Trần Đắc Minh Trung tại Paris (Pháp) |
Trần Đắc Minh Trung (SN 1985, cựu học sinh Trường Trung học Thực hành – ĐH Sư phạm TP.HCM), từng được biết đến là một cậu học trò cá biệt, suýt bị đuổi học. Tuy nhiên, với sự bứt phá ngoạn mục về thành tích học tập, Trung đã được 10 trường ĐH Mỹ đồng ý cấp học bổng du học.
Trần Đắc Minh Trung đã chứng minh rằng sự thành công phải bắt đầu từ niềm đam mê và cả sự quyết đoán trong cách lựa chọn đường đi cho tương lai! Chia sẻ với Giáo dục TP.HCM về kinh nghiệm thành công này, Trung cho biết:
– Khi bạn có quyết tâm đi du học thì trong mọi mặt phải thể hiện được tiềm năng và ước muốn thay đổi một điều gì đó trong thế giới mà bạn đang sống. Công việc và cuộc sống ổn định không bao giờ là mục tiêu cuối cùng của bạn mà chỉ là một phần thưởng phát sinh từ quá trình bạn xây dựng thế giới xung quanh. Nếu tâm niệm và thể hiện ra được điều đó thì bạn sẽ thành công.
PV: Một trong những yếu tố cần thiết để bắt đầu hành trình du học là vốn ngoại ngữ. Vậy, kinh nghiệm để học tốt môn này với bạn là gì?
– Ngôn ngữ không đơn thuần là một kỹ năng mà thật ra nó là một lối sống và một lối suy nghĩ. Nếu muốn nói được ngôn ngữ thì có hai phần, đó là phần phát âm và văn phạm, tạm xem như thuộc về phía kỹ năng. Phần này muốn giỏi thì phải chăm chỉ luyện và chịu được sự đơn điệu của các bài học kỹ năng nói. Tuy nhiên, nếu các bạn tinh ý thì sẽ thấy rằng phần phát âm và văn phạm là rất cần thiết nhưng không phải là tất cả. Có khá nhiều người thành đạt trong môi trường quốc tế nhưng ngoại ngữ của họ không phải là hoàn hảo về mặt hình thức. Từ đó bạn có thể thấy một khía cạnh khác, trọng tâm hơn của ngôn ngữ đó là mặt nội dung. Muốn nói được ngoại ngữ với chiều sâu về nội dung thì bạn cần hòa nhập về văn hóa với quốc gia đó. Nghe thì có thể lạ nhưng kinh nghiệm học ngoại ngữ hữu dụng nhất cho mặt nội dung là việc bạn nên tìm đọc và xem nhiều ấn phẩm sách hoặc phim ảnh về quốc gia đó. Ở trình độ bắt đầu bạn có thể xem bản dịch (sách) hoặc phụ đề (phim). Khi bạn càng hiểu và càng nhập tâm vào các câu chuyện và các nhân vật, bạn sẽ từ từ vô thức nắm được cả tư duy logic và cách thể hiện của nền văn hóa đó. Ngôn ngữ và văn hóa đi liền với nhau. Có rất nhiều khóa học luyện cho bạn các kỹ năng ngôn ngữ nhưng chiều sâu về nội dung thì chỉ có bạn mới có thể tự rèn luyện cho mình qua những hoạt động như vậy.
Việc tiếp cận một nền văn hóa mới, ngôn ngữ khác để hòa nhập, với bạn có những trở ngại gì?
Trần Đắc Minh Trung từng giành học bổng toàn phần ĐH (50.000 USD/năm) tại ĐH Pennsylvania (Mỹ); học bổng bán phần thạc sĩ (25.000 USD/năm) tại ĐH Harvard (Mỹ); học bổng toàn phần tiến sĩ (24.000 Euro/năm) tại Trường kinh doanh HEC Paris (Pháp)… Hiện Trung đang là nghiên cứu sinh và trợ giảng tại HEC Paris. |
– Khó khăn, trở ngại thì khá nhiều nhưng đáng nói nhất có lẽ là việc chuyển từ tâm lý khiêm tốn, nội tâm, và tập thể của người Á Đông sang tâm lý tự tin, hướng ngoại, và cá nhân của người phương Tây. Không phải ai cũng lựa chọn để thay đổi xu hướng tâm lý của mình, với nhiều sinh viên quốc tế, nhiều người chọn giữ nếp suy nghĩ truyền thống. Tuy nhiên, nền giáo dục của Mỹ là giáo dục khai phóng và một sự nghiệp tại Mỹ hay tại một môi trường quốc tế tương tự nào khác cũng đều cần bạn suy nghĩ và hành động theo kiểu “Tây” để có thể hòa nhập tốt…
Lời khuyên của bạn dành cho các bạn trẻ đang chuẩn bị đi du học là gì?
