Tuy chỉ học hết lớp 12 hệ bổ túc văn hóa, nhưng 11 năm nay cứ vào các buổi chiều thứ hai, tư, sáu; cô lại lặn lội đến nhà điều hành khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, Q.7 để dạy chữ cho những đứa trẻ không được đến trường. Học trò của cô là con em các gia đình từ vùng quê khắp các tỉnh đến đây ở trọ đi làm thợ hồ, làm thuê hoặc nhặt ve chai… vì nghèo nên không có tiền cho con đến trường.
Hôm chúng tôi tới, trong căn phòng chật chội nhưng đầy ánh sáng, những đứa trẻ đang cặm cụi gò từng con chữ, miệng chúng tròn xoe phát âm theo từng nét bút chì. Cánh cửa sổ đầy bụi với những chấn song xiêu vẹo không đủ rộng để làm dịu bớt mùi mồ hôi và mùi khét nắng trong không khí. Trên bàn giáo viên có một ca trà đá giải khát do bà hàng nước ủng hộ lớp học. Vài cái bàn, ghế nhựa cũng mượn tạm của quán nước… Đó là lớp học tình thương của cô giáo Nguyễn Thị Đỏ.
“Thắp sáng” con chữ cho trẻ em xóm ngụ cư
“Thưa cô, con đã viết xong”. Bé Cẩm kêu lên và cầm cuốn vở đi về phía “bục giảng” nơi cô Đỏ đang nắn nót từng nét chữ trên bảng đen. Cô bước về phía Cẩm cầm lấy cuốn vở và khen: “Ừ, chữ con viết càng ngày càng đẹp, cố gắng lên nữa nghe”. Sau bé Cẩm là các em khác nối nhau lên nộp vở cho cô – đây là một tiết kiểm tra bài tập tiếng Việt của lớp học tình thương, lớp học mà 11 năm nay chỉ có “độc” nhất… một cô giáo. Thấy chúng tôi bước vào lớp, 19 học sinh đang học nhanh nhẹn đứng dậy vòng tay chào khách. Cô tranh thủ tiếp chúng tôi trong khi các em làm bài tập viết.
Cô Đỏ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, công việc hằng ngày là làm ruộng, ngoài ra cô còn nhận hàng gia công kết cườm thuê để cải thiện cuộc sống. Năm 1997, có một số gia đình trong xóm đến nhà gợi ý cô dạy kèm cho con cái của họ, thù lao dạy một em mỗi tháng là 30 ngàn. Cô đồng ý. Nhưng rồi một tháng, hai tháng và nhiều tháng sau, chẳng một phụ huynh nào đến trả học phí như đã hứa lúc đầu, không có tiền sinh hoạt, cô nghỉ dạy và quay lại công việc kết cườm thủ công. Học sinh thấy cô nghỉ dạy rất buồn, buổi sáng cứ mang sách vở đến trước cổng nhà cô kêu “Cô ơi! Chúng con đến học cô ơi”. Không cầm lòng được trước sự ham học của các em, cô lại dẹp đồ gia công sang một bên và tiếp tục dạy.
Khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, Q. 7 là khu vực người dân tứ xứ đến ở trọ, đi làm thuê rất nhiều. Do chủ yếu là làm lao động chân tay, thủ công, nên dù có cố gắng cật lực họ cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình, trang trải sinh hoạt hàng ngày nên không có tiền cho con cái đi học. Qua tìm hiểu tình hình trẻ em của các gia đình “ngụ cư” ở đây, cô Đỏ – lúc bây giờ là Chi hội trưởng Phụ nữ của khu phố, đã đề nghị với chính quyền địa phương cho cô mượn nhà điều hành để dạy chữ cho những em không được đến trường. Khi đã có “lớp”, cô lại đi vận động từng gia đình để cho các em đến học. Có nhiều người rất vui mừng cho con đi học, nhưng cũng có nhiều người nói thẳng “Chúng nó còn phải đi bán vé số nữa, thời gian đâu mà học với chả hành!”. Cô thuyết phục họ rằng mỗi tuần chỉ học 3 buổi chiều, cuối cùng họ cũng miễn cưỡng: “Học thì học, nhưng không đóng tiền hoặc mua bút, vở gì cả đâu”. Có lớp, có trò cô lại phải tiếp tục đi vận động các mạnh thường quân xin bàn, ghế, sách, vở, bút, phấn… Thấy cô nhiệt tình với trẻ em nghèo như thế, nhiều người rất ủng hộ, cũng có nhiều người nhìn cô thương hại, “Đúng là lo việc bao đồng!”.
Cô ái ngại cho biết: “Phụ huynh của các em “khó tính” lắm, đi học thì được, nhưng nếu đề nghị họ mua sắm đồ dùng học tập là họ cho con nghỉ học ngay. Như có hôm, vở các em đã viết hết giấy, tôi bảo các em thử về xin gia đình mua cho. Thế là tới buổi học hôm sau không thấy các em đi học nữa. Tôi lại phải mua vở tới nhà các em để vận động cho các em đi học tiếp”.
Nhà điều hành khu phố là một căn nhà cấp 4 cũ nát, trần nhà bằng gỗ ép đã bị bong tróc hư hại, mùa mưa nước chảy xuống từ những nơi bị dột ướt lênh láng sàn nhà, cô trò phải nép vào nhau tránh mưa. “Mùa nắng thì đỡ chứ mùa mưa các em cực lắm nước thấm nhòa con chữ. Được cái là tôi thấy các em rất ham học. Chỉ sợ khu vực này mai mốt bị giải tỏa rồi không có chỗ cho các em học thôi” – cô Đỏ tâm sự.
