy những tòa nhà khác nhau – thực tế nhiều người nói các tòa nhà đó cũng không hoàn toàn giống nhau, dù nhìn xa xa thì tưởng như một. Trong đó, Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov nằm trên một ngọn đồi (xưa gọi là đồi Lenin) nhìn xuống dòng sông Moscow thực sự là một công trình kiến trúc độc đáo, xứng tầm với một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Nga.
Một số hoạt động kiếm sống trên phố cũng diễn ra không hiếm. Chẳng hạn, trên đại lộ Nevsky ở thành phố Saint Petersburg, thường rộn ràng với một nhóm thanh niên nhảy hip hop, người xem vây quanh, chốc chốc lại có một người cầm cái nón chìa một vòng trước mặt mọi người… Cách đó không xa, một ông lão ôm cây phong cầm, đánh tiếng được tiếng mất, trong dòng người hối hả qua lại, họa hoằn mới có một người bỏ vài đồng rúp lẻ vào cái túi ông đeo trước ngực… Hay từ Khải hoàn môn ở Moscow đến Bảo tàng Lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại cũng thường có một nhạc công lớn tuổi, ăn mặc lịch sự, chơi phong cầm…
Dù chỉ nhìn thoáng qua trên các con đường ở một số thành phố ở Nga, du khách vẫn không khó nhận ra một nước Nga xinh đẹp, văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Những nét chấm phá đó không phải chỉ xuất hiện trong hơn 25 năm sau khi Liên Xô tan rã mà là sự nối tiếp của một xã hội được xây dựng kỷ cương, kỷ luật, tiến bộ. Người ta dễ dàng nhìn thấy các thành tựu của chế độ xã hội chủ nghĩa được duy trì liên tục, từ trong các công trình kiến trúc cho đến nếp sống, cách thức sinh hoạt.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)