– Có câu nói vui rằng “đầu tiên là tiền đâu”. Khi đi du học, chuyện đáng lưu ý nhất có lẽ là sự làm ra tiền và tiêu tiền. Lời khuyên cho các bạn lần đầu đi du học là nên nghiên cứu kỹ về đời sống và thị trường lao động ở địa phương nơi mà bạn sẽ đến. Hãy tính toán chi tiêu và dự tính thu nhập một cách thực tế và sát sao nhất. Với sức học của người Việt thì theo học ĐH ở Mỹ là không khó, nếu có dồi dào thời gian. Đa số các bạn chăm chỉ mà vẫn thất bại trong việc học là do phải đi làm quá nhiều. Đối với một quốc gia nổi tiếng có văn hóa tiêu dùng “điên rồ” như Mỹ thì bạn sẽ không bao giờ cảm thấy đủ tiền để tiêu xài. Do vậy chuẩn bị tốt về tính toán thu – chi là bước đầu căn bản nhất để bạn đảm bảo mình sẽ không bị áp lực tài chính đè bẹp khi du học trên đất Mỹ.
Bạn có thể chia sẻ về dự định trong tương lai, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Pháp?
– Làm tiến sĩ trong một ngành kinh doanh có lợi thế đó là về mặt học thuật thì ta có khả năng đóng góp cho kho tàng kiến thức chung của nhân loại, mà về mặt kinh doanh thì cũng có điều kiện tiếp xúc với các cơ hội làm ăn sinh lợi. Ngoài việc làm nghiên cứu khoa học độc lập trong lĩnh vực marketing ra thì tôi còn muốn viết nhiều business case về các ví dụ kinh doanh tại Việt Nam như một cách giới thiệu thêm về quê hương với thế giới. Bên cạnh đó tôi cũng đang cộng tác làm nhiều dự án trong lĩnh vực khởi nghiệp (start-up) sản phẩm công nghệ cao và với các mối quan hệ ở New York (Mỹ) và Paris (Pháp), tôi mong muốn trong tương lai gần sẽ góp phần kết nối các bạn trẻ trong nước nhiều nhiệt huyết với các nhà đầu tư và doanh nhân nước ngoài trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ cao. Có thể là qua hình thức hỗ trợ đầu tư hoặc khởi tạo một quỹ học bổng riêng cho ngành này.
Xin cám ơn bạn!
Vĩnh Yên (thực hiện)
Với 12 lần ghi tên mình vào những học bổng tại các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, kỷ niệm khó quên nhất với bạn là gì? – Kỷ niệm khó quên nhất với tôi có lẽ là lần phải chọn giữa việc đi làm một công việc rất ổn định về tài chính và việc đi học tiếp cao học ngành giáo dục, vốn không phải là ngành có thu nhập cao. Phấn đấu để được học và được học bổng là một chuyện, nhưng quyết định đằng sau đó khó khăn thế nào lại là chuyện khác. Tôi còn nhớ khi đó đã suy nghĩ suốt một tuần và mỗi ngày đều trằn trọc không ăn không ngủ. Một ngày nọ tôi ra bãi biển, ngồi trên cát vạch ra một bảng có hai cột liệt kê lợi ích của hai hướng đi. Viết chưa xong thì có một đứa bé chạy đến ngồi trước mặt và cứ nhìn tôi cười. Trùng hợp thay là đứa bé ngồi ngay vào cột lợi của đi học cao học giáo dục. Vậy là tôi quyết định đi học. Sau này tôi chuyển hướng sang ngành kinh doanh nhưng mọi kế hoạch và dự định đều xoay quanh mảng giáo dục cả. Chưa bao giờ tôi hối hận về lựa chọn có chút ngẫu hứng ngày hôm đó của mình. |
Bình luận (0)