Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

12 thuyền viên bị cướp biển bắt về đến Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

 Đúng 15g30 ngày 24-7, chuyến bay mang số hiệu QR613 hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội. Sau gần 19 tháng bị hải tặc Somalia bắt cóc, 12 thuyền viên Việt Nam cuối cùng đã trùng phùng trong vòng tay người thân.

Các thuyền viên giơ tay chào trong khi chờ làm thủ tục tại sân bay Nội Bài – Ảnh: Việt Dũng
Hồi hộp
14g15 ngày 24-7, thân nhân của 7 thuyền viên do Trung tâm đầu tư xuất khẩu lao động Servico Hà Nội đưa đi đã tề tựu đông đủ tại ga hàng không sân bay Nội Bài.
Khá xúc động bởi sau gần 3 năm xa con nên dường như suốt đêm qua, bà Nguyễn Thị Ngãi (mẹ thuyền viên Nguyễn Thanh Tú ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc- Nghệ An) dường như không ngủ được. Đến bến xe Nước Ngầm từ 12g đêm, vợ chồng bà Ngãi xin nhà xe cho nằm nhờ trên xe chờ trời sáng. Thấp thỏm, lo âu lại không ăn uống gì được trưa 24-7, bà Ngãi đã xỉu đi vì mệt.
Anh Nguyễn Văn Thanh, anh trai của thuyền viên Nguyễn Văn Hải cùng 3 gia đình thuyền viên khác (Trần Văn Toàn, Hồ Xuân Hương, Bùi Văn Hóa) sau khi xem chương trình thời sự trên VTV1 tối 23-7, được biết chiều 24-7 các thuyền viên sẽ có mặt ở sân bay Nội Bài, 4 gia đình đã rủ nhau lên tàu ra Hà Nội ngay sau đó.
Đến sân bay Nội Bài từ khi trời còn tối, mọi người nằm tạm trên sảnh sân bay ngả lưng và chuyện trò suốt đêm chờ trời sáng. “Tôi không thể ngủ được bởi chúng tôi đã hy vọng rồi tuyệt vọng, đã đến nhiều nơi để đề nghị được giúp đỡ, cũng cầu xin thần thánh, đi chùa để cầu nguyện mong cho con sớm được trở về” – mẹ thuyền viên Bùi Văn Hóa vừa khóc vừa nói trong khi chờ chuyến bay hạ cánh.
Trùng phùng
Không giấu được những tiếng khóc, những nụ cười hạnh phúc dù sự mệt mỏi vẫn còn hiện diện trên gương mặt khắc khổ, đen đúa của 12 thuyền viên.
“Mệt và còn rất xúc động vì đã về được đến Việt Nam, bây giờ cảm xúc rất hỗn độn, không biết chia sẻ gì vào lúc này. Chỉ biết rằng chúng tôi đã sống những ngày vô cùng tủi cực ở xứ sở cướp biển” – thuyền viên Bùi Văn Hóa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nói trong sảnh nhận hành lý của sân bay Nội Bài.
Giây phút đoàn tụ tại sân bay – Ảnh: Việt Dũng
Bình tĩnh hơn Hóa, thuyền viên Lưu Đình Hùng kể về những ngày tháng bị bắt giữ bằng giọng nói khá mệt mỏi: “Ăn uống vô cùng khổ cực bởi mỗi ngày chúng cho ăn 1 bát bột gạo và 2 bát cơm không có thức ăn. Nếu cần phải làm việc gì bọn chúng bắt anh em thuyền viên ra làm việc, 26 người phải kéo những cỗ máy nặng vài tấn trên cát là chuyện hết sức bình thường. Còn việc đánh đập thì ai cũng bị đánh và không thể kể hết được" – anh Hùng chia sẻ.
Là người ra sau cùng trong số 12 thủy thủ, Vũ Văn Ba lao vào vòng tay cha mẹ là ông Vũ Văn Ngợi và bà Trần Thị Lơ. Ngay trong đêm qua, sau khi biết thông tin 12 thuyền viên trở về Việt Nam, ông bà đã bắt xe từ Nghệ An ra Hà Nội để chờ con. Suốt đêm qua bố mẹ Ba cũng như hàng chục ông bố bà mẹ trong đoàn thuyền viên đã thổn thức không thể ngủ được. “Con ơi, con có đói không, có mệt không, mẹ mang bánh cho con đây” – bà Lơ chìa ra mấy chiếc bánh ngọt bà mua vội trước khi lên xe sang Nội Bài để đón con.
"Không được ở trong nhà mà mọi người phải nằm trong một hốc cây, nếu trời nắng thì dùng chăn để che đầu, mưa thì chịu ướt. Ở vùng đất của cướp biển, đứa trẻ trai 5 tuổi đã biết cầm súng canh con tin, còn những người đàn ông thì sẵn sàng xả súng bất kể lúc nào” – thuyền viên Vũ Văn Ba kể.
Giây phút trùng phùng – Ảnh: Việt Dũng
Ngay sau khi rời sân bay, toàn bộ 12 thuyền viên và thân nhân đã được 2 công ty là Servico và Imasco đón về công ty.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, giám đốc Trung tâm đầu tư xuất khẩu lao động Servico Hà Nội, cho biết các thuyền viên sẽ được đưa ra bến xe để về quê, mỗi người được nhận một phần quà là 1 triệu đồng.
Danh sách 12 thuyền viên về Việt Nam chiều 24-7
7 thuyền viên của Servico Hà Nội:
Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1992, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An); Trần Huy Bình (sinh năm 1987, Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An); Hồ Xuân Hương (sinh năm 1989, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An); Lưu Đình Hùng (sinh năm 1990, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An); Trần Minh Trí (sinh năm 1991, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An); Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1986, Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An); Vũ Văn Ba (sinh năm  1991, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An).
4 thuyền viên của Công ty Imasco:
Trần Văn Toàn (sinh năm 1991, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An); Lưu Đình Sơn (sinh năm 1991, Thạch Ngân, Con Cuông, Nghệ An); Trần Văn Hùng (sinh năm 1987, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An); Nguyễn Văn Tâm (sinh năm 1990, Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
1 thuyền viên của Công ty TNHH một thành viên Vạn Hoa:
Bùi Văn Hóa (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
 
Theo TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)