Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

11 quan niệm sai lầm về công nghệ

Tạp Chí Giáo Dục

Một số người tưởng máy tính Mac không nhiễm virus hay duyệt web riêng tư sẽ không bị ai theo dõi, nhưng sự thực chưa hẳn như vậy.
Máy tính Mac không thể bị nhiễm virus
Thực tế, bất kỳ máy tính nào cũng có nguy cơ bị nhiễm virus. Apple từng tuyên bố máy Mac không bị phần mềm độc hại tấn công như thiết bị chạy Windows. Tuy nhiên, hãng đã bớt đề cập đến vấn đề này sau khi hàng nghìn máy Mac bị phát hiện nhiễm trojan độc hại năm 2012.

11 quan niệm sai lầm về công nghệ
Đóng ứng dụng trên iPhone giúp tiết kiệm pin
Trước đây, có một số lời khuyên rằng việc tắt hẳn ứng dụng sau khi dùng sẽ giúp iPhone tiết kiệm pin hơn. Tuy nhiên, thực tế không có tác dụng. Năm 2016, CEO Tim Cook được hỏi rằng ông có thường xuyên thoát khỏi ứng dụng đa nhiệm iOS của mình không và liệu điều này có cần thiết cho thời lượng pin hay không. Câu trả lời nhận được là "Không và không".

11 quan niệm sai lầm về công nghệ
Duyệt web riêng tư giúp ẩn danh trên Internet
Khi người dùng sử dụng tính năng Chế độ ẩn danh trong Google Chrome hoặc Duyệt web riêng tư trong Safari, trình duyệt sẽ không theo dõi lịch sử, tự động đăng nhập tài khoản… Tuy nhiên, nó vẫn được nhà cung cấp mạng và website đã đăng nhập thu thập thông tin.

11 quan niệm sai lầm về công nghệ
Nếu không bật GPS, người dùng không thể bị theo dõi vị trí
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi ngoài GPS, vị trí của một người sử dụng smartphone có thể được phát hiện qua kết nối Wi-Fi, tháp di động… Thậm chí, các nhà nghiên cứu của Đại học Northwestern còn cho biết vị trí còn có thể bị thu thập qua cảm biến trên smartphone, như gia tốc kế hay con quay hồi chuyển.

11 quan niệm sai lầm về công nghệ
Vẫn cắm sạc sau khi pin đầy sẽ làm hỏng pin
Một số quan niệm trước đây cho rằng nếu tiếp tục cắm sạc sau khi smartphone đầy 100% sẽ làm "chai" pin. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy điện thoại có cơ chế ngắt mạch khi sạc đầy và quá trình lão hóa pin không phụ thuộc nhiều vào việc sạc.

11 quan niệm sai lầm về công nghệ
Để smartphone cạn pin mới sạc lại
Nhiều hãng điện thoại, trong đó có Apple cho biết chu kỳ sạc/xả pin dựa trên độ đầy 100% và người dùng có thể nạp điện cho chúng bất cứ lúc nào thay vì phải để về 0%.

11 quan niệm sai lầm về công nghệ
Camera nhiều 'chấm' sẽ tốt hơn
Số megapixel trên camera từ lâu là căn cứ để người dùng đánh giá khả năng chụp ảnh của smartphone. Điều này đúng, nhưng chỉ một phần bởi để cho ra bức ảnh đẹp, camera cần đến yếu tố khác như kích thước của pixel (kích thước càng lớn thì khả năng hấp thụ ánh sáng càng cao) hay khẩu độ (độ mở ống kính).

11 quan niệm sai lầm về công nghệ
Màn hình độ phân giải càng cao, hình ảnh càng đẹp
Tương tự camera, độ phân giải chỉ là một trong các yếu tố quyết định khả năng hiển thị của màn hình. Ngoài nó, màn hình còn phụ thuộc vào loại tấm nền (OLED hiển thị đẹp hơn LCD) hay công nghệ tích hợp. Chẳng hạn Apple với True Tone giúp tự động điều chỉnh cân bằng trắng dựa trên môi trường xung quanh, từ đó mang lại hình ảnh đẹp hơn.

11 quan niệm sai lầm về công nghệ
Không nên dùng sạc iPad cho iPhone
Do có công suất lớn hơn, củ sạc iPad được khuyên không nên dùng để sạc iPhone để tránh trường hợp phồng pin, gây hỏng pin. Tuy nhiên, Steve Sandler, sáng lập kiêm giám đốc kỹ thuật của công ty phân tích điện tử AEi Systems, cho rằng vấn đề đó có thể xảy ra, nhưng trong thời gian dài. "Nếu sạc bằng củ sạc iPad cho iPhone trong khoảng một năm, bạn khó nhận ra bất kỳ thay đổi nào về viên pin", Sandler nói.

11 quan niệm sai lầm về công nghệ
Đặt nam châm gần máy tính khiến dữ liệu bị xóa
Về mặt kỹ thuật, thông tin này không sai. Tuy nhiên, người dùng cần phải có một cục nam châm kích thước lớn, lực hút mạnh mới có thể xóa được dữ liệu trong ổ cứng. Nó cũng chỉ tác động đến ổ cứng HDD đời cũ, không ảnh hưởng đến ổ SSD đời mới.

11 quan niệm sai lầm về công nghệ
Dùng điện thoại nhiều gây ung thư
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định mối liên hệ giữa sử dụng điện thoại và sự phát triển của khối u ung thư, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ. Tuy nhiên, việc dùng nhiều điện thoại có thể tác động đến hệ thần kinh, rối loạn giấc ngủ cũng như các vấn đề sức khỏe khác.

Bảo Lâm (theo vnexpress)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)