Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

12 nhiệm vụ giáo dục trọng tâm trong năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tại Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 vừa được ban hành, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm.


Học sinh trong một hoạt động hướng nghiệp

Cụ thể, 12 nhiệm vụ giáo dục trọng tâm cho năm học mới như sau:

1. Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về GD-ĐT:

Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý Nhà nước của Bộ GD-ĐT; triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời.

Tiếp tục đổi mới quản lý về GD-ĐT theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong các trường.

2. Chủ động phòng chống, ứng phó hiệu quả thiên tai, dịch bệnh:

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch tổng thể của ngành giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.

Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.

3. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành:

Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành. Đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở GD-ĐT; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, nêu cao tinh thần tương thân tương ái; nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.

4. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT:

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.

Tổ chức thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 – 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao. Thực hiện kịp thời và đầy đủ các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30-6-2020 của Chính phủ. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy các môn ngoại ngữ và tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3.

5. Thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục:

Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT.

Tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú, trường dự bị ĐH, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

6. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên:

Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện mới và triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới. Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, đáp ứng đa dạng nhu cầu đến trường của trẻ em; quan tâm phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn và vùng có khu công nghiệp. Tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11, sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu giáo dục địa phương. Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022-2023…

Triển khai thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT chất lượng, hiệu quả. Củng cố, phát triển mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Đa dạng hóa nội dung chương trình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được học tập liên tục, suốt đời. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác…

Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; triển khai sớm công tác chuẩn bị để bảo đảm các điều kiện thực hiện cho kỳ thi ở các năm sau; xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

7. Xây dựng và triển khai chiến lược quy hoạch, nâng cao năng lực hệ thống giáo dục ĐH:

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách về thực hiện tự chủ ĐH; trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ về tổ chức, quản trị và tài chính.

Triển khai có hiệu quả đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2019-2030. Khuyến khích mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế; thu hút các nguồn tài trợ quốc tế, chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu và trao đổi toàn cầu. Tăng cường bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH.

8. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành:

Tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học trực tuyến và trong kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Tiếp tục xây dựng hạ tầng số quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến. Khuyến khích phát triển và ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực GD-ĐT.

9. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục:

Thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục ĐH có uy tín được xếp hạng cao trên thế giới. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, khuyến khích kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được công nhận hoạt động ở Việt Nam. Đẩy mạnh thu hút sinh viên quốc tế, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam.

10. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm:

Tăng cường công tác thanh – kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về GD-ĐT nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh kiểm tra công tác triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở giáo dục…

11. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành:

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chủ động phát hiện, biểu dương và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành.

12. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục:

Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện các nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đổi mới nội dung, phương thức truyền thông để nâng cao hiệu quả.

Thục Trân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)