Năm 2024 được đánh giá là năm có nhiều bứt phá của ngành giáo dục TP.HCM. Năm qua, giáo dục TP.HCM đã ghi dấu với nhiều dấu ấn đặc biệt không chỉ về thành tích trong dạy và học mà còn đến từ những quyết sách táo bạo, sáng tạo trong giáo dục.
Cùng Giáo dục TP.HCM điểm lại 12 dấu ấn đặc biệt của ngành GD-ĐT TP.HCM trong năm 2024:
1. Được UNESCO vinh danh là Thành phố học tập toàn cầu
Ngày 14-2-2024, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận TP.HCM là thành viên Mạng lưới TP học tập toàn cầu của UNESCO, cùng với 63 TP khác thuộc 35 quốc gia.
Như vậy, TP.HCM là TP trực thuộc Trung ương duy nhất trên thế giới được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới TP học tập toàn cầu.
Việc được công nhận là thành viên Mạng lưới TP học tập toàn cầu của UNESCO tạo điều kiện cho TP.HCM trong tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân, nâng cao uy tín quốc tế, tăng khả năng thu hút đầu tư…, qua đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của TP.
2. Lần đầu tiên tổ chức Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp TP, chủ đề “Giáo viên tài năng” dành cho nhóm lớp độc lập
Năm học 2023-2024 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của ngành GD-ĐT TP, trong đó có giáo dục mầm non khi lần đầu tiên Sở GD-ĐT TP tổ chức Hội thi giáo viên mầm non giỏi cấp TP với chủ đề “Giáo viên tài năng” dành cho giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
70 giáo viên mầm non tại cơ sở nhóm lớp độc lập đã được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp TP trong hội thi, bao gồm 8 giải nhất; 24 giải nhì và 38 giải ba.
Qua hội thi đã giúp rút ngắn dần khoảng cách giữa giáo viên mầm non công lập và giáo viên ngoài công lập.
3. Tháng 9-2024, Bộ GD-ĐT công nhận TP.HCM đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2
Kết quả cho thấy sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của TP.HCM, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể. TP.HCM đã xây dựng mạng lưới trường, lớp rộng khắp tạo điều kiện cho học sinh được học tập thường xuyên, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học luôn được ưu tiên đầu tư, bảo đảm những yêu cầu cần thiết nhất để tổ chức dạy học. Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, ngành GD-ĐT TP đã có nhiều giải pháp thực hiện “không để học sinh bỏ học”…
4. Học sinh TP.HCM giành giải nhì Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2024
Dự án thuộc lĩnh vực phần mềm hệ thống của nhóm 2 học sinh Nguyễn Lê Quốc Bảo và em Lê Tuấn Hy, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM đã giành giải nhì Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2024 được tổ chức tại Mỹ vào tháng 5-2024.
Đây là giải cao nhất học sinh Việt Nam giành được sau 12 năm kể từ khi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức trên phạm vi cả nước và tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế từ năm 2013 đến nay.
Ngoài ra, dự án của 2 học sinh này đồng thời cũng nhận được giải tư (Special Awards) do Hiệp hội Tin học Hoa Kỳ trao tặng.
5. Tăng 10 bậc, đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng học sinh giỏi quốc gia
Năm 2024 được xem là năm học nổi bật của TP.HCM, khi ngành giáo dục TP tăng mạnh trên bảng xếp hạng học sinh giỏi quốc gia từ vị trí thứ 12 năm học 2022-2023, lội ngược dòng tăng 10 bậc lên vị trí thứ 2 toàn quốc.
6. TP.HCM vô địch tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024. Đây là năm thứ 10 liên tiếp TP.HCM giữ ở vị trí thứ hạng này
7. TP.HCM miễn học phí cho học sinh THCS năm học 2024-2025
Tại kỳ họp thường lệ cuối năm HĐND TP.HCM khóa X, HĐND TP.HCM chính thức thông qua chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh THCS công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên THCS trên địa bàn TP.HCM năm học 2024-2025.
Theo đó, học sinh và học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục THCS và giáo dục thường xuyên THCS công lập, ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM được miễn học phí trong năm học 2024-2025.
8. Dấu ấn với Đề án 5695 – nền tảng để TP.HCM đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học theo Kết luận số 91 của Bộ Chính trị
Năm 2014, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 5695 phê duyệt đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” tại các trường công lập trên địa bàn TP.HCM, được gọi là Đề án 5695 với chương trình tiếng Anh tích hợp. Đề án được bắt đầu triển khai từ học kỳ 2 năm học 2014-2015.
Đến nay, qua 10 năm thực hiện, chương trình tiếng Anh tích hợp đã được thực hiện tại 156 trường từ tiểu học đến THPT, với 30.000 học sinh được thụ hưởng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị TP.HCM tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm số trường, lớp thực hiện mô hình, nghiên cứu mở rộng dạy các môn khác bằng tiếng Anh trong điều kiện cho phép theo đúng Kết luận số 91 của Bộ Chính trị từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
Ông cũng đề nghị các sở GD-ĐT tỉnh thành khác nhân rộng mô hình, chọn đối tác phù hợp.
9. Tổ chức lại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thành Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa; THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
Ngày 16-5-2024, UBND TP.HCM đã công bố các quyết định thành lập Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, trên cơ sở thực hiện đề án tổ chức lại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Điều chỉnh nhằm phù hợp với Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 05/2023 của Bộ GD-ĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên.
Năm học 2023-2024, 2 trường Trần Đại Nghĩa đã chính thức tuyển sinh và đi vào hoạt động trong năm đầu tiên sau khi tổ chức lại từ Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, với nhiều đổi mới trong công tác dạy và học.
10. TP.HCM đưa giáo dục kỹ năng công dân số vào giảng dạy toàn bậc tiểu học
Năm học 2024-2025, giáo dục kỹ năng công dân số là hoạt động giáo dục mới được triển khai tại 100% cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn TPHCM. Trước đó, nội dung này đã được ngành giáo dục TP thí điểm tại 44 trường tiểu học trên địa bàn TP.
Nội dung giáo dục kỹ năng công dân số dành cho học sinh tiểu học bao gồm chương trình GDPT môn tin học và các nội dung được xác định dựa trên khung năng lực số dành cho học sinh tiểu học.
11. TP.HCM ban hành Chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Trong đó, xác định mục tiêu ngành GD-ĐT TP.HCM đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến thế giới vào năm 2045.
12. Xây dựng 50 trường học số chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
UBND TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chuẩn công nhận trường học số trên địa bàn, áp dụng cho trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Bộ tiêu chuẩn bao gồm 6 tiêu chuẩn thành phần: thể chế số; cơ sở vật chất, hạ tầng số; dữ liệu số; nhân lực số; quản trị và điều hành số; giáo dục số.
Yến Hoa
Bình luận (0)