Sự kiện giáo dụcTin tức

11.000 người chết và sự nghịch lý

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, sau khi nhận được thông báo của Cảnh sát giao thông, Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn gửi một số trường, đề nghị xử lý hơn 20 trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông.
Các biện pháp xử lý mà Sở này lưu ý các trường cũng hết sức cụ thể: Với học sinh điều khiển mô tô, đi thành đoàn, không đội mũ bảo hiểm sẽ phải hạ bậc hạnh kiểm.
Thậm chí "tiến độ" xử lý kỷ luật học sinh cũng được chốt rất rõ ràng: Báo cáo kết quả về Sở trước ngày 10/11/2011. Nhiều người nhận xét, không phải đơn vị nào cũng có tinh thần làm việc nghiêm túc như Sở Giáo dục & Đào tạo TP HCM (và họ hy vọng đây là sự nghiêm túc… thật?).
Cách đây hơn 1 năm, ngày 12/10/2010, Bộ Công an ban hành Thông tư số 38/2010/TT- BCA Quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông về cơ quan, phường, xã… Thông từ này có hiệu lực từ ngày 29/11/2010. Tuy nhiên, sau khi triển khai, theo báo cáo của Cục CSGT Đường bộ- Đường sắt, cho dù các đơn vị CSGT đã gửi hơn 40.000 thông báo về công an cấp xã nhưng số lượng hồi âm rất thấp (nơi cao nhất như Lâm Đồng cũng chỉ 28%). Ngay tại Hà Nội, Phòng CSGT gửi gần 10.000 thông báo về nơi người vi phạm giao thông cư trú, nhưng chỉ nhận được 125 hồi âm. Rất nhiều nơi gửi thông báo vi phạm nhưng không nhận được hồi âm nào.
Việc không hồi âm, ngoài nguyên nhân do khách quan mang lại (như người một nơi, địa chỉ cư trú một nẻo khiến cơ quan chức năng… bó tay) thì phần lớn là do thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của các đơn vị, địa phương nơi người vi phạm giao thông cư trú, học tập, làm việc. Đã có không ít các ông tổ trưởng dân phố, giám đốc doanh nghiệp chối đây đẩy khi phải gánh vác trọng trách này. Tổ dân phố thì cho rằng mình chỉ quản vấn đề vệ sinh xóm ngõ, đóng góp từ thiện, còn mang ai đó ra kiểm điểm thì không có… chức năng. Giám đốc doanh nghiệp thì tuyên bố chỉ quản lý nhân viên từ cổng cơ quan trở vào, từ cổng trở ra thuộc trách nhiệm của xã hội. Không thể bắt cả cơ quan ngồi họp kiểm điểm một nhân viên vì lỗi vi phạm giao thông, mất thời gian, mà thời gian bây giờ là vàng, là bạc. Họ cho rằng hành vi vi phạm giao thông của công dân, của nhân viên thì cảnh sát giao thông đã xử phạt, thế đã là "giáo dục" rồi…
Thật đau lòng khi nhiều người dửng dưng trước con số 11.000 người thiệt mạng mỗi năm vì tai nạn giao thông. Nếu không rốt ráo làm tốt tất cả các biện pháp để kiềm chế tai nạn, ách tắc giao thông, thì mỗi năm sẽ tiếp tục có hàng chục nghìn gia đình mất đi cha, con, chồng, vợ, người thân, bạn bè.
Trong khi tai nạn, ùn tắc giao thông trở thành vấn đề “nóng”, từ quán nước trà đến chương trình nghị sự của Quốc hội thì nghịch lý trên vẫn đang tồn tại. Chẳng lẽ cơ quan chức năng lại chịu bó tay, để Thông tư 38 và nhiều văn bản khác chìm vào quên lãng hoặc được xử lý một cách qua loa, hời hợt?
 
Theo Nguyễn Đức
(GiadinhNet)

Bình luận (0)