Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

12 sự kiện nổi bật của ngành GD-ĐT năm 2009

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa bình chọn 12 sự kiện nổi bật của ngành GD-ĐT trong năm 2009. Theo đó, thứ tự các sự kiện như sau:
1. Bộ Chính trị ra Thông báo số 242-TB/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020. Đây là những định hướng chỉ đạo rất quan trọng để giáo dục Việt Nam có thể hội nhập quốc tế vào năm 2020, khi nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.
2. Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực sự coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu.
3. Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục: Nội dung sửa đổi, bổ sung đã tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc hiện nay như: Quy định việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, đặc biệt ở vùng miền núi và các vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn…
4. Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Ngành giáo dục là ngành đầu tiên thực hiện nói không với bệnh thành tích thông qua việc triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
5. Đánh giá kết quả năm đầu tiên triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Kết quả sau một năm triển khai thực hiện đã có 40.637 trường học tham gia phong trào, trong đó có 5.506 trường được chọn chỉ đạo điểm ở các địa phương; các trường đã nhận chăm sóc 2.846 bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ và 13.060 di tích lịch sử, văn hóa; sửa chữa hoặc xây mới 36.985 nhà vệ sinh (đạt tỷ lệ 91% trong tổng số các trường học).
6. Triển khai đổi mới phương pháp dạy học bốn môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân.
7. Tổ chức đánh giá chương trình, sách giáo khoa tiểu học và trung học trên quy mô toàn quốc. Bộ đã biên soạn và ban hành tài liệu “Hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông” nhằm giúp giáo viên định hướng đúng nội dung giảng dạy của các môn học, trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu tối thiểu, có thể nâng cao ở mức phù hợp với năng lực nhận thức của các học sinh khá, giỏi. Tài liệu hướng dẫn này đã được triển khai ngay trong học kỳ I năm học 2009-2010 và được các cơ sở đánh giá là có tác dụng tốt trong đổi mới phương pháp dạy học.
8. Ban hành chương trình giáo dục mầm non mới và xây dựng xong đề án “Phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi”.Mục tiêu của đề án là đảm bảo hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được tới lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt nhất về mặt thể lực, sẵn sàng về tâm lí, chuẩn bị tiếng Việt, đảm bảo chất lượng nhập học phổ thông.
9. Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết năm học khối giáo dục đại học “Đổi mới quản lý nhà nước là giải pháp đột phá để đổi mới giáo dục đại học”. Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của ngành GD-ĐT, đặc biệt là giáo dục đại học trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng đã chỉ đạo đổi mới quản lý Nhà nước là giải pháp đột phá để đổi mới giáo dục đại học.
10. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động của ngành. Theo đó, đã tổ chứctập huấn cho hơn 5.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên của 35 Sở GD-ĐT.
11. Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Á- Âu lần thứ 2 (ASEMME2).
12. Hội nghị Hội đồng giáo giới các nước ASEAN lần thứ 25.Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến phát triển giáo dục, Hội đồng giáo giới ASEAN đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, phối hợp hành động nhiều mặt, ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu nhằm đảm bảo phát triển bền vững giáo dục.
P.V

Bình luận (0)