11 năm ròng… “vác tù và hàng tổng”
Lớp học ngày càng đông học sinh tìm đến, nhiều bữa các em đi học đông quá nên không đủ chỗ ngồi. Những người bán quán nước xung quanh thấy vậy liền đưa ghế, bàn sang cho các em mượn ngồi học. Vào giờ ra chơi, các chủ quán nước này lại đưa trà đá sang cho cô trò “giải khát”. Bà Tư bán cà phê bên hông lớp học tâm sự: “Sắp nhỏ không được đến trường ở xóm này biết chữ là nhờ công lao của cô Đỏ. Do đó, chúng tôi rất biết ơn cô, khi lớp học thiếu thốn gì nếu có thể giúp đỡ chúng tôi rất sẵn sàng phụ cô”.
Cô Đỏ chỉ mong dạy dỗ sao cho khi lớn lên, ra đời các em có một “vốn liếng” tạm đủ để dễ dàng trong công ăn việc làm. Sau khi dạy xong “chương trình” của cô, nếu thấy gia đình nào có điều kiện kinh tế tạm ổn cô sẽ đến vận động xin cho các em vào học ở các trường để sau này các em còn có tương lai hơn. “Vừa rồi tôi đã vận động gia đình em Tuyền và em Nương vào lớp 1. Tuy đi học trễ nhưng ít ra các em cũng được đi học, khi vào lớp ít nhiều cũng được trang bị kiến thức cơ bản rồi nên các em cũng đỡ bỡ ngỡ”.
Học trò trong lớp học tình thương này mỗi em một hoàn cảnh, điểm chung duy nhất của các em là cái nghèo. Tuổi tác các em cũng không đồng đều có em chỉ mới 4 tuổi và cũng có những em đã 13 – 14 tuổi. Khi chúng tôi hỏi “Các con có muốn học ở trường không?”, bọn trẻ đồng thanh trả lời: “Con muốn học ở đây thôi, học ở trường không có tiền…”. Bé Kiệt 6 tuổi, hồn nhiên khi nói về mơ ước của mình: “Sau này lớn đi phụ hồ với ba”. Bé Tiên, 9 tuổi thì hớn hở: “Con đi học để biết chữ sau này về phụ mẹ bán dừa”. Chỉ có một cô bé rơm rớm nước mắt khi nói về mơ ước của mình: “Con chỉ muốn có chiếc xe đạp để đi bán vé số thôi chú ơi!”. Hỏi ra mới biết. Đó là bé Ngà, 13 tuổi là dì ruột của bé Tiên. Từ 6 năm nay, hằng ngày Ngà phải rong ruổi đi bán vé số. Nhìn đôi bàn tay, một bề trắng hồng, một bề sạm nắng của cô bé tuổi 13 mà chúng tôi thấy cay đắng cho em, có lẽ chỉ trong giấc ngủ và chỉ trong lớp học này, đôi bàn tay ấy mới được dịp rời xa xấp vé số mưu sinh!
11 năm trời cô Đỏ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng chồng cô là người luôn ủng hộ cô hết mình. Mỗi tuần cô dạy 3 buổi chiều vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Nhà có mỗi chiếc xe đạp, ngày mưa cũng như nắng, mỗi lần cô đi dạy là chồng cô chở cô, hết giờ lại tới chở cô về. Lúc chúng tôi tới lớp học, cậu con trai đầu của cô đang học lớp 12 được nghỉ hè cũng xin mẹ tới phụ giúp dạy các em.
Học trò của cô nhiều người bây giờ đã trưởng thành xin vào làm công nhân ở các khu chế xuất mỗi lần đi làm về lại vòng tay lại chào cô. Như chị Chi, học trò cũ của cô từ những năm 1998, nhiều bữa chồng chở đi làm về ngang chỗ cô dạy thường ghé vào bắt cả chồng vòng tay lại chào như thuở còn đi học. Chứng kiến cảnh tượng này mới thấy tình cảm của học sinh dành cho cô giáo Đỏ thật sâu nặng.
“Vừa rồi tôi có đi xin được 10 cuốn Toán, 10 cuốn Tiếng Việt tập 2 vì các em ở đây đã học qua tập 1 cả rồi. Ngay cả cái thước và bút chì tôi cũng phải đi xin. Tuy vậy, hiện nay lớp vẫn đang còn thiếu 5 cuốn sách Tiếng Việt, 5 cuốn sách Toán, 5 cuốn Bài tập Tiếng Việt, 5 cuốn Bài tập toán tất cả đều tập 2 nhưng cũng chưa biết xin đâu cả. Do vậy, trong giờ học cứ hai em phải chụm vào nhau học một cuốn sách, tôi rất thương các em, nhưng cũng đã cố gắng hết sức mình rồi” – cô Đỏ tâm sự.
Khi ánh nắng chiều hắt vào những đứa trẻ đang thu xếp lại sách vở sau buổi học, cũng là lúc cô Đỏ xếp giáo án để kịp về nhà chuẩn bị cho công việc làm vợ làm mẹ.
VĂN TÌNH
Bình luận (0)