Nhịp cầu sư phạmGương sáng

12 năm đến trường bằng tay

Tạp Chí Giáo Dục

Đôi chân bị liệt không thể đi lại được, nhưng ham chữ nên suốt 12 năm qua, Sùng A Đế đã “bò” đến trường đi học bằng chính đôi tay của mình. Nghị lực phi thường của cậu học trò nghèo nơi miền sơn cước đã khiến nhiều người phải khâm phục. 

Đó là trường hợp của Sùng A Đế, ở bản Suối Hộc, xã Trung Lý, huyện vùng cao Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Suốt 12 năm học qua, hình ảnh cậu học trò Sùng A Đế đến trường bằng chính đôi tay của mình đã khiến nhiều người cảm phục.
Trong chuyến công tác cuối năm lên huyện vùng cao Mường Lát, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình cậu học trò đặc biệt Sùng A Đế, học sinh lớp 12, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mường Lát. 
Ngôi nhà nhỏ của gia đình Sùng A Đế nằm chênh vênh bên sườn đồi, nơi đây, điều kiện địa hình, đi lại khó khăn nên hầu hết trẻ em chỉ học hết lớp 5 là ở nhà theo bố mẹ lên nương làm rẫy hay vào rừng hái măng, chặt củi về bán kiếm tiền mưa sinh. Nhưng có một cậu bé vốn bị liệt cả đôi chân từ nhỏ, nhưng hàng ngày vẫn tự “bò” đến trường bằng chính đôi tay của mình. Hiện nay Sùng A Đế ấy đã học đến lớp 12, ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Mường Lát. 
Năm 1993, khi vừa mới lọt lòng mẹ, do bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố, nên cơ thể Đế không bình thường, càng lớn lên thì hai chân teo tóp dần rồi liệt hẳn. Rất may đôi tay và các bộ phận khác trên cơ thể em vẫn phát triển bình thường và việc di chuyển của em hoàn toàn phụ thuộc vào đôi tay.
Chặng đường đến trường với Sùng A Đế rất khó khăn nhưng Đế luôn tươi cười
Đôi chân bị tật đi lại khó khăn nên Đế không thể lên nương, lên rẫy cùng bố mẹ được mà chỉ trông nhà và làm những việc nhẹ trong gia đình. Hàng ngày nhìn những bạn bè cùng trang lứa trong bản đến trường đã thôi thúc niềm đam mê học chữ trong Đế. Vì điều kiện còn nhiều khó khăn, nhà xa trường, trong khi đó bản thân em lại bị dị tật nên lúc đầu bố mẹ Đế không cho đi học. Nhưng niềm đam mê học cái chữ đã thôi thúc trong mình, Đế quyết định xin bố mẹ cho đi học.
Lúc đầu bố mẹ không đồng ý nhưng vì thấy con cứ nằng nặc đòi đi nên bố đã đưa Sùng A Đế đến trường xin thầy cô cho con vào học. Thương con, để con không phải vất vả vì quãng đường xa đến trường, nên bố Sùng A Đế đã dựng một túp lều ở gần trường để Đế tiện việc đi lại học tập. Để đổi lấy cái chữ, hàng ngày Sùng A Đế phải “bò” bằng tay đến lớp học, xa bố mẹ, bản thân lại tật nguyền nên mọi sinh hoạt hàng ngày cũng như học tập Sùng A Đế đều phải tự mình xoay xở. Nhiều hôm trời mưa đường trơn nên em cứ bị ngã dúi trên đường xây xước cả mặt.
Suốt 12 năm qua, đôi tay cũng đã chai sần đi cùng năm tháng để đổi lấy cái chữ. Hàng ngày bố mẹ phải lên nương làm rẫy không thể ở bên chăm sóc chỉ vài tháng mới đến thăm một lần và mang tiền để Sùng A Đế mua gạo và sách vở…
Rồi hành trình đi tìm cái chữ cũng trở nên vất vả hơn khi Sùng A Đế phải rời bản ra Trung tâm xã, cách nhà gần 30km để trọ học cấp 2. Không còn cách nào khác, bố Sùng A Đế lại vào rừng chặt luồng về dựng lán trọ học gần trường để con trai theo đuổi ước mơ của mình. Dù đi lại vất vả nhưng chưa bao giờ Đế tỏ ra nản chí. Sùng A Đế tâm sự: “Ở bản ít người học lên cao lắm. Em bị tật nguyền như thế này không làm được việc gì thì phải học lấy cái chữ để sau này đỡ khổ thôi”.
Những tháng ngày vất vả cứ dần trôi qua, cậu học trò người Mông Sùng A Đế cũng học hết cấp 2. không chịu lùi bước trước những khó khăn vất vả trong cuộc sống và sinh hoạt. Đế vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình và lại tiếp tục lên huyện học cấp 3 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mường Lát.
Từ ngày lên huyện học, cách xa nhà hơn 60km, đường sá đi lại khó khăn nên bố mẹ cũng ít có điều kiện lên thăm hơn. Trong quá trình học tập tại đây nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và mỗi tháng Sùng A Đế được nhận trợ cấp 140.000đ nên cũng đỡ vất vả cực khổ hơn.
Ông Trần Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mường Lát cho biết: “Trường hợp em Đế rất đặc biệt, gia đình ở xa em lại bị tật nguyền, nhưng em lại là trường hợp học sinh rất chăm ngoan học tập. Hoàn cảnh gia đình em Đế rất khó khăn, Nhà trường cũng thường xuyên động viên để em có thể theo học hết lớp 12”.
Duy Tuyên – Đông Phát / Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)