Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

12 năm học 3 lần học từ Hello

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thực tế tại Hà Nội và một số thành phố lớn cho thấy, thực trạng dạy và học tiếng Anh đang nảy sinh khá nhiều vấn đề. Nhiều học sinh mỗi khi chuyển cấp phải học lại tiếng Anh từ đầu hay nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn không nói được 1 từ tiếng Anh.

Rất ít trường trang bị được thiết bị dạy ngoại ngữ như thế này.
Thừa
Tại Hà Nội, hầu hết các trường đều dạy tiếng Anh cho học sinh từ bậc tiểu học, chậm thì lớp 3, sớm thì lớp 1, đặc biệt trong khối ngoài công lập, hầu hết các em đã được học tiếng Anh từ rất sớm. Mặc dù ở lớp 1, 2, 3, đây không phải là môn học bắt buộc nhưng do có điều kiện, nên hầu như các trường đều triển khai. Thế nhưng, mỗi lần chuyển cấp, các em lại bắt đầu học từ “Hello, how are you”, từ những chữ cái A, B, C đầu tiên.
Lý do vì từ bậc THCS trở lên có 2 chương trình dạy ngoại ngữ: 7 năm cho học sinh học từ lớp 6 đến lớp 12 và 3 năm cho học sinh từ lớp 10 đến 12. Mặc dù theo kế hoạch đổi mới chương trình và SGK của Bộ GDĐT, từ năm học 2008 – 2009, môn ngoại ngữ trong cả nước sẽ thực hiện một chương trình học 7 năm, nhưng thực tế, đến thời điểm này, 2 chương trình (7 năm và 3 năm) vẫn đang tồn tại song song.
Vì sao không thể duy trì một chương trình ngoại ngữ 7 năm thống nhất trong toàn quốc? Bởi hiện nay có đến 4 ngoại ngữ chính đang được dạy trong khối phổ thông: Anh, Nga, Pháp, Trung. Mỗi địa phương, mỗi trường lại chọn 1 trong số 4 ngoại ngữ đó để dạy. Vậy nên, một học sinh học tiếng Pháp ở THCS nhưng lại thi vào một trường THPT dạy tiếng Anh thì đương nhiên em đó phải học chương trình tiếng Anh 3 năm. Vì thế, cứ mỗi đầu cấp học, học sinh lại bắt đầu học lại từ đầu khiến không ít em cảm thấy chán nản và lơ là đối với môn ngoại ngữ. Việc học đi học lại không chỉ là một sự thừa thãi vô lý, khiến cho chương trình học ngoại ngữ của học sinh dang dở mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như chất lượng học ngoại ngữ của học sinh.
Và thiếu
Cái thiếu đầu tiên và lớn nhất của học sinh hiện nay chính là lượng kiến thức ngoại ngữ các em thu được sau 12 năm học phổ thông. Chỉ có một số lượng rất nhỏ các em tốt nghiệp THPT có thể sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, số còn lại hầu hết là không ứng dụng được gì. GS Võ Tòng Xuân đã từng nhận xét: “Suốt 7 năm trời học tiếng Anh ở bậc phổ thông chỉ để làm bài thi trắc nghiệm “abc khoanh” mà thôi, tốt nghiệp rồi mà giao tiếp chả được gì, ngoại trừ những học sinh có khiếu và được đi học thêm ngoại ngữ ngoài giờ học trong trường. Lên bậc đại học, sinh viên tiếp tục học ngoại ngữ suốt 4 năm, nhưng đại bộ phận sinh viên tốt nghiệp rồi mà nói ngoại ngữ người ta không hiểu và cũng không hiểu người ta nói gì!”.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng trên, chính là SGK. Bộ SGK tiếng Anh lớp 10, 11, 12 hiện nay được xuất bản từ năm… 1986, sau 15 lần tái bản và chỉnh lý chút ít năm 1994, bộ sách này trở thành sách chuẩn kiến thức. Nội dung trong nhiều bài học đã quá cũ kỹ và lạc hậu, khiến không chỉ học sinh mà cả giáo viên đều không thấy hứng thú khi dạy và học. Ngoài nội dung, các thuật ngữ, cấu trúc câu trong các bài đọc hiểu thường rất khó hiểu, dài và có nhiều câu phức nên rất khó ghi nhớ và sử dụng để giao tiếp.
Học tiếng Anh phải luyện tập đều 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết nhưng SGK chỉ chú trọng các kỹ năng đọc, viết, ngữ pháp, trong đó nặng nhất là ngữ pháp. Mỗi bài trong SGK có đến 3 – 4 điểm ngữ pháp, từ vựng nên cả giáo viên và học sinh phải “bò” ra mới không bị cháy giáo án, không còn thời gian đâu để rèn kỹ năng nghe và nói. Một giáo viên tiếng Anh THPT cho biết, học sinh phải tiếp nhận một lượng kiến thức và ngữ pháp rất lớn, phải nhớ những công thức, nguyên tắc, cấu trúc… một cách máy móc nên việc các em học trước quên sau, mất căn bản không phải là điều lạ.
Thêm vào đó, thực trạng đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học ngoại ngữ còn rất thiếu thốn cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Chỉ có 75,4% giáo viên ngoại ngữ THCS tốt nghiệp CĐ; tỉ lệ này ở THPT là 97,3%. Nhìn chung đội ngũ giáo viên ngoại ngữ của giáo dục phổ thông chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng so với yêu cầu đặt ra. Đây cũng là cấp học mà đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn đồng bộ.
Nguyên Minh / Lao Động 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)